Lãi suất và tỷ giá: Không nên dùng kháng sinh liều cao chữa đường ruột
TS Trương Văn Phước ví von rằng nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Theo ông, đừng nên sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột.
Không quá đáng lo về tỷ giá
Tại Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024), TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng thế giới là bậc thầy trong việc hoạch định các chính sách tài khóa, tiền tệ… Khi họ tung tiền ra giúp doanh nghiệp và người dân, họ thừa biết lạm phát sẽ tới.
“Tuy nhiên, tôi chấp nhận lạm phát để cứu mấy "thằng con" của tôi để khỏi suy dinh dưỡng. Đó là bài học vô cùng quan trọng trong thế giới hiện nay. Chúng ta không ngạc nhiên khi Mỹ, châu Âu chấp nhận lạm phát cao, vì nếu không có dòng tiền thì chết hết”, ông Phước nói.
Về vấn đề tỷ giá, ông Phước đánh giá không có gì quá đáng lo, bởi tỷ giá sẽ không vượt quá 26.000 đồng/USD.
"Nhiều dự báo của các tổ chức trên thế giới cho rằng đến tháng 9 có đợt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhưng có thể chúng ta không phải đợi đến tháng 9, mà ngay trong tháng 7 tới đây Mỹ sẽ giảm lãi suất”, ông Phước nêu.
Ông Phước cũng đề cập đến một yếu tố đáng quan tâm là ngày 5.11 tới Mỹ bầu cử tổng thống. Theo đó, kỳ vọng của thị trường là đồng USD phải giảm giá. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.
“Lãi suất không thuần túy là kinh tế. Bất chấp Fed giảm lãi suất ở tháng 7 hay tháng 9, nhưng kỳ vọng của thị trường là USD phải giảm giá”, ông Phước nói.
Phân tích về xu hướng giảm giá của đồng USD, ông Phước cho rằng USD sẽ giảm giá từ nay đến năm 2027, chỉ số USD-Index sẽ giao dịch quanh mốc 95 - 105, một mức không còn quá cao và lãi suất USD sẽ giảm ở mức 2,75 - 3% trong vòng 3 năm tới. Điều này giúp giảm áp lực mất giá đồng tiền Việt. Mức mất giá tiền đồng xấp xỉ với tốc độ CPI, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh CPI với biên độ 3 - 4%.
"Phải nói rằng lẽ ra VNĐ không nên mất giá 5% trong một quý. Xét về cân đối thì VNĐ không có gì phải mất giá nhiều đến vậy. Chúng ta xuất siêu, lạm phát Việt Nam thấp hơn Mỹ, lãi suất chúng ta cao hơn lãi suất đồng USD... sẽ giúp tỷ giá ổn định", ông Phước khẳng định.
Ông Phước ví von rằng nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột.
Theo TS Phước, nếu đẩy lãi suất lên cao để trị tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ để đưa nền kinh tế đi lên. Những biến số kinh tế vĩ mô của Việt Nam là tốt, nhưng cần có không gian để ứng phó trong một thế giới nhiều biến động, trong đó cần chú đặc biệt đến vấn đề thể chế.
Có thể USD không giảm mạnh như kỳ vọng
Về câu chuyện tỷ giá, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank nhận định rằng có thể USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng.
Ông Đạt cho biết 80% các dự báo của các ngân hàng trong năm 2023 cho rằng đồng USD sẽ giảm mạnh trong năm nay. Một trong những cơ sở của dự báo này là Fed giảm lãi suất trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, có rất nhiều sự thay đổi, ví dụ nền kinh tế Mỹ bỗng trở nên mạnh hơn. Xét về tương quan giữa kinh tế và GDP thì Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác.
Ngoài ra, so về lãi suất thực, ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất trong tháng 9 thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.
“Hôm nay có phiên họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu về thời điểm giảm lãi suất. Tuy nhiên, sự quan tâm của thị trường tại thời điểm này là những phát biểu trong cuộc họp, chứ không phải là việc giảm lãi suất, bởi thị trường đã dự đoán thời điểm hôm nay giảm lãi suất rồi. Lộ trình giảm lãi suất tiếp theo sau cuộc họp hôm nay sẽ quan trọng hơn nhiều”, ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, do lạm phát châu Âu ổn định hơn, nên châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất sớm và mạnh hơn so với Mỹ. Điều này vô hình trung đẩy sức mạnh của đồng USD đi lên. Ngoài ra, đồng euro cũng đóng vai trò lớn trong USD Index (DXY).
Về yếu tố bầu cử Mỹ, ông Đạt cho rằng đây là một biến số. Nếu cựu Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì các chính sách về thuế quan, hạn chế nhập cư có thể là yếu tố khiến lạm phát tăng trở lại. Điều này ảnh hưởng tới lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025, việc giảm lãi suất có thể thận trọng hơn. Việc này giúp USD vẫn có thể "giữ vị thế cao chứ không hoàn toàn sụp đổ" khi Fed giảm lãi suất trong kỳ này.
TS Cấn Văn Lực chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng lạm phát không quá đáng lo.
Về lạm phát, số liệu thống kê và dự báo của World Bank cho thấy, lạm phát đã giảm từ mức 8,6% năm 2022 xuống còn 5% năm 2023; dự kiến 3,5 - 4% năm 2024 và 3% năm 2025. Thương mại toàn cầu tăng 0,6% năm 2023 và IMF dự báo sẽ tăng 2,5 - 3% năm 2024 và 3,3% năm 2025.
"Xu hướng chung là lãi suất giảm, tiếp tục xu hướng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Ông Lực dự báo lãi suất điều hành trong nước sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm.
Theo ông Lực, khoảng 2 tuần gần đây, đồng USD đang giảm giá trở lại khoảng hơn 1,4%, các đồng tiền khác, trong đó có tiền đồng Việt Nam tăng giá, xuất khẩu thời gian tới chắc chắn bị ảnh hưởng.