Làm để dân tinThắp sáng niềm tin với Đảng'Lo trước cái lo thiên hạ''Việc khó có chỉ huy'

Xã Kim Bình (Chiêm Hóa) - nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng nay thực sự “thay da đổi thịt”. Kim Bình đã đạt chuẩn nông thôn mới cách đây vài năm nhưng vẫn không ngừng nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Cán bộ, đảng viên đã trở thành những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận làm giàu, mang cái ấm no đến với mảnh đất này.

Từ một mảnh đất từng đi đầu trong trồng cây chuối tây với diện tích hàng nghìn ha nhưng do thị trường rớt giá, cấp ủy, chính quyền xã đưa ra chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thời thế. Nhiều cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn đã đi học tập mô hình trồng chanh tứ mùa, nuôi ốc nhồi để về áp dụng đầu tiên. Sau khi có hiệu quả kinh tế, họ đã vận động nhân dân nhân rộng ra. Mô hình trồng chanh tứ mùa, nuôi ốc nhồi được áp dụng từ nhà của bí thư đảng ủy xã Ma Quang Bắc, bí thư Đoàn xã Đặng Văn Thịnh cho tới các đồng chí bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn…

Trưởng thôn Hoàng Văn Sình, thôn Đèo Lang, xã Kim Bình (Chiêm Hóa)chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ nuôi ốc nhồi.

Đến nay, Kim Bình có khoảng gần 10 ha chuối tây được chuyển sang trồng chanh tứ mùa và trên 20 hộ có mô hình nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Hoàng Văn Sình, trưởng thôn, bí thư chi đoàn thôn Đèo Lang là người đầu tiên chuyển đổi diện tích trồng chuối tây sang trồng 200 gốc chanh tứ mùa và chuyển đổi 500 mét vuông đất lúa sang nuôi ốc nhồi. Anh Sình còn vận động 6 hộ trong thôn nuôi ốc nhồi và trồng chanh tứ mùa. Anh Sình bảo: “Trung bình mỗi năm, từ nuôi ốc nhồi mình thu lãi gần 50 triệu đồng và trên 60 triệu đồng từ bán chanh tứ mùa. Thu nhập khá như thế nên mình cũng muốn bà con cùng làm để có cuộc sống khá hơn”. Từ tinh thần tiên phong của những cán bộ, đảng viên nơi đây đã dấy lên phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi trong nhân dân.

Tinh thần “Nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên chính là sự cổ vũ lớn lao gấp nhiều lần những lời nói hay để quần chúng nhân dân tin và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng. Người dân ở thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình) khi nói về những tuyến đường, nhà văn hóa mới không quên những đóng góp của Bí thư chi bộ Đặng Văn The.

Ông Đặng Văn The, Bí thư chi bộ thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình)
tiên phong hiến đất để làm đường liên thôn.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông The giọng khẳng khái: “Đảng viên không làm gương trước thì nói ai nghe”. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông The luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Gia đình ông đã tiên phong hiến 100m2 đất hoa màu để làm đường, ủng hộ 1 triệu đồng mua nội thất nhà văn hóa.

Bên cạnh đó, ông đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân ủng hộ 60 triệu đồng để mua nội thất, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn; tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động với tổng trị giá 100 triệu đồng để làm 500m đường bê tông. Đặc biệt, để xây dựng sân vận động của thôn với tổng diện tích trên 3.000m2 và mở mới 2 tuyến đường nội đồng với chiều dài trên 1km, ông đến từng hộ gia đình để làm dân vận, trực tiếp giải đáp những khó khăn vướng mắc và vận động nhân dân đóng góp trên 70 triệu đồng, hiến trên 4.000 m2 đất, ủng hộ trên 100 ngày công lao động đào, đắp, để xây dựng sân vận động và làm đường.

Người cán bộ, đảng viên không những “nêu gương” phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng mà còn là những người đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa. Ngay từ khi còn nhỏ, Chu Tuần Ngân đã là “của hiếm” của Bản Pình, xã Trung Minh (Yên Sơn). Ông là người đầu tiên của bản biết chữ, đảng viên đầu tiên đảm nhận nhiều chức vụ từ cán bộ đoàn, xã đội trưởng đến Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã… Nay đã về hưu, bước qua tuổi 70 ông vẫn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Dù ở cương vị nào ông vẫn hết lòng vì việc làng, việc bản.

Từ 5 năm qua, ông Chu Tuần Ngân đứng ra dạy chữ Dao. “Chà phìn” là chữ đầu tiên thầy giáo Chu Tuần Ngân dạy các học trò. Tiếng Dao “chà phìn” có nghĩa là tổ tiên, gốc gác. Ông giải thích, người Dao phải nhớ đến “chà phìn” cũng như con chim rừng kiếm ăn không quên về tổ, lá cây rừng bao năm vẫn rụng về cội.

Ông Chu Tuần Ngân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trung Minh (Yên Sơn)giữ gìn tiếng nói, chữ viết người Dao.

Sách học được thầy giáo Ngân dịch ra từ những cuốn sách cổ. Ông giải thích học chữ Nôm Dao không chỉ để mọi người hiểu về ngôn ngữ, chữ viết mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác.

Lớp học thu hút nhiều người. Người Dao Chiêm Hóa, Hàm Yên, Bắc Kạn… cũng “gõ cửa” xin nhập học. Anh Bàn Văn Nhiên 40 tuổi nhưng vẫn lặn lội từ Bản Nà Rìa, Chợ Đồn (Bắc Kạn) sang tìm ông để học chữ Dao. Nhờ ham học hỏi, giờ đây anh đã trở thành thầy Tạo của bản Dao Nà Rìa. Anh bảo: “Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết chữ Dao, được theo học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Đây là kho tàng kiến thức để sau này còn truyền dạy cho con cháu”.

Để giữ gìn bản sắc văn hóa Dao, cách đây 4 năm ông viết đơn lên xã cho thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc thôn Bản Pình và Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Vàng Ngược. Mỗi câu lạc bộ có 40 thành viên, ông chịu trách nhiệm cố vấn, tức là giúp cho mỗi thành viên tập luyện thành thục các điệu múa, lời ca của dân tộc.

Vừa qua, ông vinh dự được dự Chủ tịch nước Phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đối với ông, đó là niềm vui cũng là trách nhiệm để sức sống văn hóa dân tộc như mạch nguồn chảy mãi.

Lam Sơn - Thủy Châu - Hoàng Niềm

Bài 2: “Việc khó có chỉ huy”

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/megastory/lam-de-dan-tin-123569.html