Làm gì để ngành sầu riêng không phải 'ngậm đắng nuốt cay'?

Nhìn từ tình cảnh thị phần sầu riêng Việt Nam sụt giảm mạnh ở thị trường chủ lực Trung Quốc sẽ thấy những điểm yếu về mặt kiểm soát chất lượng và khả năng cạnh tranh đang dần lộ rõ. Nếu không muốn ngành sầu riêng phải 'ngậm đắng nuốt cay' trong thời gian tới là cần phải khắc chế những mặt yếu này, nhất là hoàn thiện pháp lý và hóa giải bài toán 'vỡ quy hoạch'.

Anh Đức, một tài xế xe container vừa có chuyến chở sầu riêng từ miền Tây Nam Bộ đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) để sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kể rằng đã mừng rơi hết nước mắt sau khi hoàn tất quá trình thông quan nhập khẩu sau khi xe container lạnh phải chờ đợi ròng rã từ ngày này qua ngày nọ.

Liệu có bị “đuối”?

Trên thực tế, theo anh Đức, không phải tài xế container nào cũng may mắn trót lọt khi chở sầu riêng xuất sang Trung Quốc như anh vào thời điểm này. Nhất là khi sầu riêng miền Tây đang “đụng chợ” với sầu riêng Thái Lan (được xem là hàng đạt chuẩn tốt hơn) và bị kiểm soát chặt về mặt chất lượng khi làm thủ tục nhập khẩu. Có một sự thật là khi sang bên đó, người ta ưu tiên thông quan sầu riêng Thái hơn là hàng của ta.

Để ngành sầu riêng không “ngậm đắng nuốt cay” đòi hỏi cần hành động ngay để khắc phục phần nào những yếu kém trước mắt về kiểm soát chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Để ngành sầu riêng không “ngậm đắng nuốt cay” đòi hỏi cần hành động ngay để khắc phục phần nào những yếu kém trước mắt về kiểm soát chất lượng và khả năng cạnh tranh.

“Trong khi sầu riêng Thái Lan chỉ tốn 4 - 5 ngày là hoàn tất khâu kiểm tra thông quan hàng qua cửa khẩu, còn với sầu riêng Việt thì các tài xế container phải chờ đợi khá lâu, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày dẫn đến trái sầu riêng bị hư thối, rồi sau đó phải chở ngược về Việt Nam”, anh Đức chia sẻ.

Từ tình cảnh kiểm soát gắt gao ở Trung Quốc như vậy và cạnh tranh với sầu riêng Thái, người tài xế này tỏ ra lo lắng cho bà con trồng sầu riêng năm nay có thể sẽ “đuối”. Anh Đức cũng có lời khuyên cho các tài xế container lạnh chở sầu riêng xuất sang Trung Quốc phải đảm bảo đủ lạnh nếu không sẽ rủi ro cao.

Nhìn vào các “chuyến xe đắng” chở sầu riêng trong thời gian gần đây cũng để thấy thị phần sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đang sụt giảm mạnh, riêng quý 1/2025 đã giảm từ 56,4% xuống còn 28,2%. Trong khi đó, thị phần của Thái Lan trong tổng kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng mạnh từ 42,4% lên 69,9%.

Nguồn cơn của tình cảnh này đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là áp lực cạnh tranh gay gắt từ sầu riêng Thái đang trong mùa thu hoạch cao điểm và có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để đảm bảo quá trình vận chuyển sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc diễn ra suôn sẻ.

Nguyên nhân thứ hai là việc Trung Quốc từ 10/1/2025 yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu (XK) của Việt Nam phải có giấy kiểm định chứng minh không chứa chất vàng O. Ở các cửa khẩu phía Bắc, container sầu riêng có thời gian chờ đợi thông quan kéo dài do Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng, dẫn đến giảm chất lượng loại trái cây này.

Điều đáng nói, như ở miền Tây Nam Bộ, khi vào mùa thu hoạch thì sầu riêng được đóng hàng liên tục để cung ứng sang thị trường Trung Quốc. Phía doanh nghiệp (DN) và thương lái phải thu gom sầu riêng từ nhiều khu vườn khác nhau, dẫn đến chất lượng sầu riêng cũng khác nhau. Và khi lực lượng chức năng Trung Quốc lấy mẫu kiểm lại, nếu trúng những mẫu không đạt chuẩn thì buộc phải quay đầu trở về. Điều này khiến cho thị phần sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc ngày càng sa sút.

Từ nguồn cơn như vậy để thấy mặt yếu về cạnh tranh và kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng cần sớm được khắc chế. Điều nghịch lý là nông dân muốn có năng suất nên phải sử dụng phân (không loại trừ có chứa cadimi) trong khi cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình trồng sầu riêng để XK cho phù hợp cho người dân, cũng như chậm liệt kê những loại phân thuốc không nên sử dụng.

Chờ hoàn thiện pháp lý và hóa giải bài toán “vỡ quy hoạch”

Và ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình sản xuất, thu hoạch sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hành lang pháp lý để quản lý tốt việc sản xuất, mua bán sầu riêng.

Theo giới chuyên gia, nên có cơ chế pháp lý, thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng của ngành sầu riêng một cách bài bản. Nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý XK, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định.

Điều này có lẽ cũng nên học hỏi từ đối thủ Thái Lan khi có sự nghiêm khắc trong chế tài, tức các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết rất sợ sai phạm. Theo đó, ở Thái Lan chỉ cần một nông dân cắt sầu riêng non sẽ bị cảnh sát kiểm tra (bất kỳ lúc nào) phát hiện, thì mã số vùng trồng đó sẽ bị thông báo trên một fanpage, ở đó có sự tham gia của lãnh sự quán Trung Quốc để xử lý.

Chính điều này mà Thái Lan tạo dựng ý thức cho những người tham gia chuỗi liên kết trồng sầu riêng thấy phải “vì cái chung”. Và kể cả khi sầu riêng Thái Lan bị Trung Quốc kiểm vàng O và cadimi, họ đã tập trung xử lý trong vòng 1 tháng là XK trở lại ngay. Từ chế tài, xử lý một cách nghiêm minh mà sầu riêng Thái Lan đã tạo dựng được uy tín từ các nhà kiểm soát nhập khẩu của Trung Quốc.

Cho nên, không bất ngờ khi việc thông quan sầu riêng Thái Lan nhanh chóng, suôn sẻ hơn với sầu riêng Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc.

Ngoài vấn đề nêu trên, một thách thức rất lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam hiện nay là tình trạng trồng cây sầu riêng một cách ào ạt, tự phát khi chưa có đầu ra ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình trạng trồng sầu riêng hiện nay đang vượt quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Trong khi quy hoạch của bộ này thì diện tích trồng sầu riêng cả nước từ năm 2025 đến 2030 là 65.000 - 75.000ha, thế nhưng đến năm 2024 cả nước đã có hơn 150.000ha trồng sầu riêng.

“Việc bà con nông dân họ thấy tiềm năng nên họ trồng. Tuy nhiên, cần khuyến cáo nên trồng ở khu vực nào cho phù hợp, đảm bảo được năng suất và chất lượng, còn ở những vùng nào mà chất lượng trái không đạt thì không nên trồng. Bởi lẽ, khi trồng sầu riêng ở những khu vực không phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết khí hậu sẽ dẫn tới chi phí đầu tư tốn kém, chất lượng không đảm bảo và khó khăn trong thị trường tiêu thụ”, ông Mười chỉ rõ.

Thực ra, khi chuyện trồng sầu riêng “vỡ quy hoạch”, lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thì rủi ro là khó tránh khỏi. Để hóa giải bài toán rủi ro này và tái cơ cấu ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững như yêu cầu đặt ra cấp thiết mới đây từ phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đòi hỏi rất nhiều việc phải làm. Điều quan trọng bây giờ là cần hành động ngay để khắc phục phần nào những yếu kém trước mắt nếu không muốn ngành sầu riêng Việt rơi vào tình cảnh “ngậm đắng nuốt cay” trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-nganh-sau-rieng-khong-pha-i-ngam-dang-nuot-cay-1106723.html