Lãi suất cho vay tiếp tục giảm, lãi suất huy động tăng nhẹ
Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Giảm lãi suất vay, kích cầu tiêu dùng
Mới đây, Ngân hàng PVcomBank đã tung gói vay hỗ trợ 9.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm. Động thái này được các chuyên gia đánh giá là khá nhanh và khá cạnh tranh trên thị trường hiện nay.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng đã triển khai gói ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, tiêu dùng, mua nhà, mua xe với lãi suất chỉ từ 7%/năm trong 3 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 6 tháng đầu; cố định 12 tháng là 8,5%/năm và cố định 24 tháng là 10%/năm. Tổng hạn mức của gói cho vay này lên đến 2.000 tỷ đồng dành cho khoản vay ngắn hạn và 2.000 tỷ đồng dành cho khoản vay trung và dài hạn.
Trong khi đó, Nam A Bank áp dụng mức lãi suất vay mua nhà thế chấp từ 6,99 - 9%/năm. Tuy không phải mức lãi suất thấp nhất nhưng cũng khá phù hợp cho người mua nhà, bởi đây là mức lãi suất trần, sau đó có điều chỉnh theo từng quý, từng tháng.
Tại ngân hàng UOB, lãi suất vay mua nhà được áp dụng ở mức 6,29%/năm trong 12 tháng, 7,59%/năm trong 24 tháng và 7,79%/năm trong 36 tháng đầu. Khách hàng được vay thời hạn vay tối đa 30 năm, có thể vay tối đa 100% phương án vay vốn và lên tới 80% giá trị tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất vay trong thời gian gần đây đã góp phần kích cầu tiêu dùng trong dân, đồng thời góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 3 trở đi đã có sự tăng trưởng rõ rệt.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2,61 triệu tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng 3/2021 và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Trong những năm trước, tín dụng thường tăng chậm trong quý I, song năm nay lại bật tăng mạnh ngay từ đầu năm, giúp nhiều ngân hàng báo lãi lớn và đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng cho năm 2021.
Lãi suất huy động tăng nhẹ
Tổng dư nợ tín dụng tăng cũng là nguy cơ khiến một số ngân hàng nhỏ hết hạn mức cho vay do gần chạm trần về Chỉ số cho vay/huy động (LDR - Loan to Deposit, là tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động). Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống các ngân hàng không còn quá dư thừa như năm 2020. Mặt khác, huy động vốn không tăng cùng tốc độ tín dụng tăng.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động thấp thời gian qua cũng khiến một phần dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản. Điều này cũng khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trở lại từ cuối tháng 4/2021 đến nay với mức tăng 0,3 - 0,5%/năm.
Chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 5/2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ 1,13%/năm lên 1,23%/năm, quy mô giao dịch tăng từ gần 114.000 tỷ đồng/ngày trong tuần đầu tháng 5 lên 122.000 tỷ đồng/ngày vào tuần thứ ba.
Trong khi đó, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định tỷ lệ LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%, tức huy động được 100 đồng chỉ được cho vay 85 đồng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ LDR của nhiều ngân hàng đã vượt 100%. Hiện chỉ có một số ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank… là có thể duy trì tỷ lệ LDR ở mức 83 - 85%.
Trước tình hình trên, đầu tháng 6, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lại suất huy động. Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất dành cho giao dịch gửi tại quầy ở mức 0,1%-4%, còn lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 0,2%-4%. Mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 3 tháng gửi tại quầy là từ 3%-4%. Gửi trực tuyến, lãi suất huy động cho kỳ hạn này là 3,15%-4,5%.
Với kỳ hạn từ 6 tháng, mức lãi suất khi gửi tiền tiết kiệm trực tuyến là từ 4%-6,45%. Trong đó, SCB niêm yết lãi suất cao nhất cho khách hàng trực tuyến ở kỳ hạn này. Còn lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy dao động quanh mức 3,8%-6,25%. Lãi suất tốt nhất cho khách hàng gửi tại quầy ở kỳ hạn 6 tháng thuộc về ngân hàng CBBank.
Với kỳ hạn 9 tháng, lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 4%-6,7%, trong đó Nam Á Bank có mức gửi cao nhất. Nếu gửi tại quầy ở kỳ hạn này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,8-6,35%. Ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này là CBBank.
Với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng gửi trực tuyến sẽ được áp dụng mức lãi suất từ 4,6%-6,9%, lãi suất cao nhất thuộc về Kienlongbank và Nam Á Bank. Khách hàng gửi tiền tại quầy, mức lãi suất huy động cho kỳ hạn này là 4,7-6,8%, đứng đầu là Ngân hàng SCB.
Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất gửi trực tuyến dao động quanh mức 4,6%-7,1%; gửi tại quầy lãi suất 5,0-6,9%. Ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này cả trực tuyến lẫn tại quầy là Kiên Long Bank.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc tăng lãi suất không phải là xu hướng mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong vài quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng mạnh.