Mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ nông sản
Trong bức tranh phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai, nông nghiệp giữ vai trò trụ cột với giá trị sản xuất tăng trưởng ổn định. Vấn đề đặt ra hiện nay là mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ để góp phần đảm bảo đầu ra cho hàng nông sản.
Quảng bá nông sản tại hội chợ
Gia Lai có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu tập trung với khoảng 106.400 ha cà phê, 33.250 ha cây ăn quả, 83.750 ha cao su, 7.800 ha hồ tiêu, 78.000 ha mì… Bên cạnh đó, tỉnh còn có 454 sản phẩm OCOP (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao, 386 sản phẩm 3 sao) chủ yếu ở các nhóm thực phẩm, đồ uống, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu…
Nhằm tạo lập chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở Công thương đã tích cực triển khai hàng loạt giải pháp để hỗ trợ mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ, tạo đà cho sản phẩm của địa phương vươn xa. Trong đó, việc hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) đã mang lại cơ hội kết nối mở rộng thị trường cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).
Bà Đào Thị Thúy Uyên-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khoa học sâm Gia Lai (860 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho hay: “Khi nghiên cứu về cây sâm khỏe ở vùng rừng Kbang, chúng tôi nhận thấy đặc điểm tự nhiên khu vực này đã tạo ra chất lượng sâm vượt trội, có dược tính cao. Từ cơ sở đó, Công ty đã sản xuất các sản phẩm nước sâm K10. Sản phẩm sâm yến K10 là sự kết hợp giữa sâm và yến.
Các sản phẩm này được Công ty thực hiện đầy đủ hồ sơ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Gần đây, Công ty được hỗ trợ tham gia các chương trình XTTM. Đây là cơ hội để đơn vị từng bước hoàn thiện sản phẩm nhằm tăng tính cạnh trên thị trường”.

Công ty TNHH một thành viên Khoa học sâm Gia Lai được hỗ trợ tham gia nhiều sự kiện XTTM. Ảnh: T.N
Cơ sở sản xuất trà thảo mộc Trường Phú (xã An Phú, TP. Pleiku) cũng thường xuyên tham gia các chương trình XTTM trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Vũ Phú Trường-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Tại các chương trình XTTM, tôi được tiếp xúc với các nhà sản xuất có sản phẩm tương đồng để nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình, cần hoàn thiện những gì để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hiện nay, với một cơ sở nhỏ, việc tiếp cận thông tin thị trường và đưa hàng vào hệ thống phân phối là vấn đề cần được kết nối, hỗ trợ”.
Năm nay, các chương trình XTTM tập trung vào tổ chức và tham gia hội chợ triển lãm, phiên chợ, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; hội nghị kết nối cung cầu; kết nối giao thương; kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm hàng Việt, hàng đặc sản đặc trưng, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương) cho biết: “Chương trình XTTM ngày càng đi đúng trọng tâm với việc hỗ trợ, tối ưu hóa cơ hội giao thương, phù hợp với quy mô sản xuất của từng doanh nghiệp, HTX hướng đến như kênh đại lý, nhà phân phối hoặc xuất khẩu.
Hiện nay, chương trình XTTM chú trọng tổ chức các phiên kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nhận định, đánh giá chính xác xu hướng thị trường, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, nhất là việc nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định về thủ tục xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số nước”.
Giải pháp mở rộng mạng lưới tiêu thụ
Để người sản xuất không bị thiếu thông tin thị trường, kỹ năng bán hàng và các kênh phân phối hiệu quả, Sở Công thương thường xuyên làm cầu nối giữa nhà sản xuất và thị trường qua việc cung cấp thông tin khách hàng, sản phẩm cho các nhà thu mua lớn, tổ chức đào tạo kỹ năng bán hàng đa kênh. Cùng với đó, thiết lập mô hình mua bán, phân phối hàng hóa qua việc mở điểm bán hàng Việt để kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Một số thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại điểm bán hàng OCOP. Ảnh: T.N
Bà Đinh Thị Ngọc Lan-Chủ cơ sở kinh doanh KL Organic (tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cho biết: “Cuối năm 2024, cơ sở đã khai trương điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng. Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở đã liên kết với các chủ thể OCOP trên địa bàn trưng bày và bán gần 100 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương như cà phê, mật ong, bò khô, chanh dây, hạt điều, hạt mắc ca, ngũ cốc, các sản phẩm từ dược liệu, thảo mộc… Điểm bán bước đầu mở ra cơ hội giúp người dân địa phương và du khách tiếp cận với các sản phẩm chất lượng đảm bảo”.
Trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, mạng lưới phân phối và tiêu thụ không chỉ là khâu cuối mà còn là yếu tố then chốt quyết định giá trị, khả năng tiêu thụ và sự phát triển bền vững của sản phẩm. Trên thực tế, sản phẩm dù đạt chất lượng cao nhưng nếu không có hệ thống phân phối hiệu quả thì khó đến được tay người tiêu dùng, giá trị sản phẩm không được đánh giá tương xứng.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, mang đậm dấu ấn đặc trưng của địa phương, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Nhiều sản phẩm như L’amant Café đã đạt thương hiệu quốc gia, Mật ong Phương Di đạt sản phẩm OCOP 5 sao và rất nhiều sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã có vị trí trên thị trường.

Lựa chọn kênh tiêu thụ phù hợp là việc rất quan trọng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: P.V
Hiện nay, giá trị của một sản phẩm nông nghiệp không chỉ nằm ở chất lượng mà còn phụ thuộc vào kênh tiêu thụ. Cùng một sản phẩm, nếu bán tại vườn giá chỉ bằng một nửa so với khi vào đại lý, siêu thị hay xuất khẩu chính ngạch. Điều đó cho thấy mạng lưới phân phối đóng vai trò tạo giá trị gia tăng, điều tiết cung cầu và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Đặc biệt, hệ thống phân phối cũng là cầu nối quan trọng giúp nông sản tiếp cận thị trường quốc tế.
Nhằm đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Triển khai đa dạng các hình thức XTTM một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh chủ động tham gia vào chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, tập trung hoạt động XTTM, khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam.