Làm báo ở một nơi đặc biệt
Bài 3:
BÁO CHÍ QUÝ HƠN VÀNG
BPO - Dưới nhiều hình thức thể hiện sinh động, có cả truyện ngắn, thơ ca, nhạc họa, tiểu phẩm hài, tranh minh họa, bài phản ánh, ghi chép, tường thuật, thông tin sự kiện, bình luận, sinh hoạt tư tưởng…, báo chí nơi “địa ngục trần gian” đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, được lực lượng tù nhân đón nhận, khao khát được cầm trên tay, được nghe, được đọc mỗi ngày. Ở nơi cách biệt với thế giới bên ngoài, với lực lượng tù chính trị và những người Việt Nam yêu nước bị tù đày, mọi thông tin tuyên truyền có giá trị ngàn vàng và là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá.
Thông tin sinh động, lan tỏa sâu rộng
Theo chia sẻ của các cựu tù Côn Đảo, hoạt động báo chí trong tù lúc bấy giờ dù bí mật nhưng khá phong phú, sinh động về thể loại. Mỗi phòng, trại ra những số báo với tôn chỉ, mục đích khác nhau như: Sinh hoạt tư tưởng, Xây dựng, Rèn luyện, Đoàn kết, Niềm tin, Văn nghệ… Giai đoạn tiền khởi nghĩa có tờ “Tiến lên” và tờ “Ý kiến chung”. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp còn lưu lại 2 tập báo: “Địa ngục trần gian” và “Bản án xâm lược Pháp” do Phòng Tuyên huấn Côn Đảo ấn hành vào cuối tháng 7-1954 sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tập một kể về hệ thống những hành động man rợ của giặc Pháp đối với tù nhân Côn Đảo. Tập hai là hệ thống những tội ác địch gây ra đối với những người kháng chiến, cộng sản bị bắt giam ở Việt Nam. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, việc làm báo phát triển phong phú hơn cả về nội dung và hình thức, nhưng lại tập trung chủ yếu ở Khu B Trại 6 vào giai đoạn cuối năm 1972 và cả năm 1973, với tổng 10 đầu báo, hơn 50 số báo đã ra đời. Trong đó, gồm 8 tờ báo phòng, 1 tờ báo trại và 1 tờ báo của đoàn thanh niên.


Trang bìa được tô vẽ ấn tượng bằng những phẩm màu tự chế và các bài viết trong tờ nội san “Xây dựng” với nhiều nội dung thông tin, thuộc nhiều thể loại và có hình ảnh, sơ đồ minh họa giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhớ
Ngôn ngữ báo chí lúc bấy giờ rất ngắn gọn, lời văn giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đa số tù nhân. Đặc biệt, hầu hết các tờ báo cách mạng phát hành ở nhà tù Côn Đảo đều do những người cộng sản chỉ đạo, thực hiện. Năm 1932, tù chính trị Côn Đảo có cuộc thảo luận về các hình thức đấu tranh trong tù, tờ “Ý kiến chung” đăng bài của đồng chí Nguyễn Hới, khẳng định: “Ở Côn Đảo không thể bạo động cướp chính quyền được mà chỉ có thể tập hợp lực lượng, lãnh đạo đấu tranh bằng các hình thức lãn công, bãi công, tuyệt thực đòi cải thiện chế độ lao tù”. Nhiều thông tin từ thực tiễn cuộc sống chốn lao tù, đường lối đấu tranh, qua tuyên truyền được số đông tù cộng sản tán thành, trở thành phương hướng chỉ đạo của tổ chức đảng ở nhà tù Côn Đảo.
Cuối năm 1933, đồng chí Ngô Gia Tự bị đày ra Côn Đảo, tham gia cuộc tranh luận trên diễn đàn “Ý kiến chung”, xác định đấu tranh trong tù là một bộ phận trong toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng chống lại chế độ lao tù hà khắc, bảo vệ sinh mạng, duy trì tinh thần chiến đấu và rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Phải đấu tranh giành lấy quyền sống, không thể để cho bọn chúa ngục muốn làm gì thì làm!”.

Những tờ báo ra đời ở nhà tù Côn Đảo được trưng bày, gìn giữ trong không gian riêng ở Bảo tàng Côn Đảo hiện nay
“Tiến lên” là tờ báo phổ cập, đoàn kết các lực lượng tù nhân trong cuộc đấu tranh chung. “Ý kiến chung” giữ vai trò là diễn đàn lý luận, hướng dẫn nghiên cứu lý luận, học tập chính trị. Chi bộ đặc biệt giao cho tù nhân chính trị Trần Văn Giàu mở lớp học chủ nghĩa Mác - Lênin ở Banh I. Tờ “Ý kiến chung” sau đó đã đăng các bài giảng của đồng chí Trần Văn Giàu và các bài thảo luận những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam, có những bài đề cập khá sâu về quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đế quốc, thường nhất là thảo luận những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương như vấn đề Lào, Miên trong cách mạng Đông Dương; phân biệt vấn đề dân tộc với vấn đề các dân tộc thiểu số trong dân tộc Việt Nam; làm rõ những vấn đề mà bản Luận cương chính trị (10-1930) mới chỉ phác họa… Đây là diễn đàn trao đổi ý kiến về các vấn đề đặt ra, mỗi số đều có các chuyên mục tin tức, bình luận, xã luận và nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin. Lúc này, báo được bí mật chuyền tay dưới dạng những bức thư gửi cho nhau.
Ngoài ra, nhiều vấn đề thời sự, chính trị cũng được thảo luận và trao đổi trên diễn đàn “Ý kiến chung” như vụ án Dimitrov và bản cáo trạng đanh thép mà Dimitrov đã kết tội bọn phát xít trước tòa án Leipzig (1933), vấn đề Liên Xô gia nhập Hội quốc liên (1934, tiền thân Liên hợp quốc)… Báo chí trong nhà tù Côn Đảo không chỉ là công cụ tuyên truyền mà còn là diễn đàn tổng kết thực tiễn, hướng dẫn lý luận, xứng đáng được vinh danh một kỳ tích trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Bài xã luận đầu tiên của tờ “Độc lập” (năm 1945) kêu gọi mọi người, các tầng lớp hãy đoàn kết, sẵn sàng hy sinh, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc… Cứ như thế nhiều tờ báo đã được ra đời trong địa ngục trần gian Côn Đảo, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, sinh hoạt tư tưởng, giữ vững khí tiết người cộng sản, cho nên được các tù nhân đón nhận trân trọng.

Khách tham quan và nghe thuyết minh viên Bảo tàng Côn Ðảo chia sẻ về hoạt động đấu tranh cách mạng, cũng như làm báo ở nhà tù Côn Ðảo
Cựu tù chính trị Võ Văn Giáo ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kể: Ở tù, anh em tù nhân xem báo chí quý hơn vàng. Nhận được tờ báo, hoặc một mảnh báo, anh em háo hức, tranh nhau đọc. Ban đầu báo chỉ lưu hành nội bộ, trong tổ chức đảng, nhưng về sau thì xuất bản nhiều hơn nên các phòng, trại chuyền tay nhau đọc, đến người cuối cùng thì gần như rách nát. Bởi ai cũng nóng lòng nghe thông tin tình hình chiến sự bên ngoài; vài câu viết động viên vu vơ cũng giúp anh em thêm vững tâm đến ngày toàn thắng. Những câu chuyện kể, bài thơ, câu đối, bài hát, tranh ảnh minh họa trên các tờ báo giúp người tù hiểu biết rất nhiều lĩnh vực từ lịch sử, khoa giáo đến chính luận. Giá trị hơn cả là giúp anh em tù nhân cảm nhận rõ cuộc sống bên ngoài và luôn nung nấu ý chí đấu tranh phá bỏ gông cùm, xiềng xích. Ngày ra báo, được cầm trên tay tờ báo, hoặc được nghe thông tin chiến sự bên ngoài trên các số báo, trên phát thanh anh em mừng rơi nước mắt…

Thông thường các chi bộ lưu báo ở phòng giam để tranh thủ mọi lúc, mọi nơi đọc và truyền đạt cho anh em nắm tình hình. Có thể tranh thủ khi được ra ngoài tắm nắng thì truyền tin cho nhau, về các phòng giam thì đào nền, chôn chặt dưới lớp bê tông cất giấu. Thế nhưng, nhiều khi bị bọn trật tự phát hiện, nghi ngờ, chúng đào nền bới lên tìm kiếm, nên một số tờ báo đã bị chúng thu giữ. Sau ngày giải phóng, anh em chôn giấu đã tìm lại được một số tờ còn nguyên vẹn, hiện nay vẫn lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo.
Cựu tù chính trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân CHÂU VĂN MẪN, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Làm báo để có vũ khí chiến đấu
Tháng 1-1973, Đảng ủy Côn Đảo chỉ đạo ra tập san “Xây dựng” với nội dung phong phú, gồm nhiều thể loại: Xã luận, bình luận, thời sự, truyện ký, thơ ca, tiểu phẩm, kiến thức, hồi ký, phiếm luận, bút ký... cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, giáo dục chính trị, sinh hoạt văn hóa, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh. Đồng chí Lê Tú, tức Nguyễn Đằng phụ trách biên tập và là cây viết chủ lực. Ban biên tập còn có đồng chí Nguyễn Nghiêm, tức Hoàng Văn Nghiêm, Lê Minh San, Hoàng Trọng Tấn, Hoàng Hòa, Bùi Văn Toản, khi chế bản có thêm các đồng chí Trần Thanh Lê, Đặng Thành Phong; Hoàng Thanh Quang kẻ chữ, Nguyễn Văn Mẫn (Tư Địa) vẽ bìa, Châu Văn Mẫn chép báo thành nhiều bản. Báo được đóng tập, xén cạnh bằng loại dao cưa ống thuốc đã mài sắc. Lúc đầu báo chỉ ra được 2 tập, phải chuyền tay, luân phiên qua 10 phòng cho 883 người đọc. Giáp vòng, anh em yêu cầu xem lại, lại luân chuyển; sau đó, báo tăng lên được 4-5 bản, quay vòng nhanh hơn. Phục vụ xong nhu cầu người đọc, các số báo được gom lại, bọc một lớp ni-lon, cho vào chai thủy tinh, chôn cất, không để lọt vào tay địch.

Khách tham quan hệ thống nhà tù Côn Ðảo được mệnh danh là "địa ngục của trần gian", nơi ra đời của rất nhiều tờ báo cách mạng
Nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Trưởng ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nghiên cứu về báo chí ở nhà tù Côn Đảo có thể thấy đây là vũ khí hoạt động của những chiến sĩ cộng sản. Tác phẩm, bài viết là những tài liệu vận động cách mạng mang tính Đảng sâu sắc. Có thể nói báo chí Côn Đảo nằm trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện.
Tính Ðảng của báo chí cách mạng ở nhà tù Côn Ðảo, giống như rất nhiều tờ báo cách mạng trong những nhà tù khác, đương nhiên là điều rõ nét nhất. Các tờ báo như: “Sinh hoạt”, “Rèn luyện”, “Niềm tin”, “Ðoàn kết”, “Vươn lên”, "Xây dựng"... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tù nhân chính trị, được họ chuyền tay nhau và đọc đi đọc lại, là những tài liệu học tập quý giá, đồng thời góp phần giác ngộ các tù nhân khác”...
Nhà báo LÊ QUỐC MINH, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Điều đặc biệt là những bài viết trên các báo ra đời ở nhà tù Côn Đảo hầu hết bút danh viết tắt hoặc với những cái tên rất hóm hỉnh nhưng đầy sức chiến đấu như: Trong bài điểm tin “Vòng quanh trại 6 khu B”, kết luận có đoạn: “Chúng ta mỗi ngày một thêm mới. Mới tốt nhiều hơn mới xấu! Cứ thế mà tiến lên anh em ơi!” để bút danh Tai Vách & Mắt Dương. Hay như bài “Dư luận đó đây” (Phóng sự văn nghệ) đăng trên tờ Xây dựng ra ngày 1-7-1973 để bút danh Thính Tai. Chuyên mục “Nghe thấy” đăng trên tờ Xây dựng ra ngày 30-7-1973 để bút danh Tò Mò. Chuyên mục là tập hợp những câu chuyện nghe thấy trong tù như: “Nấu nước nóng không tốn củi của các phòng 4.7.2”, “Cầu tiêu phòng 9”, “Nướng rệp”, “Trồng ớt”, “Kho rau phòng 4”… nhưng qua đó cho người đọc nhiều kinh nghiệm sống và gián tiếp tố cáo sự tàn ác của nhà tù thực dân, đế quốc ở Côn Đảo.

Cựu tù Võ Văn Giáo ở TP. Vũng Tàu, kể về những năm tháng bị đọa đày nơi ngục tù Côn Đảo - Ảnh: Trương Hiện
Không chỉ làm báo, những người tù cộng sản đã biết đến ích lợi, vai trò, sức mạnh của báo chí công luận để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng của chính mình. Như những năm 1972-1973, cũng nhờ báo chí, khi nắm được tình hình chiến sự bên ngoài đã có lợi cho ta và cách mạng đang trên đà thắng lợi, nhất là sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tù nhân Côn Đảo liên tục nổi dậy yêu cầu nhà cầm quyền Côn Đảo trả tự do theo nội dung hiệp định đã được ký kết. Nếu chưa trao trả tự do được thì phải thực hiện nghiêm, bảo đảm quyền sống, quyền tự do sinh hoạt tối thiểu... Đó cũng là nhờ có thông tin từ bên ngoài qua radio, báo chí nên anh em tù nhân Côn Đảo đã thực hiện các cuộc đấu tranh có hiệu quả, từng bước đòi các quyền cơ bản, tối thiểu của con người.

Các cựu tù Võ Văn Giáo và Nguyễn Thị Hiền ở TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong buổi chia sẻ với phóng viên về việc làm báo ở nhà tù Côn Đảo - Ảnh: Trương Hiện
Trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, các cựu tù cho biết, qua báo chí, radio và thông tin truyền miệng, nhiều tù nhân biết và rất chú ý đến Chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng huyện Lộc Ninh ngày 7-4-1972. Bởi Lộc Ninh là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, gây nỗi kinh hoàng lớn trong quân ngụy quyền Sài Gòn, từng bước phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Rồi sự kiện trao trả tù binh ở sân bay Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1973 cũng được thông tin đến các tù nhân, tạo nền tảng vững chắc để đấu tranh có hiệu quả hơn.
Từ thông tin báo chí ở nhà tù Côn Đảo được tuồn ra ngoài, báo chí quốc tế khi thông tin về các Chuồng Cọp ở Côn Đảo từ lời tố cáo của 2 dân biểu Mỹ những năm 70 của thế kỷ XX đã làm thức tỉnh lương tri nhân dân Mỹ và dư luận tiến bộ, làm giảm đi sự khắc nghiệt của nhà lao Côn Đảo. Nhờ đó, người dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, yêu cầu chính quyền chấm dứt chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam...

Nhà báo Minh Nhâm, Minh Luận tìm hiểu nội dung các bài viết trong tờ “Xây dựng” của Trại 6B, nhà tù Côn Đảo, đang được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo - Ảnh: Nguyễn Ngân
Tìm hiểu về báo chí ở nhà tù Côn Đảo, nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam rất thấm thía vì sao báo chí ở Côn Đảo lại quý hơn vàng vì những tôn chỉ, mục đích hết sức cao cả. Ông chia sẻ: “Trong điều kiện lao tù vô cùng hà khắc, làm báo để có vũ khí chiến đấu, vừa để thể hiện khát khao sáng tạo của người làm báo. Đó chính là cốt lõi của báo chí Côn Đảo, là bài học, niềm tự hào cho thế hệ những người làm báo chúng ta. Trong điều kiện làm báo hiện nay, đòi hỏi phải nhân lên khát khao sáng tạo để cống hiến cho Tổ quốc đang vươn mình. Lao động sáng tạo, vượt mọi gian nan, ý chí kiên cường, bút văn sắc sảo là những điều tôi tâm đắc trong báo chí ở nhà tù Côn Đảo”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172426/lam-bao-o-mot-noi-dac-biet