Làm gì để doanh nghiệp Việt vừa phát triển nhanh và vừa bền vững?

Nhìn vào tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hạn chế năng lực cạnh tranh, rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp (DN) ở 'đầu tàu' kinh tế như Tp.HCM để thấy, đó còn là vấn đề chung của cả nước hiện nay. Đây là một thách thức lớn cho các DN nội địa trước yêu cầu mới trong thời gian tới là làm sao để có thể phát triển nhanh và bền vững.

Số liệu thống kê gần đây ở “đầu tàu” kinh tế của cả nước là Tp.HCM cho thấy, trong 10 tháng 2023 đã có có 25.086 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước. Con số nêu trên cho thấy tình hình khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ở thành phố này như thế nào.

Nhiều DN gặp khó, rời bỏ thị trường

Theo dự kiến vào giữa tháng 12/2023, chính quyền Tp.HCM sẽ có một hội nghị đối thoại với hơn 150 DN, nhằm tạo cơ hội cho DN phản ảnh về những khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam đang đứng trước yêu cầu mới trong thời gian tới là làm sao để vừa có thể phát triển nhanh và vừa bền vững.

Các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam đang đứng trước yêu cầu mới trong thời gian tới là làm sao để vừa có thể phát triển nhanh và vừa bền vững.

Cụ thể, hội nghị này sẽ lấy ý kiến DN phản ánh những khó khăn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế, phí; vay vốn ngân hàng; thủ tục hành chính; lĩnh vực đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; những khó khăn liên quan đến lĩnh vực kích cầu, công nghiệp trọng yếu, sản phẩm chủ lực, bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại…

Ngoài sự kiện sắp tới, chia sẻ tại hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững” tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 9/11, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, nhận định Tp.HCM tuy có số lượng DN đông nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa.

Theo ông An, trong quá trình triển khai truyền thông về hội nhập quốc tế, Thành phố phát hiện một số hạn chế về năng lực cạnh tranh của các DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa.

Chưa kể, như lưu ý của vị Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM, mặc dù chúng ta mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với kỳ vọng kết nối DN nhỏ và vừa trong nước, thế nhưng do các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau dẫn đến sự kết nối giữa các DN FDI và DN nội địa chưa đạt kỳ vọng.

Có thấy tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hạn chế năng lực cạnh tranh, rời bỏ thị trường không chỉ là vấn đề riêng của một “đầu tàu” như Tp.HCM mà là vấn đề chung của các DN vừa và nhỏ trên cả nước hiện nay.

Như đánh giá mới đây của Tổng cục Thống kê, cứ bình quân một tháng có 14,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Nếu tính chung trong 10 tháng 2023, số DN rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn DN, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những con số “biết nói” như vậy sẽ thấy, đó là một thách thức lớn cho các DN Việt trước yêu cầu mới trong thời gian tới là làm sao để vừa có thể phát triển nhanh và vừa bền vững.

Cần “chắp cánh” cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chính vì vậy, trong báo cáo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Tp.HCM về các xu hướng phát triển mới và dự báo tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới, có đưa ra khuyến nghị về mặt chính sách cho Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất là tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Thứ hai là đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Thứ ba là tận dụng tối đa những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cho tăng trưởng kinh tế. Thứ tư là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm. Thứ năm là chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, qua trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh để các DN nội địa (mà đa phần là DN vừa và nhỏ) phát triển vừa nhanh và vừa bền vững đang cần chúng ta phải “chắp cánh” cho họ. Chẳng hạn như về thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường lớn nhất, đầu tiên phải là thị trường nội địa với sức mua của 100 triệu dân. Những sản phẩm mà các DN làm ra đúng với nhu cầu thiết yếu rất cần được khuyến khích, quảng bá rộng rãi và có giá cả, chất lượng, tính năng phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Còn với hoạt động xuất khẩu, theo ông Dũng, với những thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì Nhà nước cần đứng ra làm “trọng tài” chứ không thể để cho các DN “tự bơi”. Theo đó, DN và các thương vụ, Tham tán Thương mại của Việt Nam ở nước ngoài phải kết nối một cách chặt chẽ hơn nhằm rút ngắn việc tìm kiếm thị trường của những DN này.

“Chỉ có con đường rút ngắn thì mới nhanh và có niềm tin cho DN. Còn nếu như các DN cứ tự đi tìm hiểu thị trường nước ngoài mà không có được sự hỗ trợ cần thiết thì họ sẽ dễ chán nản, quay về và lãng phí, coi như bỏ cuộc. Trong khi điều này lại nằm trong tầm tay mà Nhà nước có thể hỗ trợ cho DN”, ông Dũng lưu ý.

Riêng về vấn đề phát triển bền vững cho các DN Việt, Ts. Buertey (Đại học RMIT) chỉ rõ đây là lúc mà các DN nội địa được kỳ vọng cam kết kinh doanh bền vững nhiều hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi Việt Nam đang dần định vị mình là địa điểm ủy thác sản xuất và kinh doanh (BPO) cho nhiều thương hiệu toàn cầu.

Theo ông Buertey, các bên liên quan quan tâm đến tác động của DN đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội. Trước đây, những kỳ vọng xã hội như vậy thường chỉ có thể thấy ở các nước tiên tiến, song thời thế đã thay đổi và các DN ở Việt Nam cần phải thích ứng với điều này.

“Các yếu tố bên ngoài cũng thúc đẩy DN địa phương hướng tới hoạt động kinh doanh bền vững, đặc biệt ở các quốc gia nơi DN dễ tiếp xúc với thị trường quốc tế. Đây là nơi mà nhiều nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Việt Nam, tìm thấy cơ hội cho chính mình”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-doanh-nghiep-viet-vua-phat-trien-nhanh-va-vua-ben-vung-1096525.html