Lâm Đồng có số ca mắc sởi và nghi sởi tăng rất cao so với cùng kỳ
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, tính đến ngày 13/7, toàn tỉnh đã ghi nhận 3.831 ca sởi và nghi sởi, tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho học sinh tại trường học trên địa bàn Đà Lạt
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 3.831 ca sởi và nghi sởi. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số ca bệnh sởi phân bố tại khu vực các xã của Đắk Nông (cũ) 622 ca, Bình Thuận (cũ) 1.682 ca, Lâm Đồng (cũ) 1.527 ca.
Bệnh sởi tăng cao ở 2 khu vực tại các xã thuộc Bình Thuận (cũ) tăng 1.665 ca so với cùng kỳ năm 2024 (17 ca); Lâm Đồng (cũ) tăng 1.524 ca mắc so với cùng kỳ năm 2024 (3 ca).
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.
Tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2022 - 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em.
Nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, Sở Y tế Lâm Đồng đã đề nghị các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trực thuộc thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh sởi trên cả nước và các vùng lân cận; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc sởi tại cộng đồng và cơ sở khám, chữa bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Tăng cường các hoạt động truyền thông cho người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các khuyến cáo phòng bệnh; khuyến khích, vận động các gia đình, phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn. phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị đánh giá nguy cơ, giám sát xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các giải pháp ưu tiên phòng, chống dịch, không để bùng phát dịch sởi trên địa bàn.