Làm giàu từ nuôi ngựa, trồng rau trái mùa trên 'vùng đất khó' Khau Tinh

Nhờ linh hoạt đa dạng các mô hình sản xuất, cùng hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, diện mạo kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Khau Tinh (Na Hang, Tuyên Quang), vùng đất có trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, đang có những thay đổi toàn diện.

Khau Tinh là xã thuộc Chương trình 135 của huyện Na Hang, địa hình núi cao, chia cắt mạnh, nằm xa trung tâm huyện. Gần 10 năm qua, xã đã chủ động lồng ghép các chính sách dân tộc, nông thôn mới, qua đó xây dựng thành công nhiều mô hình giảm nghèo bền vững.

Nhiều mô hình kinh tế điểm

Là một trong những hộ đầu tiên ở Khau Tinh triển khai mô hình chăn nuôi ngựa, anh Vi Văn Lượng, chia sẻ qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy mô hình nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân vùng cao, năm 2013 anh đến tỉnh Cao Bằng mua 3 con ngựa về nuôi.

Với nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu mát mẻ, ngựa phát triển tốt, ít bị bệnh. Lứa ngựa đầu tiên bán có lãi, gia đình anh Lượng quyết định trồng 1 ha cỏ VA 06 mở rộng quy mô chuồng nuôi, có thời điểm gia đình nuôi 26 con ngựa. Hiện anh duy trì chăn nuôi 6 con ngựa sinh sản.

Theo anh Lượng, ngựa dễ nuôi, ít bị bệnh, ngựa giống và ngựa thịt rất dễ bán, ở thời điểm trâu, bò xuống giá khó tiêu thụ thì ngựa vẫn có đầu ra ổn định. Thời điểm này, ngựa giống có giá 40 - 50 triệu đồng/con 2 năm tuổi. Nhận thấy mô hình nuôi ngựa hiệu quả, đã có 6 hộ trong xã phát triển mô hình nuôi ngựa với tổng đàn toàn xã hơn 40 con.

Mô hình chăn nuôi ngựa đang cho giá trị cao ở Khau Tinh.

Mô hình chăn nuôi ngựa đang cho giá trị cao ở Khau Tinh.

Tương tự, khi đến Khau Tinh, tìm hiểu về những tấm gương làm kinh tế giỏi, không thể không nhắc đến mô hình nuôi ngựa bạch thương phẩm của gia đình chị Lý Thị Thập, người dân tộc Dao.

Chị Lý Thị Thập chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y, với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị trở về địa phương lập nghiệp với mô hình chăn nuôi ngựa thương phẩm. Sau vài năm triển khai giống ngựa thường, chị chuyển sang nuôi ngựa bạch.

Đến nay, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng từ bán ngựa thương phẩm, ngoài ra, chị còn nuôi 6 con trâu vỗ béo.

“Nuôi ngựa bạch lãi cao nhưng cần phải có vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi cũng cần đảm bảo để tránh dịch bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong có thêm các nguồn lực hỗ trợ từ các cấp quản lý để các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, tiếp cận thêm các đối tác tiêu thụ, nâng cao giá trị”, chị Thập kiến nghị.

Thành công của gia đình chị Thập, đang truyền cảm hứng cho gần 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mô hình nuôi ngựa bạch theo hướng gia trại, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã Khau Tinh.

Điểm tựa từ các HTX

Một trong những đổi thay lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Khau Tinh là sự mở rộng về quy mô của các mô hình, tính liên kết cũng ngày càng được nâng lên. Minh chứng là ở Khau Tinh đang hình thành nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác.

Theo thống kê của UBND xã Khau Tinh, toàn xã hiện có 1 HTX và 3 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trồng trọt vẫn đang là lĩnh vực chủ lực, thu hút đông thành viên HTX, tổ hợp tác tham gia nhất, tạo nên những giá trị kép không chỉ về kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Khau Tinh đang là đơn vị đầu tàu trong phát triển mô hình trồng rau trái vụ trên địa bàn xã. Với 11 thành viên, hầu hết đều là người dân tộc Dao, HTX tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP từ giữa năm 2019, tổng diện tích canh tác hiện đạt trên 2 ha.

Sở hữu khu trồng rau an toàn rộng hơn 1.500 m2, chị Hoàng Thu Trang, thành viên HTX, cho hay gia đình triển khai mô hình trồng cải bắp từ năm 2019. Kết quả cho thấy, so với việc trồng lúa, thì trồng bắp cải cho lợi ích kinh tế cao hơn 3 – 5 lần.

Các HTX, tổ hợp tác đang là điểm tựa cho nhiều người dân làm giàu trên địa bàn xã Khau Tinh.

Các HTX, tổ hợp tác đang là điểm tựa cho nhiều người dân làm giàu trên địa bàn xã Khau Tinh.

“Trong quá trình thực hiện, cây bắp cải cho thấy sự thích nghi tuyệt vời. Trước đây, 1m2 đất trồng lúa sẽ cho thu hoạch khoảng 1kg hạt, bán với giá 6.000 đồng. Nay, cũng trên mảnh đất, các hộ có thể trồng được 4 cây bắp cải, bán với giá tối thiểu 5.000 đồng/cây”, chị Trang nhẩm tính.

Theo chị Trang, trồng rau theo quy trình VietGAP mất thời gian hơn so với trồng rau bình thường nhưng về chất lượng rau được đảm bảo an toàn, sạch, người mua cũng ưa chuộng hơn. Cây bắp cải trái vụ có giá bán bình quân 10.000 – 15.000 đồng/kg. Với thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm gia đình chị thu về trên 70 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ trồng rau bắp cải trái vụ, năm 2021, xã Khau Tinh tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, bước đầu đã hình thành hình thức liên kết trong tổ chức sản xuất giữa HTX, tổ hợp tác với người dân, tạo tiền đề xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tăng tốc về đích nông thôn mới

Những thành công trong quá trình xóa đói giảm nghèo đang tạo điểm tựa để xã Khau Tinh xây dựng nông thôn mới với mục tiêu về đích trong năm 2023.

Theo lãnh đạo UBND xã Khau Tinh cho biết, xã có 4 thôn với 375 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông, Tày sinh sống.

Từ việc lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vốn xây dựng nông thôn mới… nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn xã Khau Tinh có nhiều thay đổi.

Các công trình hạ tầng thiết yếu như trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng khang trang; hệ thống trạm truyền thanh thường xuyên phản ánh những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi tư duy của người dân.

Trước đây, người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp thì nay đã thay đổi tư duy sang sản xuất hàng hóa, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả lao động, tiêu biểu như mô hình trồng chanh, bưởi, rau trái vụ, mô hình nuôi ngựa, dê, trâu bò vỗ béo…

Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, xã Khau Tinh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và huy động vốn xã hội hóa, xây dựng công trình hạ tầng cơ sở.

Hiện, xã còn 29 nhà tạm, trong đó có 10 nhà được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới, còn lại 19 nhà đã tự bố trí kinh phí xây dựng nhà mới, phấn đấu đến hết năm 2023 xã không còn nhà tạm.

Đến nay, các tiêu chí nông thôn mới đã hoàn thành tốt của xã gồm quy hoạch, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin tuyên truyền, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội. Bên cạnh đó có những tiêu chí cần nhiều nỗ lực như giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, Khau Tinh sẽ quyết tâm về đích nông thôn mới vào cuối năm 2023.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/lam-giau-tu-nuoi-ngua-trong-rau-trai-mua-tren-vung-dat-kho-khau-tinh-1092357.html