Làm gì để trẻ được an toàn trong trường học?

Trách nhiệm quản lý cần được vận hành tự động theo cấp, ngành, chức danh, được quy định bằng pháp luật và quy chế tổ chức; không thể việc gì cũng chờ văn bản chỉ đạo

Gần 23 triệu học sinh phổ thông đã bắt đầu năm học mới với nhiều nỗ lực trước những biến động và "kỷ lục" nghỉ Tết dài ngày không mong muốn vì dịch Covid-19.

Con đến trường, cha mẹ phập phồng âu lo

Trong khi gánh nặng các khoản đóng góp đầu năm chưa vơi, câu chuyện học sinh lớp 1 cõng 23 quyển sách giáo khoa và vô số sách bài tập, tham khảo còn nóng, đang chờ kết quả thanh tra giáo dục về việc xuất bản và định giá bán sách của nhà xuất bản thì hàng loạt nỗi đau, nỗi lo khác liên tục xảy ra ở các vùng, miền. Rúng động là vụ sập cổng trường ở Lào Cai khiến 3 học sinh tử vong và chưa đầy 1 tuần sau lại xảy ra vụ sập tường rào trước cổng trường tiểu học ở Nghệ An làm 1 học sinh lớp 5 tử vong. Chưa hết, 1 học sinh lớp 2 ngồi trong lớp học giờ ra chơi bị quạt trần rơi xuống mặt bàn, cánh quạt văng vào trán phải nhập viện cấp cứu; 1 học sinh tiểu học lại bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Hà Nội...

Ngành giáo dục, nhà trường phải làm hết trách nhiệm để mỗi ngày đến trường của học sinh thật sự là một ngày vui. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Ngành giáo dục, nhà trường phải làm hết trách nhiệm để mỗi ngày đến trường của học sinh thật sự là một ngày vui. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Với mỗi tai nạn, các cơ quan quản lý giáo dục đều giải trình và đưa ra nhiều lý do về nguyên nhân - hậu quả nghe đều... rất có lý. Cổng trường ngã đè chết học sinh, đại diện cơ quan chức năng nhận định "do đông học sinh đu bám nên trụ cổng và cánh cổng bị đổ sập". Hoặc "đã nhận được phản ánh của phụ huynh về bức tường bị nứt nẻ nhưng do điều kiện kinh phí còn eo hẹp nên chưa xây lại được". Hoặc "cổng trường được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, nên trường không rõ thiết kế, thi công"...

Thế nhưng, nhìn lại các vụ việc, không thể không giật mình. Có nhiều tai nạn không phải lần đầu tiên, thậm chí vừa xảy ra trước đó vài ngày (như vụ sập cổng trường, sập tường rào trước cổng trường) hoặc từng có vụ bị xử lý hình sự (như vụ bỏ quên học sinh trên xe dẫn đến tử vong) nhưng xem ra bài học an toàn trường học vẫn không tác động gì mấy đến người có trách nhiệm. Cho dù sau các sự cố là yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp: Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, báo cáo, điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn, xác định trách nhiệm của tổ chức có liên quan. Lẽ nào mỗi ngày đến trường của trẻ đều khiến phụ huynh phập phồng âu lo, không biết sẽ có chuyện gì xảy ra với con mình ở nơi được xem là ngôi nhà thứ hai?

Phải minh bạch trách nhiệm

Nguyên nhân các vụ tai nạn ở trường học nằm ở đâu, có lẽ không khó để xác định. Vấn đề là dường như các quy định liên quan hiện chưa rõ ràng và việc thực hiện cũng không nghiêm. Một lực lượng hùng hậu các cơ quan chức năng được giao quản lý giáo dục, trường học nhưng khi xảy ra sự cố vẫn khó quy trách nhiệm thuộc về ai bởi ai cũng cho rằng đã làm hết trách nhiệm, còn lại là do nguyên nhân khách quan, do sự khó khăn, thiếu kinh phí... Để rồi cuối cùng, học sinh tiếp tục gặp nguy hiểm. Rõ ràng đang có lỗ hổng lớn trong quy định pháp luật và thực thi pháp luật.

Trách nhiệm quản lý cũng cần được "vận hành tự động" theo cấp, ngành, chức danh, được quy định bằng pháp luật và quy chế tổ chức, chứ không thể việc gì cũng chờ "văn bản chỉ đạo" của Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh mới tổ chức thực thi, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý.

Cần rà soát, hoàn thiện các quy định, xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch trách nhiệm và có chế tài cụ thể hơn là quản lý "theo đuôi" sự việc. Việc kiểm tra, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các vụ việc gây chết người liên quan trường học vừa qua là cần nhưng quan trọng hơn vẫn là không để nó tiếp tục xảy ra. Nếu không thì vẫn là cách quản lý bị động chạy theo sự cố. Phải có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn những vụ việc đau lòng xảy ra trong trường, trong lớp học để mỗi ngày đến trường của con trẻ thật sự là một ngày vui.

Rà soát các nguy cơ

Khi học sinh bị tai nạn thương tích trong trường học, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về nhà trường. Cơ sở vật chất tại trường học, hiệu trưởng phải là người rà soát, nắm rõ tình hình và có phương án giải quyết trước khi xảy ra vụ việc đáng tiếc. Ngoài ra, thầy cô cần thường xuyên rà soát các nguy cơ trẻ dễ gặp phải như: đường dây điện, quạt, cửa sổ có khung, ban công hành lang...; thường xuyên nhắc nhở và kỷ luật nghiêm học sinh vi phạm nội quy. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, dạy kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh.

Bảo đảm an toàn trước cổng trường

Thời điểm học sinh đi học lại cũng là lúc phía trước nhiều cổng trường trở nên lộn xộn, ken cứng do ùn tắc, nhất là với những trường nằm ngay mặt tiền đường. Tình trạng này có thể xảy ra tai nạn giao thông cho cả phụ huynh và học sinh.

Nhiều phụ huynh biết đậu xe dưới lòng đường chờ đón con tan học là vi phạm luật và nguy hiểm nhưng không còn cách lựa chọn nào khác khi phía trước cổng trường không có chỗ đậu xe, cũng không có lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, hướng dẫn, điều tiết, giữ trật tự.

Nên chăng, vào giờ tan học, phía trước cổng trường - nhất là những trường học nằm trên các trục đường chính, mặt tiền đường - cần có lực lượng bảo vệ hoặc lực lượng làm nhiệm vụ điều tiết, hướng dẫn phụ huynh, học sinh để bảo đảm trật tự cũng như an toàn giao thông, tránh tình trạng ùn tắc cục bộ. Ngoài ra, cần nghiên cứu, xem xét bố trí lệch giờ tan học với giờ tan tầm của một số cơ quan, công sở hay doanh nghiệp.

N.Đước

Trần Hữu Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lam-gi-de-tre-duoc-an-toan-trong-truong-hoc-20200914222118808.htm