Lâm Đồng nhận diện 4 khâu đột phá, 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng
Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, định hướng tới năm 2050 sẽ đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống. Qua đó khẳng định vị thế và vai trò đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1727/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch tỉnh). Dự kiến trong tháng 5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư.
Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.
Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, Lâm Đồng định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Đồng thời chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Ở lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Lâm Đồng xác định ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản...
Trên cơ sở những mục tiêu ngắn hạn tới năm 2030, tỉnh Lâm Đồng định hướng tầm nhìn tới năm 2050 sẽ đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Dự kiến tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Chính phủ sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng. Phía UBND tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, với tổng số tiền dự kiến đầu tư hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Những "điểm nghẽn", vấn đề trọng tâm cần giải quyết
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã phân tích đánh giá các tiềm năng, lợi thế, nhận diện các điểm nghẽn của tỉnh Lâm Đồng trong phát triển kinh tế - xã hội; từ đó xác định các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng; Sắp xếp, tái cấu trúc không gian của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Thứ hai, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ ba, phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực. Theo đó, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số.
Thứ tư, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý và bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả quỹ đất. Cùng với đó là xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa.
Đặc biệt, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã vạch ra phương hướng phát triển 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển.
Đối với ngành nông, lâm, thủy sản, tập trung phát triển nông nghiệp Lâm Đồng toàn diện và hiện đại, trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á; Hình thành nhiều chuỗi giá trị nông sản gắn với sàn giao dịch điện tử thương mại quốc gia, quốc tế.
Đối với Ngành dịch vụ, phát triển thương mại trên cơ sở tăng cường liên kết kinh tế chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng kinh tế trọng điểm. Là “xương sống” của ngành dịch vụ, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Đối với Ngành công nghiệp - xây dựng, Lâm Đồng lấy chế biến, chế tạo làm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ; Ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có vốn đầu tư lớn, nguồn thu nội địa cao, bảo đảm tiết kiệm nguồn lực trong phát triển công nghiệp; Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm); Thúc đẩy phát triển các sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm (rau, quả, chè, cà phê, đồ uống,…) gắn với vùng nguyên liệu, phù hợp với tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
5 hành lang “trợ lực” cho Lâm Đồng phát triển
Theo quy hoạch, xung quanh Lâm Đồng sẽ có 5 hành lang kinh tế, đây là những “cung đường” kết nối để địa phương này bứt phá bao gồm: Hành lang kinh tế Đông - Tây (Cao tốc Nha Trang - Liên Khương), Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Quốc lộ 20 - Quốc lộ 27C, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Lâm Đồng- Khánh Hòa; Hành lang kinh tế Đông - Tây (ĐT.725); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 28, kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận); Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 27, kết nối Đắk Lắk - Lâm Đồng - Ninh Thuận và Quốc lộ 28B kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận) và Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Quốc lộ 55, kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng) - Bình Thuận và Quốc lộ 55B, Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận).