Lãi suất điều hành có thể sẽ giảm về mức 4% như trước đại dịch
Các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm lãi suất điều hành thêm 0,5%, đưa lãi suất điều hành về quanh mức 5% cuối năm nay, tiến tới giảm về mức 4% năm 2025.
Tình hình kinh tế xấu đi, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu… có thể khiến Ngân hàng Nhà nước hạ thêm lãi suất điều hành, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế.
Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó. Nguyên nhân là xuất khẩu tháng 4 giảm 17,1% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 20,5% và sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong cả 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đã giảm 11,8%; nhập khẩu giảm 15,4% so với cùng kỳ.
“Việt Nam có đặc thù nhập khẩu nhiều, do vậy các chỉ số nhập khẩu giảm đáng kể cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, mặc dù sức tiêu dùng trong nước vẫn mạnh”, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
“Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục nồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bằng cách cho họ thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp tính đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn”, ông Tim Leelahaphan chia sẻ.
Các chuyên gia phân tích VNDirect cũng cho rằng, nhiều khả năng Fed có thể dừng tăng lãi suất điều hành thời gian tới. Trong nước, áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023, đồng nghĩa bơm khoảng 140.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước. Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước.
Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023.
“Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.
Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính.
Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.
Ngoài ra, tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2023.
Mặc dù các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất điều hành, song Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra thận trọng. Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tuy Fed đã tạm dừng tăng lãi suất song mặt bằng lãi suất của Fed vẫn sẽ ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.