Làm gì để ngăn chặn vấn nạn lạm dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ?
Một số nhóm, cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam mạo danh Hội, cán bộ Hội vận động quyên góp, bán hàng 'từ thiện'… để trục lợi.
Luật Nhân đạo quốc tế đã chỉ rõ biểu tượng Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ là then chốt của tất cả các hoạt động nhân đạo, bất kỳ việc sử dụng không được Luật Nhân đạo Quốc tế cho phép đều bị coi là lạm dụng biểu tượng.
Hiện nay ở Việt Nam, việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ xảy ra tại một số nơi phần nào ảnh hưởng đến uy tín, vị thế, hình ảnh của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.
Điều này đỏi hỏi cần áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết, hoàn chỉnh để ngăn chặn việc lạm dụng biểu tượng.
Lạm dụng biểu tượng
Biểu tượng Chữ thập Đỏ bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập Đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu có kí hiệu, hình dạng, màu sắc gần giống biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn).
Một số nhóm, cá nhân còn sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam để mạo danh Hội, cán bộ Hội vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”… để trục lợi.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng chia sẻ biểu tượng Chữ thập màu đỏ trên nền trắng được lấy làm biểu tượng chung đầu tiên của Phong trào Chữ thập Đỏ-Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế để ghi nhớ công lao của Henry Dunant (Thụy Sĩ) - người sáng lập phong trào Chữ thập Đỏ.
Biểu tượng được nhiều quốc gia công nhận vào năm 1864; được Công ước Genève công nhận vào năm 1949 và hiện nay vẫn được sử dụng như các công cụ bảo vệ, nhận diện.
Bảo vệ là mục đích cơ bản của biểu tượng, khi có xung đột vũ trang, các bên tham chiến không được tấn công, xâm phạm những nơi có biểu tượng Chữ thập Đỏ.
Biểu tượng dùng để bảo vệ cho các đơn vị quân y; các đơn vị y tế của Hội Chữ thập Đỏ quốc gia: bệnh viện, trạm cấp cứu, phương tiện giao thông vận tải được giao nhiệm vụ cứu thương; các cơ sở y tế dân sự (bệnh viện, trạm cấp cứu được Chính phủ và các cấp chính quyền giao nhiệm vụ cứu chữa thương binh trong chiến tranh và hoạt động nhân đạo (không thu tiền).
Các tổ chức cứu trợ tình nguyện khác được Chính phủ cho phép hoạt động phục vụ cứu thương cũng được dùng biểu tượng cho nhân viên hoặc thiết bị khi phục vụ trong các đơn vị y tế của lực lượng vũ trang, họ phải tuân theo các quy định và luật quân sự.
Theo Luật Nhân đạo quốc tế, trong chiến tranh, các vùng xuất hiện biểu tượng Chữ thập Đỏ, Trăng lưỡi liềm Đỏ hay Pha lê Đỏ là phạm vi bất khả xâm phạm, không được quyền tấn công. Việc tấn công vào các căn cứ có biểu tượng được coi là “tội ác chiến tranh.”
Các biểu tượng dùng với mục đích bảo vệ phải có kích cỡ lớn và được nhìn thấy từ xa, từ trên cao xuống để được nhận biết rõ ràng...
Từ đó, có thể thấy các hành vi lạm dụng làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế, hình ảnh của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam; làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Hội và hoạt động Chữ thập Đỏ.
Đồng thời, việc lạm dụng biểu tượng còn khiến các tổ chức, cá nhân hảo tâm, có nhu cầu hỗ trợ thật sự không tiếp cận được đối tượng cần trợ giúp thật sự.
Nhiều văn bản đã quy định
Thấy rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập Đỏ, ngày 3/6/2008, Luật Hoạt động Chữ thập Đỏ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009.
Luật quy định "Biểu tượng Chữ thập Đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động Chữ thập Đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập Đỏ"; quy định nghiêm cấm "Sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ trái pháp luật."
Ngày 29/10/2009, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 7964 hướng dẫn thực hiện quy định về sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ. Công văn nêu rõ: Các cơ sở y tế chỉ được sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ khi tham gia các hoạt động Chữ thập Đỏ theo quy định của Luật Hoạt động Chữ thập Đỏ.
Tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động Chữ thập Đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ.
Thông tư số 45 của Bộ Y tế quy định về Trang phục y tế, ban hành ngày 30/11/2015 quy định rõ: "Trang phục y tế không được có biểu tượng Chữ thập Đỏ trái quy định của pháp luật về hoạt động Chữ thập Đỏ."
Ngày 1/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định cấp Chứng chỉ nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nghị định có quy định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu, không sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ trên biển hiệu."
Không chỉ biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cũng được pháp luật bảo hộ, cấm xâm phạm.
Biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam với nền tảng là "Chữ thập Đỏ trên nền trắng kết hợp cùng các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ "Chữ thập Đỏ Việt Nam."
Biểu trưng đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam vào tháng 7/2013.
Tăng cường hoạt động bảo vệ
Theo luật sư Nguyễn Trần Tuyên, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn ELITE, biểu tượng, biểu trưng Chữ thập Đỏ đều được pháp luật trong nước và quốc tế bảo hộ.
Do đó, các cán bộ Hội Chữ thập Đỏ khi phát hiện có tổ chức, cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ không được phép của Trung ương Hội, cần thu thập các bằng chứng, thông tin, gửi đến Ban truyền thông của Trung ương Hội để đề nghị phê duyệt việc xử lý xâm phạm biểu tượng.
Hội Chữ thập Đỏ địa phương tiến hành gửi thư cảnh báo, yêu cầu đối tượng xâm phạm chấm dứt ngay hành vi sử dụng biểu tượng trái phép.
Sau thời hạn 20-30 ngày kể từ ngày gửi thư cảnh báo, đối tượng vi phạm không trả lời hoặc trả lời nhưng không chấp nhận việc chấm dứt hành vi xâm phạm, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cần tiến hành nộp đơn đề nghị cơ quan thực thi tiến hành kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính.
Sau quá trình thẩm định nếu xác định đã đủ căn cứ cấu thành hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thực thi sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan thực thi có thể áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc loại bỏ thông tin, chỉ dẫn về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, kể cả phương tiện quảng cáo, mạng điện tử hoặc thay đổi, thu hồi tên miền, tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm…
Thời gian tới, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thông bảo vệ biểu tượng. Trong đó, Hội tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về biểu tượng Chữ thập Đỏ, các quy định sử dụng biểu tượng; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc sử dụng biểu tượng đối với các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan truyền thông sử dụng sai biểu tượng, các trường học; hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong tăng cường truyền thông về việc sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ tại địa phương.
Trung ương Hội cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về tình trạng sử dụng biểu tượng tại các tỉnh, thành; tham mưu hoàn chỉnh khung pháp lý về biểu tượng, sửa đổi bổ sung nội dung trong Luật Hoạt động Chữ thập Đỏ.
Hội cũng tham mưu Chính phủ giao cho một cơ quan nhà nước giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; hướng dẫn các tỉnh, thành Hội quy trình xử lý vi phạm đối với các trường hợp sử dụng sai, lạm dụng để kịp thời can thiệp và báo cáo chính quyền địa phương trong việc áp dụng các biện pháp chế tài hiệu quả./.