Bình Định xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 21/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh buổi gặp gỡ. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)
Chương trình này do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; thu hút khoảng 200 doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh giới thiệu tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt từ 8,5% trở lên và phấn đấu đạt mức 10%. Trong định hướng các lĩnh vực thu hút đầu tư, Bình Định mong muốn mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh... về hoạt động tại tỉnh.
Các lĩnh vực Bình Định ưu tiên mời gọi đầu tư, bao gồm 7 lĩnh vực là: Nông, lâm nghiệp, thủy sản (các nhà máy chế biến gia súc, gia cầm; chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng; chế biến thủy sản; chế biến nông, lâm sản). Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp (hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; các nhà máy sản xuất linh kiện, sản xuất và lắp ráp ô-tô; sản xuất động cơ điện chuyên dùng; sản xuất dây và cáp điện, thiết bị và phụ kiện điện; sản xuất mặt hàng thời trang và sản phẩm da giày cao cấp; các dự án năng lượng tái tạo). Thứ ba là lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics. Thứ tư là lĩnh vực du lịch. Thứ năm là lĩnh vực kinh tế đô thị (Khu đô thị Nam Đề Gi và Bắc Đề Gi; các khu đô thị phía đông Đầm Thị Nại, thành phố Quy Nhơn). Thứ sáu là lĩnh vực y tế, giáo dục (các dự án đầu tư bệnh viện quốc tế, trường liên cấp song ngữ quốc tế). Thứ bảy là lĩnh vực công nghệ thông tin (các dự án sản xuất phần mềm; trung tâm dữ liệu lớn; các dự án linh kiện bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).

Các đại biểu tìm hiểu những đặc sản của Bình Định tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: HOÀNG LIÊM)
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động, Bình Định đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, với tinh thần “giao thông đi trước mở đường”. Cụ thể, tỉnh hiện đang phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khá nhanh và hoàn chỉnh đồng bộ, với các trục đường hướng bắc-nam (cao tốc bắc-nam, Quốc lộ 1, đường sắt bắc-nam và đường ven biển cùng hệ thống đường kết nối Đông-Tây đã và đang được đầu tư hoàn thiện). Tỉnh phấn đấu đến ngày 31/3/2025 sẽ hoàn thành 4 tuyến đường: Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía tây đầm Thị Nại; Tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn); Tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP, kết nối với cảng Quy Nhơn; Tuyến đường tránh ĐT.633, đoạn từ núi Ghềnh đến đường ven biển (ĐT.639).
Tỉnh cũng đang nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; quy hoạch, thu hút đầu tư Khu bến cảng Phù Mỹ (dự kiến khởi công vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Định, ngày 31/3/2025). Đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát từng bước thành cảng hàng không quốc tế. Bình Định cũng luôn quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan. Đến nay, Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của tỉnh Bình Định đạt điểm xuất sắc và đứng hàng đầu cả nước. Thời gian thực hiện toàn bộ thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng không quá 118 ngày (rút ngắn được 124 ngày so với 242 ngày theo quy định), là một trong những địa phương có thời gian giải quyết thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng nhanh nhất cả nước…
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mục tiêu, tầm nhìn phát triển của tỉnh đến năm 2023 là trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch, cảng biển-logistics, đô thị hóa. Còn đến năm 2050, Bình Định là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không.