Làm gì để tăng nguồn cung nhà ở xã hội?
Phát triển nhà ở xã hội là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở tăng cao như hiện nay, thì cần hóa giải các vướng mắc như thủ tục pháp lý rườm rà, hạn chế về quỹ đất, vướng mắc về mặt bằng… để làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Thời gian gần đây, thị trường nhà ở xã hội (NOXH) có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn với hàng loạt dự án được triển khai và mở bán. Giấc mơ an cư, ổn định cuộc sống đang đến gần hơn với người dân.
Cụ thể, từ cuối năm 2024, một số dự án NOXH mới trên địa bàn Hà Nội được khởi công đã thu hút sự chú ý của nhiều người có nhu cầu mua nhà như: dự án NOXH xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh; chung cư cao tầng CT1 thuộc dự án NOXH Thượng Thanh và đấu nối hạ tầng khu vực, quận Long Biên… dự án NOXH tại ô đất NO1 - Khu đô thị Hạ Đình, huyện Thanh Trì…
Năm 2025, thành phố Hà Nội có 8 dự án NOXH được triển khai với khoảng 1.600 căn hộ. Trong đó, huyện Thường Tín có 5 dự án, quận Long Biên có 2 dự án, quận Hoàng Mai có 1 dự án.
Những năm tới, sẽ có hơn 200 dự án NOXH được triển khai trên cả nước, trong đó Hà Nội có khoảng 14 dự án, tập trung ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Quốc Oai; Giai đoạn 2027-2029, quỹ NOXH và nhà ở thương mại trên cả nước dự báo đạt trên 300.000 căn, điều này được kỳ vọng sẽ giúp giá nhà chung cư “giảm nhiệt”.
Tuy vậy, theo đánh giá chung của các chuyên gia, tốc độ xây dựng NOXH vẫn còn ì ạch, chậm trễ. Để có thể đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của các dự án và hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 vẫn có không ít nút thắt cần được tháo gỡ, cần được các cơ quan quản lý nỗ lực giải quyết và có tư duy mới để giải bài toán nguồn cung.

Ảnh minh họa
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, công tác tuyên truyền và kêu gọi đầu tư là 2 yếu tố quan trọng nhưng huy động nguồn lực xã hội thì còn quan trọng hơn nữa. Đặc biệt, mới đây, trong quá trình rà soát tốc độ xây dựng tại các tỉnh thì có rất nhiều dự án chậm, cần có cơ chế chính sách và có giải pháp hiệu quả để thu hồi lại, nếu không hợp lý thì chuyển sang NOXH.
Để thực hiện được điều này, ông Nghiêm cho rằng, công tác quy hoạch và quản lý cần được chú trọng; Cần tăng cường rà soát lại các dự án đã được cấp, đồng thời bổ sung thêm vị trí NOXH mới trong quy hoạch, vì năm nay sẽ triển khai đồng bộ rất nhiều các quy hoạch cụ thể như, quy hoạch phân khu chi tiết tại các địa phương. Đây là bước thuận lợi để xác định được địa điểm xây dựng NOXH.
“Cần tạo ra quỹ đất để xây dựng NOXH và phải quy hoạch vị trí đất NOXH như thế nào để thu hút được các đối tượng có nhu cầu mua NOXH. Đã từng có một số dự án NOXH xây dựng lên nhưng vị trí không thuận lợi cho sinh hoạt, cuộc sống, do đó không “hút” người đến ở. Do đó, công tác quy hoạch phải đẩy sớm lên, từ đó tạo động lực để thúc đẩy nguồn cung NOXH”, ông Đào Ngọc Nghiêm cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản phân tích, NOXH là thứ hàng hóa đặc biệt, không phải là hàng hóa tự do lưu thông trên thị trường. NOXH là sản phẩm "phi thị trường", bị kiểm soát cả về đối tượng thụ hưởng lẫn giá giao dịch. Một sản phẩm "phi thị trường" có tính chất bình ổn, nhằm đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, NOXH cần sự chủ động hơn từ nguồn lực của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản
Để làm NOXH, địa phương phải quy hoạch, chi ngân sách để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, xây dựng đấu nối hạ tầng vào dự án thì mới có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, đa số các địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất, bởi vậy kế hoạch đặt ra mang tính chủ quan, không có cơ sở giải pháp cụ thể nào để hiện thực hóa.
“Nhà nước cũng cần chủ động tạo ra quỹ đất NOXH độc lập bằng cách tự quy hoạch, tự giải phóng mặt bằng, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật để mời gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Để triển khai được theo hướng này thì cần đến những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù. Chẳng hạn, Luật Thủ đô 2024 cho phép HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án nhà ở xã hội độc lập”, ông Nguyễn Văn Đỉnh cho biết.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính và bất động sản Toàn cầu, tiến độ xây dựng NOXH hiện nay vẫn còn rất chậm. Nếu các thủ tục hành chính không được cải thiện, đơn giản hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người mua nhà thì mọi kế hoạch đặt ra sẽ thất bại; Việc phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp nếu không được tính toán kỹ trong thời gian tới sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu, không giải được bài toán mất cân đối cung cầu nhà ở hiện nay, không kéo giảm được giá nhà.
Do đó, Ngân hàng chính sách cũng như các ngân hàng lớn tham gia vào chương trình tài trợ cho NOXH, cần có những gói tín dụng hợp lý, để đáp ứng nhiều hơn nguồn cung và nhu cầu nhà ở của người lao động, đồng thời “đuổi kịp” tiến độ xây dựng 1 triệu căn NOXH đến năm 2030.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lam-gi-de-tang-nguon-cung-nha-o-xa-hoi-post1188611.vov