Làm giàu nhờ kinh tế rừng
Với diện tích đất rừng lớn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Ninh đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, khai thác lợi thế từ rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thậm chí nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Với lợi thế diện tích rừng lớn, thời gian qua chính quyền xã Quang Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, đã tích cực vận động nhiều hộ gia đình chuyển đổi một số loại cây giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, cải thiện cuộc sống. Gia đình ông Chíu Sáng Phát, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, trước đây chủ yếu trồng keo và một số cây trồng giá trị thấp, lợi nhuận không cao. Từ khi được chính quyền xã vận động, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng quế. Với diện tích 3ha cây quế đang cho thu hoạch, ông Phát phấn khởi cho biết trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 300 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định.
Huyện Đầm Hà hiện có 20.500ha đất lâm nghiệp, trong đó gần 66% là đất rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Thời gian qua, huyện đã tập trung thực hiện Đề án giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với diện tích do UBND các xã, thị trấn đang quản lý cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016 (Quyết định số 1181/QĐ-UBND). Theo đó, hộ gia đình cư trú theo địa bàn hành chính xã nào thì được giao, cho thuê rừng và đất tại xã đó. Đến nay, huyện đã giao trên 720ha đất rừng cho 360 hộ dân của 8 xã, đạt 100% phương án đề ra.
Thực hiện giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp của địa phương. Bên cạnh chỉ đạo, đôn đốc các hộ trồng, chăm sóc rừng đúng kế hoạch đăng ký, huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đặc biệt là phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.
Nhờ trồng quế, nhiều hộ dân ở Quảng Lâm đã thoát nghèo vươn lên làm giàu
Nguồn: ITN
Huyện Bình Liêu có 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ phát triển kinh tế rừng. Tại xã Húc Động, khoảng 50% tổng số hộ đang trồng quế, hồi với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha. Đại diện một hộ nông dân trồng quế tại xã Húc Động cho biết, sau 3 vụ quế, hồi gia đình đã thu được khoảng 500 triệu đồng. Nguồn thu từ rừng ổn định, nếu chịu khó chăm sóc như quế, hồi thì sẽ đạt sản lượng cao. Nhiều gia đình trong xã không có đất để trồng quế, hồi thì tham gia thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông, làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác...
Người dân xã Húc Động thu hoạch vỏ cây quế
Nguồn: ITN
Người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, cũng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất, giá trị của cây quế, hồi, sở, nhân sâm tím, dong riềng. Chính quyền xã đã đẩy mạnh giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng để người dân tiếp tục phát triển lâm nghiệp. Từ năm 2015 đến nay các hộ dân trong xã trồng trên 2.000ha rừng, chủ yếu là quế, hồi, sở, keo, được bà con chăm sóc tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Điển hình như vụ thu hoạch hoa hồi năm nay, toàn xã đạt hơn 60 tấn quả tươi, giá trung bình 70.000 - 75.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể góp phần nâng cao đời sống của bà con.
Anh Tằng Dảu Phồng, bản Sông Moóc, xã Đồng Văn, cho biết, nhờ chính quyền xã vận động, khuyến khích trồng rừng, phát triển kinh tế, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư trồng quế, hồi và nuôi dê, thu nhập mỗi năm khoảng hơn 100 triệu đồng. Còn tại bản Phai Lầu, gia đình ông Dương Chống Thìn đã đầu tư hơn 10ha quế, hồi, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, giúp gia đình xây sửa nhà ở, trở thành hộ kinh tế khá trong bản.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn Mạ Dì Sơn cho biết, với hơn 6.300ha đất lâm nghiệp, chủ yếu trồng quế, hồi, sở, kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã hiện chỉ chiếm 1,48% dân số.
Có thể khẳng định, phát triển kinh tế rừng đã giúp người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng, các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Bình Liêu đang đẩy mạnh tiến độ giao đất, giao rừng, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó tạo dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.