Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức lương đủ sống; giảm giờ làm cho người lao động
Tổ chức công đoàn cần tập trung xác định mức lương tối thiểu đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động, đồng thời đề xuất điều chỉnh vùng áp dụng tiền lương tối thiểu cho phù hợp.

Tiền lương thấp, tuyển dụng lao động ngày càng khó
Theo TTXVN, ngày 21/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành dệt may.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), 5 năm gần đây, việc tuyển dụng lao động ngày càng khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các ngành dịch vụ, thương mại, điện tử. Tình trạng biến động lao động xảy ra hằng năm với tỷ lệ bình quân từ 2 - 5%.
“Một trong những nguyên nhân là do mức thu nhập người lao động trong ngành dệt may còn hạn chế. Họ phải đối mặt với môi trường sản xuất có nồng độ bụi cao, ánh sáng và độ ồn chưa đảm bảo, không khí nóng ẩm.
Ngoài ra, cường độ làm việc trong ngành này cũng rất lớn với tình trạng tăng ca kéo dài và áp lực công việc cao…”, ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng, tổ chức Công đoàn cần tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động, Công đoàn, việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, bữa ăn ca… của công nhân lao động khu vực này.
Đặc biệt, tập trung xác định mức lương tối thiểu đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động, đồng thời đề xuất điều chỉnh vùng áp dụng tiền lương tối thiểu cho phù hợp.
Đề xuất giảm thời gian làm việc hằng tuần, tăng số ngày nghỉ hưởng lương
“Công đoàn cũng cần nghiên cứu, đề xuất giảm thời gian làm việc hằng tuần xuống dưới 48 giờ, tăng số ngày nghỉ hưởng lương nhằm đảm bảo phúc lợi tốt hơn cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với Ủy ban Quan hệ lao động xây dựng và ban hành các khuyến nghị về tiền lương, bố trí thời gian làm việc hợp lý, cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho công nhân”, ông Nguyễn Vinh Quang chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách, Pháp luật (Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ cấu tiền lương và mức thu nhập thực tế của người lao động đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét.
“Thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 6,5 - 6,8 triệu đồng/tháng, khiến việc đảm bảo mức sống tối thiểu trở nên khó khăn.
Do đó, việc điều chỉnh chính sách phải dựa trên số liệu thực tế để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cần có sự phối hợp giữa các cấp, từ doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…”, ông Nguyễn Thành Đô nêu ý kiến.
Đề nghị nâng cao chỉ tiêu đàm phán mức tăng lương hằng năm, ông Nguyễn Thành Đô nhấn mạnh, phương án chỉ tiêu tăng tối thiểu 4 - 5% mỗi năm hiện vẫn còn thấp so với mức lạm phát, đặc biệt là so với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8 - 10% ở các địa phương.
Cần nghiên cứu lại cơ chế tiền lương của lao động ngành dệt may từ góc độ chính sách
Để đảm bảo quyền lợi và ổn định đời sống công nhân lao động ở khu vục này, ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất nghiên cứu lại cơ chế tiền lương của lao động ngành dệt may từ góc độ chính sách.
Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, hầu hết người lao động ngành này đều làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng chưa được tính rõ điều kiện này trong cơ cấu tiền lương.
Hiện, tiền lương của người lao động ngành này vẫn chỉ căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Lương cơ bản thấp dẫn đến căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, ảnh hưởng đến các chế độ an sinh cho người lao động như: ốm đau, thai sản, hưu trí… cũng thấp theo.
Do vậy cần thương lượng để điều chỉnh tiền lương hằng năm với mức tối thiểu đạt 4 - 5% mới đủ bù lạm phát, cải thiện đời sống cho người lao động.
Đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bình quân người lao động ngành dệt may được nâng bậc lương sau 19 tháng làm việc.
Bình quân mỗi lần nâng lương có 61,6% lao động được nâng lương và mức nâng lương bình quân là 6% cho mỗi bậc lương (tức là mỗi năm tiền lương chỉ tăng 3,3%, không theo kịp lạm phát).
Dự báo trong năm 2025 có 71,3% doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng như năm 2024 và 22,6% doanh nghiệp tăng đơn hàng; 62,6% doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm lao động và 33,6% doanh nghiệp giữ nguyên số lao động hiện tại…
Đây là điều kiện thuận lợi để Công đoàn các cấp tập trung đẩy mạnh để thương lượng, đối thoại về tiền lương trong ngành dệt may.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề đảm bảo mức lương đủ sống cho người lao động; cơ cấu tổ chức của Công đoàn ngành dệt may tại Thành phố Hồ Chí Minh.../.