Làm giàu từ mô hình nông nghiệp tổng hợp

Anh Trần Văn Tuyên (Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Na Tranh, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) là người tích cực tham gia công tác xã hội, đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Tận dụng bóng mát và các loại hoa trong vườn, anh Trần Văn Tuyên (bên trái) đang nuôi 80 thùng ong, mỗi năm thu được khoảng 1.000 lít mật.

Tận dụng bóng mát và các loại hoa trong vườn, anh Trần Văn Tuyên (bên trái) đang nuôi 80 thùng ong, mỗi năm thu được khoảng 1.000 lít mật.

Xóm Na Tranh là vùng trọng điểm cây ăn quả ở xã Nam Hòa, với nhiều loại như bưởi, cam, ổi, táo… Ở Na Tranh những ngày này, bà con đang chuẩn bị thu hoạch bưởi; tiếp tục tỉa cành, bón phân, chăm sóc những vườn ổi từng bị ngập úng trong cơn bão số 3 vừa qua.

Anh Tuyên quê gốc ở Hưng Yên, là người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển vườn đồi kém hiệu quả sang cây ăn quả từ năm 2003. Với diện tích hơn 4.000m2, anh chia thành từng vùng tương ứng với mỗi loại cây như giống bưởi chua bản địa của Nam Hòa, ổi, bưởi diễn kết hợp nuôi ong, hoa cây cảnh.

Anh bảo: Ban đầu tôi trồng quất, cây trồng đặc trưng ở quê, sau đó chuyển dần sang bưởi diễn, táo. Theo thời gian, giá trị của các loại cây trồng ngày càng thấp nên tôi chuyển sang trồng các loại cây, nuôi ong như hiện nay.

Về cây ăn quả, ổi lê Đài Loan được anh Tuyên trồng nhiều hơn cả. Theo anh, giống ổi này có ưu điểm quả giòn, ngọt, ít hạt, năng suất cao, giá bán ổn định. Cây ổi có thời gian sinh trưởng phát triển nhanh, chỉ sau 9-10 tháng đã cho thu hoạch quả và sau đó có thể điều tiết cho ra quả quanh năm.

Chăm sóc cũng đơn giản, quả ổi sau khi ra được 3 tháng, anh sẽ tiến hành bọc lại để tránh ruồi vàng châm. Trong quá trình chăm sóc, anh bón phân hữu cơ sẽ bổ sung thêm kali cho ổi ngọt hơn. Những cây được trồng từ 2-3 năm nếu vào vụ chính có thể cho thu hoạch khoảng 4 tấn quả/sào/năm.

Với những gốc bưởi Diễn lâu năm, có tán cao, rộng, anh tận dụng bóng mát để nuôi ong. Ban đầu anh chỉ nuôi với số lượng nhỏ, sau thấy hiệu quả nên mở rộng thêm quy mô. Hiện, gia đình anh có 80 thùng ong, trung bình mỗi năm cho sản lượng khoảng 1.000 lít mật, giá bán 100.000-120.000 đồng/lít.

Điểm mới trong cách nuôi ong của anh Tuyên là áp dụng nuôi cầu kế hai trong một. Với cách làm này, khi khai thác mật, người nuôi ong chỉ cần nhấc mỗi bầu mật lên để quay, giúp ong không bị xáo trộn, hỗn loạn nên không bị ảnh hưởng đến bầu nhộng. Đồng thời có thể quay mật bất cứ lúc nào mà chất lượng vẫn tốt, không bị lẫn mật non.

Cùng với việc nuôi ong lấy mật, anh còn bán ong giống; cây giống với khoảng 10.000 cây/năm, chủ yếu là ổi.

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Trần Văn Tuyên (ở xóm Na Tranh, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) có khoảng 500 cây, cho thu hàng chục tấn quả mỗi năm, trong đó ổi lê Đài Loan được trồng nhiều nhất.

Vườn cây ăn quả của gia đình anh Trần Văn Tuyên (ở xóm Na Tranh, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) có khoảng 500 cây, cho thu hàng chục tấn quả mỗi năm, trong đó ổi lê Đài Loan được trồng nhiều nhất.

Với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp bán giống và nuôi ong như hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh Tuyên thu về khoảng 600 triệu đồng.

Đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Na Tranh (với 86 hội viên), anh Tuyên luôn đi đầu gương mẫu trong phát triển kinh tế; vận động nông dân thay đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời đề xuất, nhất là các nội dung, chương trình tập huấn; vận động bà con sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường, tham gia các mô hình kinh tế tập thể để liên kết, tạo vùng sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng quê mình…

Được sự định hướng quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại địa phương, tháng 8 vừa qua, anh vận động người dân thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xóm Na Tranh. Tổ hợp tác do anh làm Tổ trưởng, có 46 thành viên, với diện tích 15ha cây ăn quả, sản xuất theo quy trình VietGAP hướng đến hữu cơ.

Anh Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa, đánh giá: Anh Tuyên vừa là chi hội trưởng tiêu biểu trong công tác hội và phong trào nông dân, vừa là tấm gương phát triển kinh tế, được UBND huyện khen thưởng là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” năm 2023. Từ những tấm gương như anh Tuyên, cùng mô hình tổ hợp tác như ở xóm Na Tranh, chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng, phát triển vùng sản xuất chuyên canh nhằm xây dựng các sản phẩm có thương hiệu, giúp xã Nam Hòa phát triển về kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/lam-giau-tu-mo-hinh-nong-nghiep-tong-hop-4c401fa/