Làm cho được đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong nhiệm kỳ sau

Bí thư các tỉnh, TP vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đều cho rằng cần thiết có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam ngay trong nhiệm kỳ sau.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hay chí ít là đường sắt tốc độ cao kết nối từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là kiến nghị, mong mỏi thiết tha của các Bí thư tỉnh, TP vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung diễn ra sáng 1-8 tại Đà Nẵng.

 Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TẤN VIỆT

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TẤN VIỆT

Đường bay khó khăn thì nhờ đường sắt

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị nhiệm kỳ sắp tới nước ta vẫn tiếp tục thực hiện các khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vẫn là một trong những yếu tố then chốt.

Theo ông Lưu, năm năm qua, cả nước tập trung làm cao tốc Bắc – Nam. Sắp tới phải tập trung làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Phải nói cho rõ, đưa vào nghị quyết phát triển năm năm tiếp theo phải đạt được cái gì, đó là đường sắt tốc độ cao.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng, Đảng ta xác định các khâu đột phá rồi thì cần xác định thêm “đột phá của đột phá” là gì. Như trong hạ tầng là giao thông, trong đó dứt khoát hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Bên cạnh đó, đường cao tốc phải đồng bộ trên cả nước, không thể chỗ 4 làn, chỗ 6 làn, không đồng nhất.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, phải xác định được nguồn lực để tập trung cho một số công trình, dự án có tính chất liên kết, lan tỏa vùng, từ đó lan tỏa ra cả nước.

“Phải thẳng thắn đề xuất trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần cho chủ trương để phát triển đoạn đường sắt tốc độ cao liên kết các địa phương trong vùng. Nhìn lại sự kéo dài về mặt địa lý của cả vùng từ Thanh Hóa – Bình Thuận, các địa phương đi đến với nhau rất khó khăn vì hạn chế kết nối đường bay”, ông Quảng nói.

 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TẤN VIỆT

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông Quảng, trên trục chiều dài đất nước như vậy, để kết nối với nhau nhanh hơn nữa phải có đường sắt tốc độ cao. Thời gian qua khi hàng không gặp khó, du lịch các địa phương vẫn phát triển nhờ đường sắt. Như việc mở đường sắt du lịch giữa Đà Nẵng - Huế. Đây là dự án trọng điểm cần phát triển.

Bảo vệ và phát triển thị trường nội địa

Theo lãnh đạo các địa phương, việc nước ta cởi mở nền kinh tế cũng có hai mặt của sự tác động. Nếu không đủ sức để tự chủ thì tác động ngược cực kỳ nguy hiểm. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nước ta phát huy thị trường nội địa thế nào với 100 triệu dân làm bệ đỡ rồi mới vươn ra thị trường quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho hay, nhiệm kỳ tới cần đẩy mạnh đổi mới thể chế, cần thiết tháo gỡ sớm các vướng mắc hiện nay để khơi thông nguồn lực, tăng cường cơ chế thí điểm để phát huy lợi thế của vùng.

“Nhà nước cần tập trung hỗ trợ bằng hình thức phù hợp để cả doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân có sản phẩm đủ sức trở thành nắm đấm mạnh vươn tầm ra thế giới”, ông Hoài Anh kiến nghị.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận. Ảnh: TẤN VIỆT

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với việc phải hình thành và bảo vệ cho được thị trường nội địa. Dẫn ví dụ Trung Quốc lớn mạnh được là nhờ có thị trường tỉ dân, Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp trong nước mất “sân nhà” rất nhiều.

Bởi vậy, trong tư duy của Nghị quyết Đại hội XIV phải đặt ra vấn đề này, có thể là phòng vệ thương mại bởi có những thứ doanh nghiệp thua trên sân nhà.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, cái gì ở nhiệm kỳ sắp tới khác với nhiệm kỳ này. Đó phải là khoa học công nghệ, huy động nhân lực chất lượng cao, tìm ra nhân tài đưa vào bộ máy nhà nước, tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngày xưa người giỏi vào nhà nước, giờ đi ra các tập đoàn nước ngoài. Phải có chính sách giữ, thu hút người tài và làm sao để người tài không muốn, không dám, không thể làm méo mó cơ chế chính sách”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý việc phát triển đô thị thích nghi với biến đổi khí hậu. Làm sao giải quyết được bài toán càng phát triển càng tắc đường, càng ngập lụt. Kiên quyết, kiên trì thay đổi tư duy phát triển, nhất là tư duy làm đường đến đâu nhà bám theo đến đó.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đà Nẵng xây dựng bộ mặt đô thị rất tốt, nhưng đi cả nước thấy đâu cũng giống nhau, nhà nào cũng sát mặt đường. Đề nghị đưa vào một nhóm gọi là giải quyết những thứ không thể chấp nhận được”.

Tháo gỡ vướng mắc đất đai, dự án

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, Bộ Chính trị rất quan tâm đến sự phát triển của các địa phương, đã đưa ra các nghị quyết đặc thù phát huy tiềm năng, lợi thế cho các địa phương.

Bộ Chính trị cũng đã cho chủ trương tháo gỡ vướng mắc đất đai, dự án cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Khánh Hòa, khơi thông nguồn lực phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vướng mắc đất đai đang chôn tiền, chôn đất vào lãng phí. Đà Nẵng được chọn làm đầu tiên về việc tháo gỡ các vướng mắc này, từ đó áp dụng cho các địa phương khác.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-cho-duoc-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-trong-nhiem-ky-sau-post803185.html