Làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ
Nhờ cây thanh long ruột đỏ, không ít hộ dân ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã từng bước vươn lên khá giả, làm giàu. Huyện Lập Thạch xác định đây là loại cây kinh tế chủ lực, sẽ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp để phát triển theo chiều sâu, bền vững, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Đến thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch hỏi thăm, ai cũng biết nhà ông Nguyễn Quốc Huân-một “đại gia” trong lĩnh vực trồng cây thanh long ruột đỏ.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi theo con đường bê tông, rẽ ngang qua cánh đồng, đến trước cổng một ngôi nhà khang trang, bề thế. Khuôn viên ngôi nhà rộng rãi, nhiều cây cảnh. Trong ga ra, một chiếc xe ô tô đậu ngay ngắn, ngoài vườn, một người đàn ông đứng tuổi đang tưới cây. Xung quanh nhà không thấy bóng dáng cây thanh long nào… “Chắc nhầm rồi, đây có lẽ là nhà của một cán bộ, công chức hơn là nhà của một nông dân…”, chúng tôi bảo nhau, định quay xe ra thì người đàn ông trong vườn gọi to:
-Các anh hỏi ai?
-Dạ, cháu tìm nhà bác Huân “thanh long”…
-Tôi đây, có việc gì vậy?
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngờ ngợ, ông Huân đi ra cổng, chỉ tay về phía trước mặt nói như giải thích:
-À, không thấy vườn thanh long chứ gì? Trang trại nhà tôi ở phía bên kia cơ!
Sau mấy phút trò chuyện, ông Huân vui vẻ đi xe máy đưa chúng tôi ra vườn thanh long. Chỉ tầm vài phút cơ động, cả trang trại thanh long bạt ngàn hiện ra trước mắt...
-Chẳng giấu gì các anh, nhà tôi có tổng cộng 7ha thanh long ruột đỏ. Tháng 9 vừa qua, tôi xuất bán 20 tấn, giá bán tại vườn là 25.000 đồng/kg, thu được 500 triệu đồng. Cái giống thanh long này rất biết chiều lòng người nông dân, cứ ra hoa, đậu quả liên tục. Vào chính vụ từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, cứ lứa này kế tiếp lứa kia, trên cây quả chín chưa thu hoạch hết thì đã có quả xanh. Cả 4 “thế hệ” gồm hoa, quả non, quả xanh, quả chín xen kẽ. Thời điểm này chúng tôi đang vào vụ Tết. Vụ Tết tuy là trái vụ nhưng mang lại thu nhập cao hơn nhiều vì “được mùa, được giá”.
Thấy ông Huân rất hồ hởi khi nói về thanh long trái vụ dịp Tết, chúng tôi gợi hỏi thì được ông chia sẻ thêm:
-Nếu như thanh long ruột đỏ chính vụ bán tại vườn giá khoảng 25.000-35.000 đồng/kg thì thanh long trái vụ vào dịp Tết có thể lên tới 60.000 đồng/kg. Dịp Tết năm ngoái, tôi bán được 12 tấn thanh long ruột đỏ trái vụ, sau khi trừ chi phí, lãi 360 triệu đồng. Tết Nguyên đán Ất Tỵ này, dự kiến tôi sẽ thu hoạch khoảng 20 tấn, chỉ cần giá bán như năm ngoái cũng lãi 600 triệu đồng…
Ngược thời gian, năm 2007, cây thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Bình Thuận được một số người dân huyện Lập Thạch mang về trồng thử tại địa phương phát triển tốt, cho trái to, vỏ mỏng, thịt chắc, vị ngọt mát…, được nhiều người ưa thích, bà con nông dân đã tự phát hình thành các vườn nhỏ để trồng thanh long.
Từ những kết quả tích cực bước đầu, năm 2010, huyện Lập Thạch đã xây dựng dự án phát triển cây thanh long ruột đỏ, xác định đây là loại cây ăn quả chủ lực của địa phương và triển khai trồng mới 100ha thanh long ở xã Vân Trục, Xuân Hòa và Ngọc Mỹ. Gia đình ông Nguyễn Quốc Huân là một trong những hộ đầu tiên tham gia, được dự án hỗ trợ cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc…
“Trước đây tôi trồng bạch đàn, hàng chục năm mới cho thu hoạch, tính ra thu nhập mỗi năm chỉ được khoảng 50 triệu đồng. Nay trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. 7ha thanh long ruột đỏ nhà tôi cho thu hoạch mỗi năm khoảng 100 tấn, giá bán rẻ cũng được 20.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận cũng được cỡ 1 tỷ đồng. Nhờ cây thanh long ruột đỏ mà tôi đã xây được nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình”, ông Huân cho biết.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Lập, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lập Thạch, không chỉ riêng gia đình ông Huân, trên địa bàn huyện còn có nhiều gia đình khác cũng từ nghèo khó vươn lên khá giả nhờ cây thanh long ruột đỏ. Toàn huyện hiện có khoảng 300ha trồng loại cây này. Cây thanh long ruột đỏ đã thay thế nhiều diện tích vườn tạp hoặc diện tích trồng sắn, bạch đàn hiệu quả kinh tế thấp. Tính trung bình mỗi héc-ta thanh long ruột đỏ, bà con nông dân có thể thu hoạch 15-18 tấn quả mỗi năm, mang lại lợi nhuận 200-300 triệu đồng, cao hơn hàng chục lần so với trồng sắn, bạch đàn hay các loại cây ăn quả khác.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Lập Thạch đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuẩn hóa giống cây; hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới thông minh, tưới nhỏ giọt, tưới theo giờ, hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm để kích thanh long ra quả trái vụ…
Cũng theo đồng chí Nguyễn Huy Lập, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng công nhận thương hiệu cho sản phẩm "Thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch". Đặc biệt, sản phẩm thanh long ruột đỏ luôn “cháy hàng”, người dân hầu như không phải lo “đầu ra”, cứ đến kỳ thu hoạch, thương lái lại đến tận vườn thu mua để xuất khẩu hoặc cung cấp cho hệ thống các siêu thị tại nhiều địa phương trên cả nước… Vì thế, nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng diện tích, sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGap, tạo chuỗi liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, một bài toán khó đặt ra là việc mở rộng diện tích trồng thanh long ngày càng khó khăn do quỹ đất có hạn hoặc những nguyên nhân khác. Hiện số hộ có trang trại trồng thanh long với diện tích lớn chưa nhiều nên sản lượng chưa cao. Cũng vì lý do này mà mặc dù huyện Lập Thạch đã phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu thành công đề tài làm siro, rượu vang từ thanh long ruột đỏ nhưng chưa thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất vì sản lượng thanh long chưa đáp ứng được nhu cầu.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, có những cơ chế chính sách phù hợp để phát triển cây thanh long ruột đỏ theo chiều sâu, bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”, đồng chí Nguyễn Huy Lập cho biết.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lam-giau-tu-cay-thanh-long-ruot-do-804922