Lãi suất cuối năm sẽ ổn định

Theo các chuyên gia, nhìn chung các diễn biến lãi suất như thời gian vừa qua cũng như dự báo thời gian tới là tích cực, phù hợp với xu hướng giảm dần trần tăng trưởng tín dụng (TTTD) của hệ thống, hướng dòng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Diễn biến không bất thường

Thực tế diễn biến mặt bằng lãi suất thời gian gần đây cho thấy thanh khoản tốt và lãi suất huy động khá ổn định, ở mức 4,1 - 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5 – 7,45% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,9%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Trên thị trường liên ngân hàng (LNH), lãi suất LNH cũng duy trì ổn định trong vùng 3,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và chỉ bật tăng nhẹ vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua do yếu tố mùa vụ, sau đó lại giảm trong những ngày gần đây, chứng tỏ thanh khoản trên thị trường LNH cũng khá ổn định.

Những tháng đầu năm cũng xuất hiện hiện tượng một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài hạn. Cá biệt, một vài ngân hàng chào lãi suất 8,5 - 8,7%/năm cho các kỳ hạn gửi 24-36 tháng, nhất là với số tiền gửi lớn. Tuy nhiên, hiện mặt bằng lãi suất đã đi vào ổn định.

“Lãi suất huy động trung dài hạn ở một số ngân hàng đã bị tăng lên ở mức 0,2-0,7% do 3 lý do chính: Thứ nhất, các ngân hàng phải tiếp tục tăng nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng các quy định mới của NHNN liên quan đến việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thứ hai, tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Thứ ba, số lượng DN - cả niêm yết và chưa niêm yết - phát hành trái phiếu DN tương đối nhiều trong thời gian vừa qua với lãi suất tương đối cao nên sẽ đẩy mặt bằng lãi suất của thị trường lên”, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, cho biết.

Cùng quan điểm trên, GS. Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, có một số yếu tố khiến lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức hiện tại, thậm chí có thể tăng nhẹ. Một trong số đó là các kênh huy động vốn cạnh tranh khác như phát hành trái phiếu DN tăng trưởng mạnh với lãi suất khá cao.

Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn cần tiếp tục huy động vốn phục vụ nhu cầu tín dụng từ nay đến cuối năm, huy động các nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cũng như cân đối giữa nhu cầu vay, đặc biệt là nhu cầu cho vay cá nhân tăng lên với việc đáp ứng và duy trì chuẩn Basel II.

Mặt bằng lãi suất sẽ ổn định

Đáng chú ý, mặc dù lãi suất huy động trung dài hạn ở một số ngân hàng tăng lên như vậy nhưng lãi suất cho vay với sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định (khoảng 9 đến 11%/năm đối với trung - dài hạn), chưa kể còn có một số gói vay ưu đãi với một số ngành nghề nhất định ở các ngân hàng lớn.

“Chính phủ và NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo yêu cầu ổn định về mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN, chính vì thế lãi suất cho vay về cơ bản là không tăng nếu tính bình quân. Vì thế theo tính toán của chúng tôi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống đã bị giảm, từ mức khoảng 2,9% của năm ngoái, xuống còn khoảng 2,75% - 2,8% trong nửa đầu năm nay”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Nhìn về nửa cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, huy động vốn kỳ hạn trung và dài hạn vẫn có áp lực tiếp tục tăng lên ở một số ngân hàng vì các lý do đã nêu trên. Tuy nhiên, dự báo mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm về cơ bản lãi suất được dự báo duy trì ở mức tương đối ổn định, nếu có thay đổi cũng không đáng kể. Một số lý do cho nhận định này được chuyên gia này đưa ra là định hướng chỉ đạo về ổn định mặt bằng lãi suất của Chính phủ và NHNN.

Trong khi đó, hiện thanh khoản rất tốt nên không có áp lực gì khiến các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trên thế giới ổn định, đặc biệt trong bối cảnh Fed công bố không tăng lãi suất, thậm chí dự kiến giảm lãi suất 1-2 lần trong năm 2019, cho nên áp lực tăng lãi suất từ bên ngoài khá thấp so với năm ngoái.

GS. Trần Thọ Đạt cũng nhận định, diễn biến lãi suất thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của các biến số KTVM khác như tỷ giá, lạm phát, cán cân thanh toán, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước cũng như những tác động nhất định từ biến động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. “Với khả năng biến động của lạm phát, tỷ giá và các biến số khác được dự báo như hiện nay, và nếu không có những biến động lớn trên thị trường quốc tế thì lãi suất cơ bản sẽ giữ ổn định”, GS. Trần Thọ Đạt nhận định.

Chuyên gia này cũng lưu ý, nếu các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất thì chắc chắn sẽ tác động phần nào đến thị trường tiền tệ Việt Nam và là những lực kéo để mặt bằng lãi suất ở Việt Nam khó tăng trong thời gian tới mà sẽ được giữ ổn định thậm chí có thể giảm một chút.

Ngoài ra, việc NHNN kiên định mục tiêu TTTD 14% trong năm nay, cũng như nâng chất lượng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, theo GS. Trần Thọ Đạt, cũng là chốt chặn để ngăn các ngân hàng tăng lãi suất huy động trung dài hạn vì những lý do khác ngoài các yếu tố đã kể ở trên.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/lai-suat-cuoi-nam-se-on-dinh-90086.html