Lâm Đồng trình Thủ tướng phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 17.000 tỷ theo phương thức PPP
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, qua hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng, với quy mô 4 làn xe được đầu tư theo phương thức PPP trị giá 17.200 tỷ đồng...
Đây là một đoạn thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối TP.HCM - Đồng Nai - Đà Lạt.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc do nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện liên danh nhà đầu tư).
Tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài khoảng 66 km được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP. Giai đoạn phân kỳ, chiều rộng nền đường rộng 17m với 4 làn xe ô tô. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 66 km, trong đó trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).
Điểm đầu dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Điểm cuối dự án tại Km126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h.
Trong giai đoạn phân kỳ, bố trí chiều rộng nền đường rộng 17m với 4 làn xe ô tô.
Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Các đoạn dừng xe khẩn cấp được bố trí không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí.
Giai đoạn phân kỳ sẽ tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 – 2026; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.
Tiếp đó, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện với quy mô theo quy hoạch trên cơ sở công trình đã đầu tư trong giai đoạn phân kỳ; với việc hoàn thiện bề rộng nền đường rộng 22m, bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục.
Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thực hiện đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông dự kiến sau năm 2035.
Trong điều kiện cho phép về thu xếp vốn, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng dịch vụ cho tuyến cao tốc.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455 ha (tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha).
Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha, trong đó: tỉnh Lâm Đồng là 144,78 ha; tỉnh Đồng Nai là 41,43 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỷ đồng, gồm phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng.
Phần vốn nhà nước chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khoảng 6.500 tỷ đồng. Phương thức quản lý và sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ công trình tạm và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: tách thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án để thực hiện theo quy định tại Điều 70 và Điều 72 Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Còn lại là phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; vốn huy động khác là 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động hợp pháp.