Làm gì khi bốn 'miệt' ĐBSCL bị 'biến dạng'?

Bốn vùng sinh thái hay còn gọi là bốn 'miệt' của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng bị 'biến dạng' và khả năng những chỉ dấu nhận biết của từng 'miệt' sẽ không còn trong tương lai. Đâu là nguyên nhân và phải làm gì để hạn chế vấn đề này?

Vó – dụng cụ bắt cá của người dân vùng lũ ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Vó – dụng cụ bắt cá của người dân vùng lũ ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Bốn “miệt” đồng bằng

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF- Mekong Conservancy Foundation), cho biết, về mặt sinh thái tổng thể, ĐBSCL có bốn vùng hay còn gọi là bốn “miệt”, bao gồm miệt vườn; miệt ruộng; miệt bưng và miệt biển.

Miệt vườn là vùng đất trồng cây ăn trái, cho nên, xét về mặt thổ nhưỡng, phần lớn nằm ven những con sông – nơi có phù sa do dòng sông bồi lên. Điểm đặc biệt của miệt vườn là chỉ những năm lũ lớn mới “họa may” ngập, tức tần suất bị ngập rất thấp.

Với miệt ruộng, về sử dụng đất, được người dân trồng lúa. Đặc điểm quan trọng của miệt ruộng là gần như năm nào cũng ngập và nước tràn vô vùng sinh thái này là nước có phù sa.

Đối với miệt bưng, đây là vùng đất gần như ngập quanh năm, tức chỉ năm nào khô hạn kéo dài thì miệt bưng mới bắt đầu khô. Đặc điểm khác biệt của miệt bưng so với miệt ruộng là nước không có phù sa.

Với miệt biển, đây là vùng đất có nguồn nước mặn với nồng độ nhiều hay ít khác nhau.

Khi xét về khía cạnh văn hóa, theo TS Dương Văn Ni, đây là khía cạnh rất tinh tế, không phải ai cũng hiểu hết. Chẳng hạn, khi nói về kiểu nhà, thì nhà kê tán (nhà cất với các cột được kê trên các tảng đá) là đặc thù của miệt vườn. Đây là kiểu nhà có bộ cột thường là cây gỗ rất tốt như: căm xe, cẩm lai…, và không sử dụng bất kỳ cây đinh nào, chỉ dùng cây nêm, cây chốt bằng gỗ nhằm phòng khi ngập lụt hoặc sụt lún đất vẫn có thể tháo ra nâng nền và lắp ráp lại thuận tiện.

Còn miệt ruộng, nhà được xây dựng với kiểu nhà cột chôn chân, thậm chí người dân lựa chọn các loại cây có thể sống khi chôn chân xuống đất như cây gòn; miệt bưng với kiểu nhà đặc trưng là nhà sàn.

Trong khi đó, với miệt biển thì tùy chỗ cao hay thấp, nhưng ngày xưa vùng sinh thái này là nơi đánh bắt hoặc khai thác củi, chưa phải là nơi để ở.

“Tất cả điều nêu trên có nghĩa, văn hóa nó đi theo sinh thái và người dân có sự sáng tạo để thích nghi với cuộc sống”, ông Ni cho biết và nói rằng đó là những điểm rất tinh tế, chỉ nhìn ra khi… đã hiểu.

Trong quy hoạch tích hợp ĐBSCL được công bố vào tháng 2 năm ngoái (Quyết định 287/QĐ- TTg về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050- PV) về cơ bản cũng chia ĐBSCL thành bốn “miệt”, nhưng miệt bưng và ruộng được nhập lại thành một, cho nên, giờ còn ba vùng sinh thái, bao gồm vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Việc phát triển sinh kế đang đẩy người dân ở đô thị Cần Thơ vào cảnh ngập lụt. Ảnh: Trung Chánh

Việc phát triển sinh kế đang đẩy người dân ở đô thị Cần Thơ vào cảnh ngập lụt. Ảnh: Trung Chánh

“Biến dạng” các vùng sinh thái, do đâu?

Qua quá trình phát triển, những đặc điểm nêu trên của từng vùng sinh thái đã không còn giữ được như trước đây, mà đã có sự “biến dạng”, thậm chí tương lai rất khó có thể nhận diện được giữa các “miệt”.

TS Dương Văn Ni dẫn chứng, bây giờ miệt vườn, nơi vốn rất ít xảy ra ngập lụt, thì ngập thường xuyên. Trong khi đó, miệt bưng là nơi vốn ngập nước thường xuyên lại không có nước. “Tại sao vùng trũng nhất nó không có nước, còn vùng chỉ có “năm thìn bão lụt”, tức lũ lớn lắm mới ngập, thì bây giờ ngập theo từng con nước?”, ông Ni đặt câu hỏi và nói rằng, tất cả những quy luật được người xưa đút kết thành kinh nghiệm đã không còn đúng.

Vậy điều gì đã làm “biến dạng” các vùng sinh thái của ĐBSCL?

TS Trần Triết của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết, do hoạt động phát triển kinh tế đã làm việc bảo tồn các vùng sinh thái ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, với miệt bưng, việc đào kênh là một trong những thách thức rất lớn trong bảo tồn nguyên bản. “Vùng sinh thái này là chỗ phù sa của sông không đến được. Tuy nhiên, khi kênh rạch được đào khá nhiều, nước chứa phù sa đi rất nhanh, tràn vô cả miệt bưng, làm thay đổi vùng sinh thái này”, ông dẫn chứng.

Theo ông Triết, từ thời điểm đổi mới đến nay, vùng Đồng Tháp Mười có phong trào đào kênh thoát lũ, khống chế mực nước ngầm để tăng thời gian canh tác; rồi di dân từ các vùng khác đến khiến dân số tăng đột ngột, làm quy luật của Đồng bằng bị thay đổi nhanh chóng. “Những tác động do biến đổi khí hậu nó diễn ra rất chậm, trong khi tác động lớn nhất làm cho sinh thái, địa mạo thay đổi là do quá trình phát triển kinh tế cộng với dân số tăng rất nhanh”, ông giải thích.

Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể của bốn vùng sinh thái, theo ông Triết, chỉ có miệt biển và bưng còn được bảo vệ tương đối tốt, trong khi miệt ruộng và vườn, thì trạng thái tự nhiên nguyên bản của nó không còn.

Trong khi đó, TS Dương Văn Ni cho rằng một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi các vùng sinh thái đó là dân cư. “Ngày xưa, ĐBSCL chỉ có hơn 1 triệu dân, thành thử người ta ở dựa vào tự nhiên, trong khi bây giờ vùng này có đến 20 triệu dân, bắt buộc phải cải tạo, thậm chí ở cả những vùng vốn không thích nghi cho ở”, ông giải thích.

Theo TS Lê Phát Quới của Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái TPHCM, các công trình đê bao chống lũ đã làm thay đổi hết hệ sinh thái tự nhiên của vùng ĐBSCL. “Có những vùng vốn không ngập, nhưng sau này ngập, ngược lại vùng trước đây ngập nhưng hiện nay không ngập”, ông nói và dẫn chứng hệ thống đê bao đã làm thay đổi cân bằng nước và Cần Thơ ngập như hiện nay là do hệ thống đê bao gây ra.

Ông Nguyễn Văn Hút, chủ cơ sở nuôi ong lấy mật Hút Dẻo ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Hút, chủ cơ sở nuôi ong lấy mật Hút Dẻo ở vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Bền vững là phải vì cộng đồng

Từ những vấn đề đã xảy ra, việc xây dựng một mô hình sinh kế bền vững để phần nào giúp giảm bớt áp lực làm biến dạng tiếp tục các vùng sinh thái của ĐBSCL là điều cần thiết.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, dự án phát triển sinh kế vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã cho người dân vay vốn xây dựng sinh kế bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hút, chủ cơ sở mật ong Hút Dẻo, số 185, ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp – một trong những điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn vay của dự án nêu trên cho biết, từ 50 thùng nuôi ong ban đầu, hiện cơ sở của gia đình ông đã phát triển lên con số trên 500 thùng.

Theo ông, mật của cơ sở được sản xuất hoàn toàn tự nhiên do ong hút mật từ hoa cây tràm ở Vườn quốc gia Tràm Chim. “Với hơn 500 thùng nuôi ong hiện nay, mỗi tháng chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1,5-2 tấn mật (1,3 tấn tương đương 1.000 lít mật- PV)”, ông cho biết và thông tin, doanh thu mỗi tháng đạt trên dưới 300 triệu đồng.

Bà Vũ Thị Thiên Lý, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, từ nguồn vốn ban đầu của dự án, gia đình của ông Hút không chỉ thoát nghèo mà còn vượt lên trở thành hộ giàu ở địa phương từ mô hình sinh kế nuôi ong bền vững.

Theo TS Dương Văn Ni, sinh kế của hộ gia đình ông Hút đã đáp ứng được 5 yếu tố khi xét về một mô hình sinh kế bền vững, bao gồm về môi trường; gia đình; cấu trúc xã hội; văn hóa và hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, theo ông Ni, tiêu chí thứ nhất là bền vững về mặt môi trường, tức không làm ô nhiễm đất, nước, không khí, không làm cạn kiệt dinh dưỡng đất, nước và không làm suy thoái về đa dạng sinh học.

Thứ hai, là bền vững về gia đình khi xét ở mối quan hệ chồng vợ, cha mẹ với con cái, con cái với người già.

Thứ ba, là bền vững về mặt cấu trúc xã hội, tức với sinh kế đó thì quan hệ giữa gia đình với gia đình; giữa hộ với đoàn thể; giữa hộ với thể chế chính quyền nhà nước, tức cấu trúc của xã hội không tạo ra bất ổn.

Thứ tư, bền vững về mặt văn hóa, tức ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xóm làng, giữa con người với xã hội cũng không bất ổn.

Cuối cùng, bền vững về hiệu quả kinh tế, khi xét về yếu tố này phải xét bền vững của 4 yếu tố trước đó để lượng hóa. “Chẳng hạn, trường hợp nông dân thu hoạch lúa trong đê bao vụ này (thu đông- PV) có thể trúng giá, mang lại thu nhập cao, nhưng người dân ở Cần Thơ đang phải trả giá do ngập lụt từ đê bao gây ra là không bền vững”, ông Ni dẫn chứng.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lam-gi-khi-bon-miet-dbscl-bi-bien-dang/