Lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt - coi chừng rước họa!

Là nhân viên văn phòng, phải ngồi nhiều và ít vận động nên chị L.T.P (ở Hà Nội) thường xuyên bị đau vai gáy. Một buổi sáng thức dậy, thấy cứng cổ và không thể quay đầu, chị P. đã tìm đến một spa. Tại đây, chị được nhân viên spa xoa bóp, bấm huyệt và giác hơi để giúp giảm đau nhức ở vùng cổ.

Tuy nhiên, một ngày sau khi được trị liệu, tình trạng của chị nghiêm trọng hơn. Không những cổ bị cứng không thể quay đầu, chị còn cảm thấy đau nhức, tê bì vai phải. Lúc này, chị mới tìm đến bác sĩ. Sau khoảng 30 phút được bấm huyệt, xoa bóp trị liệu đúng cách, bệnh nhân dần ổn định và có thể vận động vùng cổ vai gần như bình thường.

Từ trường hợp trên, Thầy thuốc nhân dân - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, xoa bóp, bấm huyệt là kỹ thuật trị liệu bằng tay phổ biến trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, có những người sau khi xoa bóp, xông hơi chẳng những không khỏe ra mà còn bầm tím người, ê ẩm hơn, có khi sai khớp, gãy xương, thậm chí tử vong. Nguyên nhân thường do nhân viên thiếu chuyên môn, xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng người bệnh.

“Có những vị trí khi tác động lực vào chúng sẽ giúp cơ thể đào thải độc tố, tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, lại có những huyệt đạo chí mạng không được tác động lực vào dù là nhỏ nhất. Nếu chọn phải những cơ sở spa, vật lý trị liệu không uy tín, nhân viên không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chuyên môn sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe. Do đó, những người làm việc liên quan đến lĩnh vực này cần phải đào tạo bài bản và nắm rõ các chỉ định cũng như chống chỉ định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh lưu ý.

Lâu nay, nhiều người vẫn có thói quen cứ đau mỏi người là đi xông hơi, massage, bấm huyệt. Thậm chí, người đau xương khớp cũng tìm đến các spa, cơ sở massage để bấm huyệt chữa bệnh. Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia y học cổ truyền, phương pháp xoa bóp, bấm huyệt có thể phù hợp với người này, bệnh này nhưng với người khác, bệnh khác lại không. Do đó, đầu tiên là phải xác định được nguyên nhân gây đau mỏi, sau đó, thầy thuốc mới hướng dẫn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu có nhu cầu xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, nên tìm đến những trung tâm uy tín.

Không nên đi xoa bóp, bấm huyệt sau khi đã uống rượu, bia hoặc đang bị sốt, viêm nhiễm. Bởi vì, khi say rượu hay sốt quá cao đều có thể bị ngất xỉu trong phòng xông hơi hoặc gặp nhiều tai biến khác. Mặt khác, không nên thực hiện những động tác như di cột sống lưng, hoặc để nhân viên cơ sở spa, massage giậm cả chân trên lưng. Những động tác “thô bạo” này dễ gây tai biến, thậm chí gãy xương sườn, chấn thương cột sống... nhất là đối với những bệnh nhân bị loãng xương.

Riêng đối với nhân viên văn phòng, bác sĩ Phạm Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Hữu Nghị) khuyến cáo, do tính chất công việc, càng ngồi lâu, ít vận động, sai tư thế càng gây co rút cơ, đau mỏi, bất lợi cho cột sống. Vì vậy, người bệnh nên điều chỉnh tư thế, giữ thẳng cột sống. Ngồi vừa vặn vào ghế, 2 tay tựa vào thành ghế, chân thẳng, lưng thoải mái. Khi làm việc, đặt tay lên bàn, gập góc khuỷu tay khoảng 90 đến 120 độ, giữ bàn tay thẳng trục cẳng tay. Làm việc từ 45 phút đến 1 giờ nên đứng dậy, vận động khoảng 5-10 phút để thư giãn các cơ, xương, khớp vùng cột sống...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-dung-xoa-bop-bam-huyet-coi-chung-ruoc-hoa-639527.html