Lái xe từ tốc độ 50-60km/h giảm đột ngột xuống 30km/h: Dễ tai nạn, bị phạt nguội
'Đường rộng, thoáng thường cho phép chạy tốc độ 50-60km/h, nhưng đoạn Nguyễn Tất Thành (Phú Thọ) lại bị hạ xuống 30km/h, khiến tài xế lo 'bẫy' phạt nguội, dễ phanh gấp, va chạm, gây bất tiện giờ cao điểm.
Trên thực tế, hiện nay, với các tuyến đường nội đô có mặt cắt lớn, đủ dải phân cách, không giao cắt phức tạp, vận tốc tối đa thường được cho phép ở mức 50–60km/h. Đơn cử các tuyến đường trục chính ở trung tâm các thành phố lớn như Lê Văn Lương, Phạm Hùng (Hà Nội) hay Điện Biên Phủ (TP.HCM) cũng đều áp dụng mức tốc độ phổ biến 50–60km/h, tùy từng đoạn và tình hình giao cắt.
Đường quốc lộ qua đô thị thường quy định 50km/h, các đoạn ít nút giao, tách làn tốt có thể lên 60km/h. Mức tốc độ này nhằm đảm bảo vận hành thông suốt, phù hợp mặt đường rộng, hạn chế ùn tắc và vẫn đảm bảo an toàn.
Do đó, việc đặt biển báo giao thông giảm tốc độ tối đa xuống còn 30km/h trên một đoạn ngắn của đường Nguyễn Tất Thành được coi là ngoại lệ, chủ yếu để phục vụ yếu tố an ninh, trật tự, tránh gây xung đột giao thông cục bộ.
Tuy nhiên, một số tài xế cho rằng, việc đang di chuyển ở tốc độ 50–60km/h mà phải giảm đột ngột xuống 30km/h ngay giữa đoạn đường thẳng, không có biển cảnh báo chuyển tiếp như trên cao tốc, hoặc biển thông báo trước, dễ khiến tài xế trở tay không kịp.

Biển giới hạn tốc độ khu vực trường học.
Theo các giáo viên dạy lái xe, trong kỹ thuật vận hành xe, khi cần giảm tốc độ từ 50–60km/h xuống mức “rùa bò” 30km/h, tài xế thường phải rà phanh, về số thấp, quan sát gương sau liên tục để tránh bị xe phía sau tông vào. Nếu thiếu biển báo từ xa hoặc tín hiệu nhắc giảm dần, tài xế dễ phanh gấp, làm xe sau bất ngờ, nhất là khi đường vắng, tốc độ trung bình đang cao.
“Trên các tuyến cao tốc, trước khi vào nút giao hoặc trạm thu phí, bao giờ cũng có biển báo giảm dần: 60km/h, rồi 50km/h, rồi 40km/h. Điều này giúp lái xe làm chủ tốc độ an toàn, không bị giật mình. Nhưng ở đường nội đô mà hạ thẳng một phát từ 50 xuống 30km/h thì rất dễ xảy ra va chạm dây chuyền, nhất là giờ cao điểm,” thầy Quốc Anh, giáo viên sát hạch lái xe tại Hà Nội, nhận định.
Trường hợp chuyển tiếp từ giá trị tốc độ lớn xuống giá trị tốc độ nhỏ mà sự chênh lệch giữa hai giá trị tốc độ này lớn thì cần đặt biển tốc độ tối đa trung gian, đồng thời đoạn chuyển tiếp trung gian không nhỏ hơn.

Các biển báo tốc độ chuẩn giúp người dân lưu thông an toàn hơn.
Thầy Quốc Anh cho rằng, việc phải “chạy rùa bò” trên đoạn đường thông thoáng cũng ảnh hưởng đến nhịp lưu thông chung, kéo dài thời gian di chuyển và tạo áp lực cho người lái nếu không làm chủ tốc độ đúng quy định.
Thầy Hoàng Văn Hùng (Giảng viên thực hành lái xe, Bắc Ninh) cũng chia sẻ: “Giới hạn 30km/h chủ yếu nên áp dụng trước cổng trường học, bệnh viện. Với đường trục chính, rộng, ít người qua lại đột ngột, biển này dễ trở thành ‘bẫy’ phạt nguội nếu bị cây che khuất.
Bên cạnh đó, việc giảm tốc quá mức làm nhịp lưu thông bị ngắt quãng, tạo tâm lý bức xúc cho tài xế, nhất là giờ cao điểm. Thậm chí xe phía sau không kịp phản ứng còn dễ gây tai nạn. Quan điểm tôi là cần rà soát, điều chỉnh phù hợp", thầy Hoàng Văn Hùng chia sẻ.
Bảo Ngọc
Tin bài cộng tác xin gửi về email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!