Lãi suất huy động tăng có tạo 'cuộc chạy đua' trên thị trường?
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng trở lại, mức cao nhất hiện nay là 6,2%/năm, song chỉ ở kỳ hạn dài. Để giữ dòng tiền nhàn rỗi lại ngân hàng, các dự báo đưa ra, khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm 1%/năm.
Trong ngày cuối cùng của tháng 5, có thêm 2 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, đó là Eximbank và VIB.
Hai nhà băng “chốt sổ” tăng lãi suất trong tháng 5
Theo đó, Eximbank giữ nguyên biểu lãi suất áp dụng cho tiền gửi tại quầy nhưng tăng thêm 0,1%/năm ở tất cả kỳ hạn đối với tiền gửi online. Trong khi đó, VIB tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn 6 – 11 tháng. Trước đó, VIB đã từng 3 lần tăng lãi suất trong tháng này là vào các ngày 4, 8 và 21/5.
Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được VIB công bố, lãi suất các kỳ hạn 6 – 11 tháng đã tăng từ 4,1%/năm lên 4,3%/năm.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như: HDBank, Techcombank, ABBank, SHB, BVBank…
Sau tăng lãi suất, bảng xếp hạng lãi tại các ngân hàng cũng ghi nhận nhiều thay đổi, xuất hiện các mốc lãi mới. Lãi suất "vượt đỉnh" 6%/năm trước đó, xuất hiện nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6%/năm - mốc lãi suất hiếm hoi trên thị trường hồi đầu năm 2024.
Chị Hoàng Thùy Linh, Trưởng phòng giao dịch Seabank, Chi nhánh Láng Hạ nêu ý kiến: "Đầu năm, lãi suất cũng bị giảm một hai lần và đang có xu hướng tăng trở lại. Hiện mới có hai đợt tăng. Đối với SeaBank nói riêng, mỗi đợt tăng mức lãi suất tăng chỉ khoảng 0,1- 0,2%, cao nhất là 0,4%, tùy vào kỳ hạn".
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng: "Gần đây, lãi suất liên ngân hàng cũng như huy động của tổ chức và dân cư đang có xu hướng nhích lên. Đó là điều cũng bình thường để phù hợp với mặt bằng chung về lãi suất trên thế giới cũng như trong nước và hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá để giữ cho áp lực về tỉ giá không quá căng thẳng".
Lãi suất huy động tăng trở lại gần đây khi người dân có xu hướng rút bớt tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào những kênh đầu tư mạo hiểm hơn, trong đó có vàng.
Giá vàng đã tăng liên tục suốt nhiều tháng, từ mức 67 triệu đồng/lượng giữa năm 2023 lên trên 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5 năm nay (tăng hơn 37%). Mức tăng này gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm. Một số khác đầu tư vào chứng khoán, mua nhà đất...
Báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.
Lãi suất nhích dần theo từng quý
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là xu hướng lãi suất tăng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, liệu có tạo ra cuộc đua lãi suất trên thị trường?
Theo các chuyên, dù lãi suất đang có xu hướng tăng, nhưng theo nhiều dự báo, mức tăng từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều và sẽ nhích dần lên theo từng quý.
Chia sẻ tại bàn tròn "Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư Ngân hàng UOB Việt Nam", được tổ chức cuối tháng 5, ông Đinh Đức Quang, giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định vừa qua một số ngân hàng thương mại có tăng lãi suất huy động nhưng phần lớn là ở các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2 - 0,3%/năm. Sau khi tăng, mặt bằng lãi suất hiện tại như tiền gửi kỳ hạn 12 tháng quanh 5%/năm - vẫn thấp hơn trước dịch COVID-19.
"Động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng là theo xu hướng của các thị trường quốc tế và nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường. Thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước", ông Quang nhấn mạnh.
Với diễn biến của lãi suất huy động gần đây, Công ty chứng khoán VnDirect nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy. Tuy nhiên VnDirect cũng cho rằng mức tăng của lãi suất huy động vừa qua là không đáng kể, ít nhất là trong quý tới, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.
Trong khi Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5 - 1%/năm. Tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường. Dòng tiền vẫn có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, vẫn có những lo ngại sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ngày 30/5/2024 NHNN có công văn gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Đáng chú ý, NHNN cũng yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục,... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay.