Euro đã sẵn sàng cho 'trò chơi vương quyền' ?

Ý tưởng về việc đồng tiền chung châu Âu (euro) có thể cạnh tranh ngôi vị đồng tiền dự trữ toàn cầu với USD gần đây vẫn được cho là quá xa vời. Tuy nhiên, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng với chính sách thương mại hiếu chiến đang dần làm thay đổi cục diện.

Các chuyên gia nhận định xu hướng hiện tại có thể chưa đủ để đưa đồng euro lên bệ phóng thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, nhưng đủ để làm nền tảng cho một hệ thống tài chính toàn cầu đa cực hơn - nơi đồng euro đóng vai trò trung tâm bên cạnh USD, nhân dân tệ và Yen Nhật. Là đồng tiền lớn thứ hai thế giới, đồng euro sở hữu tiềm năng để vươn lên thay thế sự thống trị của USD, song con đường tới thành công hiếm khi bằng phẳng, mục tiêu này đòi hỏi nhiều điều kiện.

Những cơ hội mới cho đồng Euro

Kể từ khi ra đời năm 1999, đồng euro luôn được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ của đồng USD. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009, các quan chức châu Âu từng tin rằng theo thời gian, đồng euro sẽ cạnh tranh ngang ngửa với đồng bạc xanh. Nhưng sau đó là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Ngân hàng châu Âu (ECB) khi ấy chưa đủ quyền lực như một "người cho vay cuối cùng", hệ thống ngân hàng bị phân mảnh theo từng quốc gia, và thị trường vốn còn quá nhỏ để chống đỡ những cú sốc.

Khu vực đồng euro thiếu hụt trầm trọng tài sản an toàn, trái phiếu của Đức thì khan hiếm do thặng dư ngân sách, trong khi trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha lại thiếu độ tín nhiệm. Hệ quả là đồng euro bị tụt lại phía sau. Đến nay, euro chiếm khoảng 20% dự trữ ngoại hối toàn cầu, kém xa so với 60% của đồng USD, và cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Trụ sở Ngân hàng châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức.

Trụ sở Ngân hàng châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức.

Chu kỳ lịch sử có thể lặp lại, nhưng cơ hội và phản ứng có thể lại rẽ những hướng khác. Khi đồng bạc xanh gặp khó, liệu có cơ hội để đồng euro “trở mình”? Nhiều điều kiện đang đi theo hướng tích cực cho đồng euro.

Thứ nhất, nền tảng tài chính của châu Âu đã an toàn hơn. ECB giờ đây có những công cụ can thiệp quy mô lớn, từ chương trình mua trái phiếu 1.800 tỷ euro thời COVID-19, tới cơ chế hỗ trợ ngăn chặn lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt năm 2022. Liên minh châu Âu (EU) cũng lần đầu tiên phát hành trái phiếu chung quy mô lớn (807 tỷ euro) để tài trợ cho kế hoạch phục hồi sau đại dịch, tạo ra nguồn tài sản an toàn mới cho giới đầu tư toàn cầu. ECB đã trực tiếp giám sát 114 ngân hàng lớn nhất khu vực đồng euro, nắm giữ 82% tài sản ngân hàng toàn châu Âu, tăng đáng kể tính ổn định hệ thống.

Thứ hai, đầu tư vào châu Âu đang trở nên hấp dẫn hơn. Gói chi tiêu quốc phòng và cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ euro của Đức, cùng với làn sóng gia tăng đầu tư quốc phòng ở Pháp, Italy và Tây Ban Nha, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra thêm nhiều tài sản an toàn mới bằng đồng euro. Goldman Sachs dự đoán gói kích thích này sẽ giúp GDP Đức tăng thêm 1% vào năm 2026 và GDP toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng thêm 0,2%. Đáng chú ý, mức chênh lệch lãi suất Mỹ - châu Âu đang nghiêng về phía euro. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất, ECB vẫn giữ chính sách tiền tệ cứng rắn để kiểm soát lạm phát, khiến đồng USD mất đi sức hấp dẫn đáng kể.

Thứ ba, thể chế châu Âu có vẻ ổn định và đáng tin cậy hơn. Dù các đảng cực hữu nổi lên ở một số nước, 20 quốc gia có chủ quyền vẫn sử dụng đồng euro, với ECB giữ vị trí độc lập tuyệt đối. Các thay đổi lớn cần tới sự đồng thuận của 27 thành viên EU, khiến việc vũ khí hóa đồng euro cho mục đích địa chính trị rất khó xảy ra - một điểm cộng lớn so với nguy cơ đồng USD bị chính trị hóa dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hệ thống pháp quyền vững chắc của châu Âu, cùng các cơ chế kiểm tra - cân bằng lâu đời, đang khiến đồng euro hấp dẫn hơn đối với các quốc gia tìm kiếm một đối tác tài chính ổn định và trung lập.

Thứ tư, sự dịch chuyển trong thương mại quốc tế đang tạo thế cho châu Âu. Trong khi Mỹ có xu hướng rút lui khỏi vai trò cường quốc thương mại toàn cầu, châu Âu có thể nổi lên như một trung tâm thương mại tự do mới. Hàng hóa và dịch vụ thanh toán bằng đồng euro sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng tài trợ thương mại, bảo hiểm, và các công cụ phái sinh lãi suất và tiền tệ bằng đồng tiền này. Sự dịch chuyển đó cũng đồng thời thúc đẩy nhu cầu dự trữ euro tại các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Đồng euro liệu đã sẵn sàng soán ngôi đồng USD?

Đồng euro liệu đã sẵn sàng soán ngôi đồng USD?

Cẩn thận với “Ngôi báu sắt”

Để đồng euro thực sự trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu cạnh tranh với đồng USD, châu Âu cần vượt qua nhiều thách thức nội tại và bên ngoài. Trước hết, sự phân mảnh chính trị và tài khóa giữa các quốc gia thành viên EU vẫn là rào cản khó có thể phớt lờ. Các quốc gia như Pháp và Italy đang gánh nặng nợ công cao, trong khi Đức và Hà Lan duy trì thặng dư ngân sách, thực tế đồng nghĩa với những chính sách tài khóa không đồng bộ, làm giảm hiệu quả của một đồng tiền chung. Do đó, EU cần thúc đẩy sự phối hợp chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, đồng thời tăng cường đầu tư công để tạo thêm tài sản an toàn bằng euro, tích cực củng cố lòng tin của nhà đầu tư toàn cầu.

Việc xây dựng một thị trường vốn chung sâu rộng và đồng bộ là điều kiện tiên quyết để đồng euro có thể phát huy vai trò toàn cầu, một yếu tố đòi hỏi các cải cách về luật phá sản, tiêu chuẩn kế toán và tăng cường sự minh bạch, nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng tính thanh khoản cho các tài sản bằng đồng euro. ECB do đó cũng cần củng cố hơn các công cụ can thiệp linh hoạt và hiệu quả, nhằm duy trì ổn định tài chính trong khu vực.

Bên cạnh đó, phát triển đồng euro kỹ thuật số là một bước đi chiến lược để nâng cao khả năng thanh toán quốc tế và dự trữ của đồng euro. Hiện phần lớn các giao dịch số ở châu Âu dựa vào các hệ thống thanh toán do Mỹ kiểm soát như Visa, Mastercard, PayPal. Điều này khiến châu Âu dễ bị tổn thương trước các rủi ro địa chính trị, gián đoạn dịch vụ hoặc chính sách kiểm soát từ bên ngoài. Đồng euro kỹ thuật số có thể giúp củng cố chủ quyền tài chính, hiện đại hóa hạ tầng thanh toán và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoài khu vực. Bên cạnh đó còn là hàng loạt lợi ích không khó để hình dung như thuận tiện trong thanh toán, hữu ích với các giao dịch nhỏ lẻ, thương mại điện tử, hoặc khi đi du lịch trong khu vực eurozone.

Việc có thêm lựa chọn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp đồng nghĩa với thúc đẩy cạnh tranh với các hệ thống thanh toán hiện hữu, có thể giúp giảm phí giao dịch, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ vốn đang chịu phí cao khi chấp nhận thanh toán qua thẻ. Đặc biệt, trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh hoặc sự cố hệ thống ngân hàng, đồng euro kỹ thuật số sẽ đảm bảo người dân vẫn có thể thanh toán an toàn, kể cả khi không có kết nối mạng hoặc khi một nhà cung cấp dịch vụ bị gián đoạn.

ECB cam kết đồng euro kỹ thuật số sẽ đạt tiêu chuẩn bảo mật và quyền riêng tư cao nhất, với các giao dịch offline có mức độ ẩn danh tương tự tiền mặt, còn các giao dịch online sẽ được bảo vệ bởi các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nói một cách đơn giản, một đồng tiền kỹ thuật số do ECB phát hành, được chấp nhận rộng rãi và đảm bảo an toàn, sẽ giúp euro trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn trong thanh toán xuyên biên giới và dự trữ ngoại hối, nhất là khi các quốc gia và doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp thay thế USD trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Cũng phải nhắc lại rằng cơ hội đến nhưng quan trọng là châu Âu cần biết tận dụng và phát huy hiệu quả những gì đang đặt ra phía trước. Thúc đẩy các chuỗi giá trị xanh, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính mới và tăng cường liên kết thương mại sâu rộng sẽ tạo ra nhu cầu sử dụng euro trong thanh toán cũng như dự trữ quốc tế, góp phần đa dạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu.

Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, tự chủ chiến lược của châu Âu bao gồm cả việc phải chuẩn bị để đối phó với các rủi ro địa chính trị và kinh tế trên thế giới, với sự cạnh tranh từ đồng USD và nhân dân tệ, cũng như các biến động kinh tế quốc tế. Việc duy trì sự ổn định chính trị, thể chế minh bạch và độc lập của ECB sẽ là chìa khóa để đồng euro duy trì và nâng cao vị thế trong “trò chơi vương quyền” của các đồng tiền dự trữ toàn cầu, từng bước chắc chắn bước chân tới “ngôi báu sắt” trong hệ thống tài chính quốc tế.

Điều châu Âu cần lúc này là quyết tâm chính trị mạnh mẽ, cải cách thể chế sâu rộng và chiến lược phát triển thực sự căn cơ!

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/euro-da-san-sang-cho-tro-choi-vuong-quyen--i768130/