Lãi suất cho vay bắt đầu giảm, thị trường bất động sản sẽ 'ấm' lên?
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất cho vay, theo các chuyên gia đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Cùng với sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay ở một số sản phẩm, trong đó có bất động sản
Cụ thể, tại ngân hàng Agribank, khoản vay với mục đích kinh doanh bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với mức lãi suất cũ. Thời gian thực hiện điều chỉnh tối đa đến cuối năm nay và bắt đầu áp dụng từ ngày 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Ngân hàng BIDV tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh, bao gồm cả vay mua nhà ở với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu.
Không chỉ các “ông lớn” trong ngành, xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng lan sang một số ngân hàng thương mại cổ phần. Đơn cử như MBBank điều chỉnh lãi suất cho vay chỉ từ 8,5%/năm. Các ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt…cũng tung ra các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1-2 điểm % so với mức lãi suất thông thường.
Thông tin các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm và cho vay được các chuyên gia coi là tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc, khi mà mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm về mức dưới 7%/năm có thể sẽ kéo lãi suất cho vay về quanh mức 10%/năm. Việc này hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhà đầu tư, cá nhân vay mua bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dự báo, thời gian tới, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng được kỳ vọng có thể giảm xuống 10 - 11%/năm. Lãi suất hợp lý cộng với các giải pháp gỡ vướng về thủ tục pháp lý sẽ tạo nguồn cung mới, giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cũng cho rằng thời gian qua, vấn đề lãi suất tăng cao đã tác động tới tính thanh khoản của thị trường bất động sản.
“Người mua sẽ cân nhắc tới vấn đề thu chi và không xuống tiền mua khiến thanh khoản xuống thấp. Còn các doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi khó khăn ở kênh trái phiếu và lãi suất neo cao”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, người mua nhà hầu hết đều có một khoản tiền nhất định, còn lại sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cao khiến họ không dám vay để mua. Do đó, sức mua sụt giảm nghiêm trọng kéo theo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về dòng tiền.
Theo vị này, nếu lãi suất hạ, thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh. Bởi, hiện nay sức cầu trên thị trường vẫn đang rất tốt, đặc biệt ở phân khúc phục vụ nhu cầu thực.
“Việc các ngân hàng đề cập tới hạ lãi suất là tin vui cho thị trường. Song, để thực hiện được còn phụ thuộc vào độ ổn định của tình hình kinh tế và các yếu tố vĩ mô”, ông Điệp nói thêm.
Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, năm 2023 lãi suất tiền gửi 6 - 12 tháng sẽ giảm khoảng 2%, xuống còn 6%, cùng với lạm phát 1 - 2% có thể thúc đẩy những người gửi tiết kiệm chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang bất động sản và cổ phiếu.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay bất động sản, hàng loạt văn bản được ban hành nhằm điều tiết thị trường, tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho thị trường ấm lên.
Gần đây nhất, ngày 11/3 Nghị quyết 33 được ban hành sẽ giải quyết 2 nút thắt chính của thị trường là vướng pháp lý và nghẽn dòng tiền. Cụ thể, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận vốn tín dụng. Cùng với đó là giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…cho doanh nghiệp bất động sản.
Tóm lại, theo các chuyên gia, việc gỡ hàng loạt nút thắt đang dần “phá băng” sức ì, giúp mọi phân khúc đều được khai thông, thị trường bất động sản bởi thế sẽ sớm ấm lên và có thể bùng nổ ngay trong năm 2023.