Làm gì để không mất tiền oan trong thanh toán điện tử?

Vài năm trở lại đây, phương thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến trong các giao dịch, đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể gặp rủi ro xảy ra trong quá trình thanh toán, giao dịch chuyển tiền.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện

Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện

“Sập bẫy”

Chị Đ.T.T.T. là chủ một cửa hàng kinh doanh đồ mẹ và bé ở xã Tân Hương (Ninh Giang) nên chị đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng dù vậy chị vẫn không tránh được rủi ro. Chị T. vẫn còn nhớ câu chuyện mất tiền oan trong quá trình giao dịch xảy ra vào cuối năm ngoái. Khi đó, có một thanh niên vào cửa hàng mua 2 hộp sữa cho trẻ nhỏ, tổng đơn hàng trị giá hơn 1 triệu đồng. Sau khi thực hiện một số thao tác, nam thanh niên đã đưa hình ảnh chuyển khoản thành công cho chị T. và lấy lý do có việc phải về gấp nên chị đã đồng ý cho anh ta mang sữa ra khỏi cửa hàng. Sau đó, mãi vẫn chưa nhận được tiền, chị T. đã kiểm tra lại tin nhắn chuyển tiền và phát hiện biên lai mà nam thanh niên này đưa ra và các biên lai khác cùng ngân hàng mà khách từng chuyển tiền mua hàng cho chị có khác biệt. Mã giao dịch trong biên lai của nam thanh niên bao gồm dãy ký tự chứa cả chữ cái và chữ số. Trong khi các mã giao dịch khác của ngân hàng này là dãy ký tự gồm 10 chữ số.

Chị Lê Mai Phương ở TP Hải Dương đã từng bị mất 5 triệu đồng do bị kẻ xấu giả danh là bạn bè vay mượn tiền qua Facebook. Khi đó, do bị đối tượng thúc giục, chị đã chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng mà không xác nhận, kiểm chứng lại thông tin từ phía người bạn. Mới đây, chị Phương đăng bài trên mạng xã hội Facebook để cho thuê quán bán hàng. Sau đó có một tài khoản Facebook tên M.D. đã liên hệ cho chị. Người này nói đang ở Hàn Quốc có nhu cầu về Việt Nam thuê quán và muốn đặt cọc tiền thuê. Sau đó, chị Phương cho số tài khoản ngân hàng, người đàn ông này nói sẽ ra quầy chuyển khoản và hỏi chị đã nhận được chưa. Lúc này, chị Phương vẫn chưa nhận được tiền nên người đàn ông kể trên đã đề nghị chị Phương nói chuyện với nhân viên giao dịch quốc tế. Hai người này đã liên tục hướng dẫn chị ấn vào đường link trong tin nhắn điện thoại mới đổi được tiền đô la Mỹ ra tiền Việt Nam, chị Phương không đồng ý thì họ tiếp tục hướng dẫn xác nhận tiền qua điện thoại. Khi chị Phương nói chỉ cần quan tâm vào việc tiền vào tài khoản, còn không thực hiện bất cứ một thao tác nào, ngay lập tức chị bị những người này buông những lời lẽ xúc phạm và bị chặn Facebook.

Nội dung tin nhắn kèm đường link mà các đối tượng gửi cho chị Phương

Nội dung tin nhắn kèm đường link mà các đối tượng gửi cho chị Phương

Câu chuyện của chị Phương cũng có nội dung tương tự như một số câu chuyện được những người bán hàng chia sẻ trên nhiều hội nhóm, chợ mạng ở Hải Dương. Có thể thấy, không ít trường hợp khi thanh toán không dùng tiền mặt đã bị mất tiền do “sập bẫy” do thủ đoạn của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, nếu như không tỉnh táo rất dễ bị rơi vào bẫy của bọn chúng.

Tiện lợi phải gắn với an toàn

Từ cuối năm 2016, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến hơn. Từ năm 2019, ngày 16/6 được đề xuất là "Ngày không tiền mặt" ở Việt Nam.

Theo thống kê từ báo cáo gần nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, lũy kế từ khi bắt đầu triển khai dịch vụ mobile banking, internet banking đến hết tháng 3/2024, hệ thống ngân hàng toàn tỉnh đã mở gần 8 triệu tài khoản cho khách hàng. Lượng tài khoản này đã thực hiện gần 51 triệu giao dịch, trị giá giao dịch hơn 17.216.799 tỷ đồng. Lượng giao dịch qua các kênh điện tử chiếm 89,5% tổng lượng giao dịch, trong đó thanh toán qua ứng dụng mobile banking chiếm 72%, qua kênh internet banking chiếm 17,5%.

Đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có gần 1.900 máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ), tăng 5 máy so với cuối tháng 4/2024, tăng 59 máy so với đầu năm 2024.

Với mã QR, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử là có thể thanh toán khi mua sắm. Ảnh: Thành Chung

Với mã QR, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử là có thể thanh toán khi mua sắm. Ảnh: Thành Chung

Những số liệu thống kê sơ bộ trên cho thấy thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Diệp, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương cho biết: “Không riêng đô thị mà người dân ở nông thôn của Hải Dương cũng đang dần quen với “bấm bấm” để thanh toán. Về xu hướng, thanh toán qua mã QR được người dân đón nhận tốt hơn so với thanh toán qua máy POS. Vì với mã QR, người dân chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử. Với POS cần quẹt thẻ ngân hàng, tức là người dân cần mang sẵn thẻ trong ví, sẽ bất tiện hơn”. Theo báo cáo nhanh, tính chung toàn hệ thống Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương, đến cuối tháng 5/2024 đã có khoảng 250.000 khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử trong giao dịch, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt là điều dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều trường hợp đáng tiếc như đã nêu ở trên. Các ngân hàng trong tỉnh khuyến cáo người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống, không cài đặt các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi có người thân, bạn bè nhờ nhận hoặc vay tiền qua mạng xã hội không thực hiện ngay mà phải liên hệ trực tiếp kiểm tra qua số điện thoại cá nhân hoặc gọi video, hoặc kiểm tra thử bằng các câu hỏi chỉ hai người biết và chưa được trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội.

Người dân phải đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.

“Khi mua hàng qua mạng người dân cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, thẻ ngân hàng, không chuyển khoản hoặc nhận tiền chuyển khoản khi có người không quen biết nào đó nhờ vả”, chị Diệp nói thêm.

Giám sát kỹ miếng dán mã QR trong thanh toán

Anh Vũ Đình Toàn, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Quý Tân, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương)

Anh Vũ Đình Toàn, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Quý Tân, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương)

Khoảng hơn 2 tháng trước, quán cà phê của một người bạn tôi đã bị kẻ gian dán đè một mã QR lên trên mã QR của cửa hàng. Bạn tôi kể, khách hàng vào quán cà phê thường quét mã QR để thanh toán. Thông thường, chỉ sau vài giây là bạn tôi nhận được thông báo nhận tiền thành công. Tuy nhiên hôm ấy, sau khi khách hàng thanh toán nhưng sau vài phút vẫn chưa nhận được thông báo, bạn tôi phải hỏi lại. Người khách ấy đã cho xem thông báo chuyển tiền thành công. Tuy nhiên, số tiền ấy lại bị chuyển đến một tài khoản khác.

Kẽ hở trong việc thanh toán bằng mã QR nằm ở chỗ kẻ xấu có thể dễ dàng thực hiện dán đè mã QR khác. Bằng cách đóng vai khách hàng, lợi dụng sơ hở của chủ quán, kẻ gian có thể dán đè mã QR khác chỉ sau vài giây thao tác. Tài khoản nhận tiền thường là tài khoản không chính chủ, gây khó khăn cho việc truy tìm. Trên thị trường "chợ đen", tài khoản ngân hàng rác có thể được mua với giá chỉ vài triệu đồng. Kẻ gian sẵn sàng chi số tiền này vì các vụ lừa đảo có thể đem lại cho chúng khoản chênh lệch lớn hơn nhiều.

Do vậy, không riêng quán cà phê của tôi, các địa điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR khác cần nâng cao cảnh giác, giám sát chặt chẽ những nơi đặt mã QR, thường xuyên kiểm tra dấu hiệu khác thường tại những điểm dán mã QR này. Mã QR cần đi kèm thông tin chủ tài khoản. Khách hàng khi chuyển tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ cần kiểm tra thật kỹ thông tin từ mã QR. Nếu thấy khác so với thông tin chủ tài khoản cần dừng việc thanh toán và thông báo với chủ quán.

Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho người sử dụng

Bà Nguyễn Thị Nga, thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong, Nam Sách

Bà Nguyễn Thị Nga, thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong, Nam Sách

Tôi thấy hiện nay ở khu vực nông thôn, nhất là những người trung niên hoặc cao tuổi thường vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Những người hay sử dụng phương thức thanh toán điện tử ở nông thôn đa phần là những người trẻ. Trong gia đình tôi, các con cũng hay dùng điện thoại để chuyển tiền khi mua sắm. Gần đây, qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết có nhiều vụ lừa đảo, người dùng bị mất tiền, tài khoản ngân hàng bị chiếm đoạt nên cũng rất lo lắng, dặn dò các con phải nâng cao cảnh giác. Tôi mong thời gian tới các cơ quan chức năng có biện pháp siết chặt quản lý, tăng cường xử lý loại tội phạm này để người dân yên tâm hơn trong thanh toán điện tử.

Thận trọng để tránh rủi ro

Chị Phạm Thị Hương, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương)

Chị Phạm Thị Hương, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương)

Khoảng vài năm trở lại đây, tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt có bước phát triển mạnh mẽ. Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh ở khu vực thành thị không khó để bắt gặp các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như quét mã QR, quẹt thẻ, ví điện tử…

Nếu như trước đây, tôi luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ra ngoài thì hiện tại, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh là có thể mua sắm, giao dịch theo nhu cầu. Ngoài công việc chính, tôi còn kinh doanh online để tăng thu nhập. Do đặc thù công việc, nên tôi thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình kinh doanh. Trong quá trình sử dụng, tôi đã đúc kết một số kinh nghiệm cho riêng mình để tránh những rủi ro có thể gặp phải. Ví dụ, khi khách hàng chuyển tiền thường có thói quen chụp biên lai giao dịch và gửi lại cho tôi. Tôi có thói quen xác nhận bằng cách kiểm tra lại xem tài khoản ngân hàng của mình đã nhận được tiền hay chưa, chứ không chỉ dựa vào biên lai giao dịch do khách gửi. Ngoài ra, tôi cũng không ấn vào các đường link lạ. Những lần lấy hàng hay mua sắm, tôi cũng đều kiểm tra kỹ thông tin như số tài khoản, ngân hàng, họ tên của người nhận trước khi bấm lệnh chuyển tiền để tránh việc chuyển khoản nhầm hay gặp những sự cố đáng tiếc.

HÀ KIÊN-HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lam-gi-de-khong-mat-tien-oan-trong-thanh-toan-dien-tu-384075.html