Làm gì để lấp 'khoảng trống' nhân tài ngành công nghệ thông tin?
Lĩnh vực công nghệ thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng nhất...

Anh Phạm Anh Phương - lập trình viên.
Theo một khảo sát được thực hiện với 10.095 nhà tuyển dụng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) ở khu vực này đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng. Các tổ chức, doanh nghiệp đang thực hiện nhiều phương pháp tiếp cận để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo thiếu hụt nhân tài của Manpower Group (công ty cung ứng giải pháp nhân sự - PV) năm 2025, 77% số nhà tuyển dụng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng phù hợp. Con số này gia tăng đáng kể từ mức 45% vào năm 2014 và vượt mức trung bình toàn cầu là 74%. Con số này đã báo động về mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực.
Khảo sát đã thu thập thông tin chi tiết từ 10.095 nhà tuyển dụng trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, theo kết quả báo cáo, các kỹ năng chuyên môn khó tìm kiếm nhất là công nghệ thông tin và dữ liệu (32%), kỹ thuật (27%), marketing & bán hàng (24%). Cũng theo kết quả thu thập được, lĩnh vực công nghệ thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân tài nghiêm trọng nhất, với 81% doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết họ đang phải đối mặt với sự khan hiếm này.
Kết quả của báo cáo đã phản ánh rõ rệt, các doanh nghiệp đã và đang có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ và chuyển đổi số phát triển vượt bậc.
Theo ông François Lançon, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương & Trung Đông, ManpowerGroup, tình trạng thiếu hụt nhân tài kéo dài được thể hiện rõ nét trong báo cáo cho thấy vấn đề này đã trở thành một đặc điểm cố hữu của thị trường lao động trong khu vực mà các nhà tuyển dụng phải đối mặt. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nơi sự khan hiếm được thể hiện rõ nét nhất.

Ảnh minh họa INT.
Nguyên nhân và giải pháp
Anh Phạm Anh Phương (31 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang làm lập trình viên tại một ngân hàng. Anh Phương cho biết, trong ngành công nghệ thông tin, bất cứ ai cũng sẽ bắt đầu từ trình độ sơ cấp với mức lương khởi điểm khoảng 10 - 15 triệu đồng. Nếu không nỗ lực phấn đấu lên một cấp bậc cao như quản lý - điều hành thì khi tới khoảng 35 - 40 tuổi, các lập trình viên sẽ rất khó cạnh tranh trong ngành này.
Lý do là bởi khi không còn đủ sự nhạy bén và sức khỏe cũng không còn phù hợp để làm việc với cường độ lớn, họ sẽ có nguy cơ cao bị thay thế bởi thế hệ trẻ hơn. Tuy nhiên để phấn đấu lên được cấp bậc quản lý không phải điều đơn giản, cần rất nhiều nỗ lực, kiến thức và thời gian.
“Về lợi thế thì mức lương của ngành công nghệ thông tin tương đối khá so với mặt bằng chung. Chúng tôi cũng có những lợi thế như làm việc từ xa, giờ giấc linh hoạt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những người làm việc trong lĩnh vực này cần kiến thức chuyên sâu, đòi hỏi khả năng học tập liên tục và giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, áp lực công việc trong ngành IT thường rất cao, với yêu cầu hoàn thành dự án đúng thời hạn và đảm bảo tính bảo mật của hệ thống. Hơn nữa hiện nay, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, mức lương cũng vô cùng hấp dẫn khiến nhiều lập trình viên có xu hướng bỏ ngang, thử sức với công việc mới”, anh Phạm Anh Phương giải thích.
Bà Đỗ Thị Bích Phượng (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhà tuyển dụng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin) nhận thấy, nhiều người trẻ cho rằng, lập trình viên là công việc có “tuổi nghề” ngắn.
Song thực tế, nếu là một lập trình viên có tinh thần phấn đấu, chăm chỉ trong công việc hoàn toàn có thể trở thành người quản lý (Manager) hoặc lãnh đạo (Leader). Vốn dĩ ở bất cứ công việc nào, không chỉ riêng ngành lập trình cũng đều có lộ trình nghề nghiệp riêng, phải xây dựng từ nền móng vững chắc rồi mới lên được cấp cao hơn.
“Dù IT được coi là một lĩnh vực hứa hẹn trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc, song nó không phải là một cuộc hành trình nhàn hạ và dễ dàng. Các lập trình viên cần đối mặt với nhiều thách thức như phải liên tục thay đổi, cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới”, bà Bích Phượng nhận định.
Theo François Lançon, trước thực trạng thiếu nhân tài trong thị trường lao động, các nhà tuyển dụng phải hành động nhanh chóng và quyết đoán nhằm tập trung vào các bộ kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp hoặc thể hiện cam kết phát triển nhân tài nội bộ thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng với mục tiêu rõ ràng.
Một trong số những giải pháp mà đơn vị này đã áp dụng và có hiệu quả là trực tiếp đào tạo kỹ năng nghề cơ bản cấp tốc cho người lao động trước khi nhận việc. Cách thức này vừa giúp gia tăng cơ hội việc làm của nhóm lao động chưa có kỹ năng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Khảo sát của Manpower Group cho thấy, các tổ chức, doanh nghiệp đang thực hiện nhiều phương pháp tiếp cận để giải quyết tình trạng khan hiếm nhân tài như: Tích cực đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện tại, tăng lương, ứng dụng mô hình làm việc linh hoạt hơn, tìm kiếm các nguồn nhân tài mới, linh hoạt địa điểm làm việc…