Làm gì để hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT - Kỳ 4: Khắc phục bất cập, đồng bộ các giải pháp

Kết quả vận hành thu được từ hai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Hà Nội chỉ ra cần có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân dễ dàng tiếp cận và khích lệ hành khách hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT.

Cần áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, nhiều loại thẻ và ưu đãi để người dân đến với ĐSĐT nhiều hơn nữa

Cần áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, nhiều loại thẻ và ưu đãi để người dân đến với ĐSĐT nhiều hơn nữa

Khắc phục bất cập về vé

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng ĐSĐT là dịch vụ công ích. Do đó, giá vé cho hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội được Nhà nước trợ giá với mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, ĐSĐT nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc và TNGT.

Hiện cả hai tuyến đều có 3 loại vé là vé lượt, vé ngày và vé tháng. Các đối tượng được miễn tiền vé là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Các đối tượng được ưu tiên gồm học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp và nhóm hành khách mua theo hình thức tập thể dành cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Theo ghi nhận và phản ánh của nhiều hành khách sử dụng ĐSĐT, việc tổ chức bán vé cho các nhóm đối tượng đều diễn ra thuận lợi, quy trình hợp lý, không gây phiền hà cho người dân. So với các loại hình phương tiện công cộng khác thì giá vé hiện tại của ĐSĐT Hà Nội là hợp lý, nằm trong năng lực chi trả của người dân, còn so với phương tiện cá nhân thì rõ ràng đi tàu điện tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Hệ thống bán vé tự động thể hiện sự đổi mới về công nghệ, phát huy tính ưu việt của vận tải hành khách công cộng, thay thế cho kiểu bán vé truyền thống chưa thuận tiện, tốn thêm thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, thời gian qua, dù mới đi vào vận hành nhưng một số máy bán vé tự động của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội bị lỗi, không hoạt động. Tình trạng này cũng xảy ra trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, không ít lần máy bán vé tự động không nhận tiền, phải thao tác vài lần mới thành công.

Hiện nay, cả tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy (thuộc tuyến Nhổn - Ga Hà Nội) đều có 3 loại vé là vé lượt, vé ngày và vé tháng. Tuy nhiên, chỉ tuyến Nhổn - Cầu Giấy thanh toán bằng cả tiền mặt và thẻ ATM, thẻ ghi nợ quốc tế nhưng chỉ ở máy bán vé tự động, còn trong quầy vẫn phải thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông thẻ vé vẫn không phân biệt được đối tượng người già, học sinh, sinh viên.

Tìm hiểu thực tế, PV Tạp chí GTVT ghi nhận đa số hành khách kiến nghị cần áp dụng chính sách giá vé linh hoạt với nhiều loại thẻ và ưu đãi cho các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người có thu nhập thấp. Đặc biệt, các thẻ định kỳ và thẻ liên kết có thể giúp người dùng tiết kiệm chi phí và khuyến khích sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức thanh toán vé như thanh toán trực tuyến online, quét mã QR bằng điện thoại thông minh... để tạo thuận lợi cho hành khách.

Các bãi đỗ xe cần được quy hoạch hợp lý (cạnh hoặc gần ga...) và tích hợp với các trung tâm giao thông công cộng khác; cung cấp dịch vụ gửi xe an toàn và tiện lợi tại các ga để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. (Trong ảnh: Một điểm trông giữ xe tại ga Cát Linh)

Các bãi đỗ xe cần được quy hoạch hợp lý (cạnh hoặc gần ga...) và tích hợp với các trung tâm giao thông công cộng khác; cung cấp dịch vụ gửi xe an toàn và tiện lợi tại các ga để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. (Trong ảnh: Một điểm trông giữ xe tại ga Cát Linh)

Huy động mọi nguồn lực, đồng bộ các giải pháp

Để thu hút hành khách hình thành thói quen đi lại bằng ĐSĐT, thực tế khai thác 2 tuyến ĐSĐT ở Hà Nội cho thấy cần huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành hệ thống ĐSĐT, trong đó nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, nguồn ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, quyết định và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá; cần ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển ĐSĐT.

Luật Thủ đô (số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu rõ, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông ĐSĐT hoặc điểm kết nối giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Triển khai thực hiện Luật Thủ đô, Thành phố sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Hà Nội, lấy ý kiến các cấp, ngành, trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, thông qua. Thành phố đang chỉ đạo Ban QLDA ĐSĐT tham mưu đề xuất đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô để tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống ĐSĐT làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT TP. Hà Nội nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030.

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). (Ảnh minh họa)

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). (Ảnh minh họa)

Theo đó, định hướng một số chính sách lớn như sau: Thu phí sử dụng đất trong khu vực TOD để phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, gửi xe; phát triển các dịch vụ tiện ích cho giao thông công cộng, trong đó ĐSĐT đóng vai trò then chốt. Chính sách cho phép Thành phố được điều chỉnh chức năng sử dụng đất, quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng khác; chính sách về bồi thường thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư...

Để nâng cao chất lượng, thu hút hành khách đến với các tuyến ĐSĐT, ngoài những đề xuất trên, các chuyên gia thống nhất cần có các chính sách kịp thời, phù hợp với nhiều đối tượng như: Chính sách hỗ trợ đi lại bằng các phương tiện vận tải công cộng đối với người khuyết tật, người già, người nghèo, chính sách bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh và chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ...

Đặc biệt, để thu hút người dân sử dụng ĐSĐT, Hà Nội nên đồng thời có cơ chế giá vé ưu đãi đối với hành khách sử dụng liên tuyến xe buýt với ĐSĐT giúp người dùng tiết kiệm chi phí và khuyến khích sử dụng thường xuyên. Tiếp đó, cần kết nối với hệ thống xe buýt, thiết lập các điểm trung chuyển hiệu quả giữa ĐSĐT và xe buýt, xây dựng các bến xe buýt liền kề với các nhà ga và đồng bộ hóa thời gian chuyến đi để giảm thời gian chờ đợi và chuyển tiếp.

Đầu tư hạ tầng xây dựng và nâng cấp các bến, bãi đỗ xe liên kết với các tuyến ĐSĐT để tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách. Các bãi đỗ xe cần được quy hoạch hợp lý (cạnh hoặc gần ga...) và tích hợp với các trung tâm giao thông công cộng khác; cung cấp dịch vụ gửi xe an toàn và tiện lợi tại các ga để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Các chính sách cần đảm bảo giá cả hợp lý và dịch vụ bảo vệ an ninh tốt cho phương tiện của hành khách.

Những cơ chế và chính sách này cần được xây dựng trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành và các bên liên quan khác. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp không chỉ giúp phát triển các tuyến ĐSĐT của Hà Nội mà còn góp phần vào việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng và nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị.

Hoàng Ngân

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/lam-gi-de-hinh-thanh-thoi-quen-di-lai-bang-dsdt-ky-4-khac-phuc-bat-cap-dong-bo-cac-giai-phap-183240919151145637.htm