Làng nghề tất bật vào vụ tết
Còn 2 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, các làng nghề truyền thống đang chạy đua với thời gian để cung ứng sản phẩm có chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Phát huy hết công suất
Làng nghề mộc Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) những ngày này, không khí sản xuất tất bật từ sáng sớm tới đêm khuya. Các xưởng mộc đều sáng đèn, luôn vang tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy cưa, mắt cắt, máy bào.
Theo ông Nguyễn Đình Diên, chủ cơ sở mộc Đình Diên, nghề mộc là nghề truyền thống của địa phương, hiện trong làng có gần 40 cơ sở sản xuất kinh doanh nghề này. Hằng năm cứ vào vụ tết, các cơ sở mộc phải huy động tối đa nhân lực làm việc, cần mẫn chạm khắc, đục đẽo tạo nên các sản phẩm đồ gỗ nội thất để phục vụ thị trường tết.
“Hiện nhu cầu thị trường ngày càng chuộng các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ nên cứ đến thời điểm cuối năm, các đơn hàng mộc dân dụng trang trí dịp tết (quạt gỗ, đồng hồ, lục bình, tượng phật, tượng cóc ngậm tiền, tranh điêu khắc…) liên tục tăng. Để kịp hoàn thiện sản phẩm giao hàng trước tết cho khách hàng, từ thợ chính đến thợ phụ đều phải làm việc hết công suất và thuê thêm nhân công để phụ các công đoạn chà nhám, phun sơn. Mùa tết, trung bình mỗi tháng, xưởng mộc của gia đình tôi xuất hàng đi ngoài tỉnh hơn 200 sản phẩm các loại, tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường”, ông Diên phấn khởi nói.
Tại làng nghề dệt chiếu Phú Tân (xã An Cư, huyện Tuy An), các cơ sở dệt chiếu cũng nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng cả tháng nay. Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ du lịch chiếu cói An Cư cho biết: Đầu tháng 10 âm lịch là HTX bắt đầu đi hàng tết. Thời điểm này trở đi, HTX phát huy hết công suất, máy móc hoạt động từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm.
Năm nay, giá chiếu có phần tăng hơn mọi năm, chiếu thủ công chưa nhuộm có giá 90.000-100.000 đồng/đôi; chiếu dệt máy đã nhuộm có giá 160.000-180.000 đồng/đôi. Vì vậy, thời gian này, người dân làng nghề gần như không ngủ, ai cũng bận rộn luôn chân, luôn tay cho kịp đơn hàng, tranh thủ kiếm thêm thu nhập dịp tết.
Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 21 làng nghề truyền thống công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Các làng nghề phát triển phù hợp với định hướng của tỉnh; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường tết, hiện các cơ sở sản xuất đều chăm chút về mẫu mã, bao bì, chất lượng…
Để sản phẩm của các làng nghề truyền thống có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương tiếp tục rà soát, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, mang đặc trưng vùng miền để đầu tư xây dựng; tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất nâng cao hơn nữa chất lượng và quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm…
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
“Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, quy trình sản xuất, công nghệ thiết bị được đầu tư cho các làng nghề, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sản xuất, nhãn hiệu tập thể đang từng bước phát triển tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản xuất”, ông Thắng cho hay.
Ông Lâm Văn Dạy, chủ cơ sở có 2 sản phẩm rượu Quán Đế và Mã Dọ đạt OCOP 3 sao ở làng nghề rượu Quán Đế (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu) chia sẻ: Gia đình tôi nấu rượu hàng chục năm nay. Từ khi được Nhà nước đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất rượu, chất lượng rượu được nâng tầm lên rất nhiều. Rượu vẫn giữ được độ thơm ngon, nồng nàn mà tiết kiệm được thời gian, công lao động hơn so với nấu rượu bằng thủ công truyền thống.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Bình Trương Ngọc Lâm, địa phương đã tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất tại làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất nhiều chủng loại, xây dựng được thương hiệu và đáp ứng tiêu chí vệ sinh môi trường trong lao động, sản xuất. Hiện địa phương đã có 5 sản phẩm đặc trưng của làng nghề được chứng nhận OCOP và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Cuối năm cũng là dịp các làng nghề nước mắm truyền thống Gành Đỏ (TX Sông Cầu), Long Thủy (TP Tuy Hòa), Mỹ Quang (huyện Tuy An)… rộn ràng bước vào mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. Để đáp ứng nhu cầu tặng, biếu tết của khách hàng, các cơ sở nước mắm đã chiết nước mắm vào nhiều loại chai có mẫu mã, nhãn mác sang trọng, bắt mắt, đóng thành thùng quà tặng từ 6-12 lít, với giá dao động từ 50.000-150.000 đồng/lít tùy loại.
“Mỗi năm, cơ sở xuất bán hàng chục ngàn lít nước mắm ra thị trường các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Riêng mùa tết năm nay, cơ sở chủ động dự trữ sản lượng nước mắm đủ cung cấp cho thị trường, đảm bảo uy tín, chứ không vì số lượng mà giảm chất lượng”, ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ cơ sở nước mắm Mỹ Quang cho hay.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/323385/lang-nghe-tat-bat-vao-vu-tet.html