Xuất khẩu phân bón tăng mạnh: Kỳ vọng bứt phá mới

Tính chung nửa đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 903.095 tấn phân bón các loại, tương đương 362,09 triệu USD tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; nhiều doanh lợi nhuận cao.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu 903.095 tấn phân bón các loại, tương đương 362,09 triệu USD, giá trung bình 400,9 USD/tấn, tăng 12,8% về khối lượng, tăng 7,8% về kim ngạch nhưng giảm 4,4% về giá so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, trong tháng 6, xuất khẩu phân bón của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh. Theo đó, Việt Nam đã xuất gần 173.000 tấn phân bón các loại (tăng 77,8% so với cùng kỳ năm ngoái), đạt 64,26 triệu USD (tăng 55,2%).

Đáng chú ý, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 27,7% trong tổng khối lượng, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm gần 11% và Malaysia chiếm 6,7%.

Campuchia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Campuchia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Với tình hình xuất khẩu phân bón khởi sắc sau một năm lao dốc, nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón vừa công bố kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng. Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Tiền Phong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong nửa đầu năm nay, doanh thu ước đạt gần 29.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận Vinachem ước đạt 815 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị trong tập đoàn có lãi tăng đột biến như Công ty Cổ phần DAP - Vinachem tăng gấp 46 lần, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tăng gấp 5 lần, Công ty Cổ phần Phân bón và hóa chất Cần Thơ tăng gấp 4 lần...

Vinachem sẽ triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại 3 dự án: Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình; Cải tạo, mở rộng Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2, sớm đưa các dự án ra khỏi danh sách yếu kém, đồng thời quyết tâm khởi động dự án muối mỏ ở Lào ngay trong năm nay.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty sản xuất khoảng 553.000 tấn phân bón và hóa chất, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng phân bón bán ra thị trường đạt gần 695 nghìn tấn, sản lượng hóa chất ước đạt 63,6 nghìn tấn, đều tăng so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm. Sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi giá xuất khẩu urê bình quân cũng tăng hơn 8%. Song con số cụ thể về doanh thu và lợi nhuận chưa được công bố.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, dự kiến thị trường phân u-rê thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm nay khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu.

Năm nay các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh khi giá phân u-rê đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và có thể tiếp tục tăng trong các tháng tới, do tác động từ việc hạn chế nguồn cung của Nga và Trung Quốc.

Thông tin trên Công Thương dự báo cho thị trường phân ure thế giới, dự kiến sẽ có sự sôi động hơn từ nửa sau năm 2024, khi các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ Hè – Thu sắp tới.

Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dự đoán rằng năm 2024 sẽ là năm các doanh nghiệp trong ngành phân bón, hóa chất có sự bứt phá mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Giá phân ure đã tăng 11% trong quý I và có thể tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo, do ảnh hưởng từ việc hạn chế nguồn cung từ Nga và Trung Quốc.

Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm nay tăng nhẹ so với các năm trước.

Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-phan-bon-tang-manh-ky-vong-but-pha-moi-20424071318265634.htm