Lãi suất BIDV, Agribank, Vietcombank mới nhất: Gửi tiết kiệm 150 triệu đồng BIDV nhận lãi bao nhiêu?
Lãi suất tiết kiệm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV dao động từ 1,6 đến 5% tùy kỳ hạn.
Lãi suất ngân hàng hôm nay
Diễn biến trên có phần lạ so với mọi năm, khi tháng cuối năm luôn là thời điểm các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu thanh khoản và tăng trưởng tín dụng.
Thực tế lãi suất huy động đã tăng phổ biến ở các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và vừa trong tháng 11 vừa qua. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc kéo theo lãi suất cho vay tăng để bù đắp chi phí vốn của các nhà băng.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, các ngân hàng sẽ phải kìm hãm mức tăng lãi suất cả huy động và cho vay theo yêu cầu của cơ quan quản lý, nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Từ cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành công văn về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Các tổ chức tín dụng cần tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng về việc giảm lãi suất cho vay, công bố thông tin về lãi suất.
Đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách.
Theo NHNN, tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% là hoàn toàn khả thi.
NHNN cho biết tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Cũng theo NHNN, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong tháng 11 ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,0- 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,1-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,8-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).
Lãi suất nhóm Big4 cao nhất 5%
Lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24-36 tháng tại VietinBank hiện ở mức 5%/năm, đây là mức lãi suất tiền gửi cao nhất trong nhóm Big4 (để chỉ 4 ngân hàng lớn nhất trên thị trường hiện nay, gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank). Cùng kỳ hạn này, tại BIDV là 4,9%/năm, Agribank 4,9%/năm, và Vietcombank là 4,7%/năm.
Tuy nhiên, ở kỳ hạn 3 tháng, Agribank lại niêm yết lãi suất ở mức cao hơn so với 3 nhà băng còn lại. Hiện ngân hàng này niêm yết 2,9%/năm cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 3 tháng, trong khi tại VietinBank và BIDV vẫn niêm yết 2,3%/năm, tại Vietcombank chỉ 1,9%/năm.
Lãi suất Vietcombank luôn được niêm yết thấp hơn so với 3 ngân hàng còn lại. Lãi suất ngân hàng tại Agribank, VietinBank và BIDV không có nhiều chênh lệch, ngoại trừ kỳ hạn tiền gửi 24-36 tháng và kỳ hạn 3 tháng.
Gửi tiết kiệm 150 triệu đồng nhận lãi suất bao nhiêu?
Bạn có thể tham khảo cách tính tiền lãi để biết số tiền lãi nhận được sau khi gửi tiết kiệm là bao nhiêu. Công thức tính tiền lãi như sau:
Tiền lãi = Tiền gửi x lãi suất tiền gửi %/12 x số tháng gửi.
Ví dụ, bạn gửi 150 triệu đồng vào Ngân hàng BIDV, kỳ hạn 24 tháng và hưởng lãi suất 5,1%/năm, số tiền lãi nhận được như sau:
150 triệu VND x 5,1%/12 tháng x 24 tháng = 15,3 triệu VND.