Làm gì để bảo tồn những nếp nhà truyền thống tại Hà Giang?
Vài năm trở lại đây trên cao nguyên đá đã xuất hiện những ngôi nhà xây theo phong cách hiện đại, sao chép theo nguyên mẫu ngoại lai đang dần phá vỡ vẻ đẹp nguyên sơ, bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.
Đến với Hà Giang, du khách bốn phương mong muốn được chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn với những nếp nhà trình tường truyền thống của đồng bào Mông, ngắm những cây đào đỏ thắm, rực rỡ nép mình bên tường rào xếp bằng đá... Thế nhưng, vài năm trở lại đây trên cao nguyên đá đã xuất hiện những ngôi nhà xây theo phong cách hiện đại, sao chép theo nguyên mẫu ngoại lai đang dần phá vỡ vẻ đẹp nguyên sơ, bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang.
Những ngày này lượng khách du lịch đến Hà Giang tăng cao, nhất là vào dịp cuối tuần. Du lịch vãn cảnh xuân, ngắm hoa đào nở, cảm nhận cái rét cắt da, cắt thịt trên cao nguyên đá Đồng Văn cũng là một trải nghiệm thú vị. Ông Đinh Trọng Thủy, một du khách ở Hà Nội, cho hay: "Tôi lên đây rất nhiều lần, mỗi lần lên đều cảm nhận những vẻ riêng đặc sắc. Lần này lên đây cũng vắng vẻ hơn nhưng cảm giác cũng rất riêng. Mọi người ở đây thực hiện rất tốt quy định 5K".
Tuy nhiên, đến Hà Giang những ngày này nhiều du khách cùng có chung một cảm nhận buồn, đó là khá nhiều ngôi nhà xây mới sao chép theo mẫu ngoại lai, đang làm xấu đi vẻ đẹp của thôn bản truyền thống.
Thôn Lao Xa có nghề đúc bạc truyền thống ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Chính quyền địa phương đang quyết tâm xây dựng thôn Lao Xa đạt chuẩn nông thôn mới, qua đó phát triển làng nghề đúc bạc trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở cao nguyên đá Đồng Văn. Hiện nay tại thôn Lao Xa, những nếp nhà truyền thống đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà xây diêm dúa, cóp nhặt.
Ông Mùa Siệu Thính, là nghệ nhân đúc bạc ở thôn Lao Xa, cho biết: "Thanh niên đi làm ăn bên kia biên giới thấy vật liệu rẻ, nên mua về xây nhà theo mẫu của họ. Nhà truyền thống làm thì không khó, nhưng đắt. Xây nhà như này rẻ hơn, vật liệu mua từ Trung Quốc".
Hiện nay, ở xã Sủng Là có 10 thôn bản thì duy nhất thôn Lũng Cẩm Trên là còn gìn giữ được những nếp nhà truyền thống và được công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng, đạt tiêu chuẩn OCOP về du lịch. Ông Là Mí Kha, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, cho biết do ngói truyền thống không còn được sản xuất, làm thủ công thì rất đắt, nên bà con qua biên giới mua về lợp mái.
"Đối với việc giữ gìn bản sắc dân tộc, một số người dân muốn xây nhà bền vững đã xây theo mô hình nước bạn. Xã cũng đã vào cuộc tuyên truyền để giữ gìn bản sắc dân tộc, cũng không xử lý được. Trước mắt chỉ tuyên truyền giữ gìn bản sắc không xây theo mô hình mới vì du khách vẫn thích những ngôi nhà cổ" - ông Là Mí Kha nói.
Để giữ gìn bản sắc dân tộc, tỉnh Hà Giang đã có Chương trình 1953 nhằm hỗ trợ người dân bảo tồn, cải tạo, giữ gìn những ngôi nhà truyền thống, trung bình mỗi hộ dân được hỗ trợ 60 triệu đồng. Một số thôn bản đã triển khai thực hiện khá hiệu quả, trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách như thôn Lũng Cẩm Trên ở xã Sủng Là. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng như huyện Đồng Văn vẫn rất trăn trở về vấn đề bảo tồn nếp nhà truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Chinh nói: "Nếu như có một chính sách hỗ trợ cho đồng bào ở cao nguyên đá, trước tiên là ngói địa phương, cũng như dui mè bằng gỗ vì làm cũng khá tốn, cũng cần thêm tiền. Trước kia đoàn chính sách Trung ương lên, chúng tôi cũng kiến nghị cho 4 huyện vùng cao có chính sách hỗ trợ để bảo tồn để giữ gìn nếp nhà truyền thống để du khách có thể trải nghiệm khi đi du lịch".
Năm qua, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng vẫn có trên 900 nghìn lượt du khách đến với Hà Giang, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.600 tỷ đồng. Những con số này càng khẳng định được vai trò của du lịch ở tỉnh Hà Giang. Vì vậy, việc gìn giữ những nếp nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc ở tình Hà Giang cần sớm được thực hiện một cách bài bản, quyết liệt./.