Lãi suất huy động của các ngân hàng Hà Tĩnh thấp nhất trong hơn 2 năm
Lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đã về 5,3%/năm, thấp hơn giai đoạn COVID-19.
Theo ghi nhận, thời điểm cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm từng lên tới 11-12%/năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên địa bàn “chạy đua” huy động vốn.
Thế nhưng, xu hướng giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam hạ lãi suất điều hành. Theo đó, chỉ trong nửa đầu năm nay, NHNN đã 4 lần liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành, trong đó có 3 lần giảm trần lãi suất huy động.
Qua theo dõi, bắt đầu từ quý III năm 2023, lãi suất tiết kiệm của các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh giảm nhanh và mạnh. Trong đó, loạt “ông lớn” tiên phong giảm sâu lãi suất huy động nhằm tạo đà giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Mới đây nhất, ngày 3/10/2023, Vietcombank Hà Tĩnh đã giảm 0,2% ở loạt kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Cụ thể, cả hình thức gửi tiết kiệm tại quầy và gửi trực tuyến, lãi suất huy động cao nhất của “nhà băng” này chỉ còn 5,3%/năm (áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên). Như vậy, Vietcombank đã đưa lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (Vietcombank đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022).
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, Vietcombank Hà Tĩnh, thời gian qua, nguồn vốn huy động của chi nhánh đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt gần 13.000 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cuối năm 2022). Tuy nhiên, hiện nay lãi suất huy động vốn giảm sâu nên giao dịch gửi tiền của người dân có phần chững lại. Nhiều khách hàng chọn gửi ở kỳ ngắn hạn để “ngóng” lãi suất có thể cải thiện trong đầu năm tới.
Ngày 9/10/2023, VietinBank Hà Tĩnh cũng giảm lãi suất tiền gửi đồng loạt nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất từ 3 đến dưới 6 tháng giảm từ 3,5% xuống còn 3,3%/năm, lãi suất từ 6 đến dưới 9 tháng và 9 đến 12 tháng giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm. Ngoài ra, kỳ hạn 12-13 tháng, trên 13 tháng đến 24 tháng và trên 24 tháng tại VietinBank giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,3%/năm.
Theo nhân viên giao dịch của VietiBank Hà Tĩnh, việc lãi suất huy động giảm sâu trong thời gian qua đã khiến cho việc gửi tiết kiệm của người dân tại chi nhánh có phần sụt giảm (giảm từ 10 - 20% so với đầu năm). Hiện nay, một số khách đến kỳ hạn đã quyết định rút tiền gửi tiết kiệm để đầu tư vào các kênh như: vàng, bất động sản... khi nhìn thấy những tín hiệu tích cực từ các thị trường này.
Như vậy, đến thời điểm này, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại 4 “ông lớn” trên địa bàn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã về 5,3%/năm, thấp hơn giai đoạn COVID-19.
Đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng đã “lao dốc” trong thời gian qua. Tại HDBank Hà Tĩnh, khoảng 3 tháng gần đây, lãi suất huy động giảm liên tục, thậm chí có tháng giảm tới 3 lần.
Ông Ngô Xuân Lịch – Phó Giám đốc HDBank Hà Tĩnh cho biết: “Ngày 11/10 vừa qua, HDBank tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại chi nhánh hiện chỉ còn 6,1%/năm (đối với kỳ hạn gửi 13 tháng), kỳ hạn 12 tháng hiện lãi suất là 5,9%/năm, lãi suất gửi 6 tháng là 5,7%/năm... Hiện nay, lãi suất đã “chạm đáy” nên lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm hẳn so với trước”.
Bà Trần Thị Xuân (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Gia đình tôi vừa có sổ tiết kiệm đến kỳ hạn tất toán. Hiện nay, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng xuống thấp nên tôi chỉ lựa chọn gửi lại ở kỳ hạn ngắn (5 tháng) và chờ biểu lãi suất trong năm mới để quyết định chọn kênh đầu tư phù hợp”.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất huy động liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do cầu tín dụng thấp. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ảm đạm nên các ngân hàng đã xuất hiện tình trạng “thừa tiền”. Suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, đơn hàng xuất khẩu giảm, thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho lớn.... Ngoài ra, đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng của người dân cũng bị chậm lại.
Theo ngành chuyên môn, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2023 mới chỉ đạt hơn 5,7% (mục tiêu cả năm là 14%). Trong khi đó, huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá tốt. Bởi vậy, việc hạ lãi suất huy động là động thái cần thiết để các tổ chức tín dụng tiếp tục hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.