Làm giàu từ cây trồng và vật nuôi chủ lực
Từng bước tích tụ, quy hoạch diện tích đất gần 2 ha, đầu tư trồng cây hồ tiêu, cao su tiểu điền kết hợp chăn nuôi lợn, mỗi năm lãi ròng trên 500 triệu đồng, mô hình kinh tế này của gia đình chị Trần Thị Hương ở thôn Nam Cường, xã Trung Nam được xem là một trong những điển hình làm giàu từ cây trồng, vật nuôi chủ lực tại vùng nông thôn huyện Vĩnh Linh.

Chị Trần Thị Hương chăm sóc vườn hồ tiêu của gia đình -Ảnh: N.T
Với số vốn vay ban đầu 50 triệu đồng từ ngân hàng để mua đất, năm 2009, gia đình chị Hương bắt đầu trồng 400 cây cao su tiểu điền. Đến năm 2014, chị trồng thêm 800 gốc hồ tiêu. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm chị Hương nuôi thêm 3 lứa lợn thịt, tổng 60 con và trồng 6 sào lúa nước.
Cần cù, nỗ lực bám đất sản xuất, tích cực học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Hương phát triển ổn định. Năm 2017, do ảnh hưởng của bão làm 400 gốc hồ tiêu bị thiệt hại, không thể phục hồi, chị Hương quyết định đầu tư trồng mới và tiếp tục tăng số lượng cây hồ tiêu đến nay lên 1.500 gốc.
Nói về kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, chị Hương chia sẻ: “Xác định làm nông nghiệp phải chịu khó nên tôi luôn kiên trì, vừa làm vừa học hỏi dần, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhất là khi các loại dịch bệnh phát sinh, cần chú ý theo dõi và làm theo hướng dẫn, khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y để phòng trừ dịch bệnh hiệu quả”.
Một thành công trong quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình chị Hương là đã mạnh dạn dồn điền, đổi thửa tạo nên diện tích đất rộng, liền kề phục vụ nuôi, trồng theo quy mô lớn. Vừa thuận lợi trong cơ giới hóa, đồng thời nâng cao năng suất, sản lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó, dù có những năm thị trường giá cả các loại nông sản bấp bênh, xuống thấp, chị Hương vẫn không thay đổi đối tượng nuôi, trồng.
Đến nay, với 1.500 gốc hồ tiêu, 400 cây cao su đã cho khai thác, mỗi năm chị Hương xuất bán khoảng 3 tấn hạt tiêu khô, 3 tấn mủ cao su tươi và 60 con lợn thịt. Tính toán tổng nguồn thu, lợi nhuận từ mô hình, chị Hương cho biết: “Tùy theo giá cả thị trường, mỗi năm thu nhập có khác nhau, nhưng tính mức thấp nhất thì tổng nguồn thu từ cây cao su, cây hồ tiêu và chăn nuôi lợn, tôi thu về hơn 600 triệu đồng, trừ tất cả chi phí giống, phân bón, điện, nước, nhân công... gần 100 triệu đồng, còn lại lãi trên 500 triệu đồng. Mô hình cũng góp phần tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động ở địa phương”.
Đánh giá về mô hình nông nghiệp tổng hợp của hội viên phụ nữ trên địa bàn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 200 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ mang lại hiệu quả cao, thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Trong đó chủ yếu về sản xuất nông nghiệp tổng hợp.
Mô hình kinh tế của chị Hương là một trong những điển hình. Qua đây cho thấy phụ nữ vùng nông thôn đã ngày càng chủ động phát huy thế mạnh địa phương, xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực đầu tư sản xuất. Hội LHPN huyện Vĩnh Linh cũng luôn chú trọng công tác tham mưu, lồng ghép các dự án, chương trình và quản lý nguồn vốn ủy thác, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó hướng đến nhân rộng để ngày càng có thêm nhiều mô hình kinh tế triển vọng trong hội viên phụ nữ”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/lam-giau-tu-cay-trong-va-vat-nuoi-chu-luc-191814.htm