Làm giàu từ tích tụ ruộng đất
Nhờ chủ động nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất của tỉnh, huyện để sản xuất nông sản hàng hóa, anh Phạm Tiến Dụng ở xóm 5, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã tiên phong thực hiện việc tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn để sản xuất
Nhờ chủ động nắm bắt chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất của tỉnh, huyện để sản xuất nông sản hàng hóa, anh Phạm Tiến Dụng ở xóm 5, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã tiên phong thực hiện việc tập trung ruộng đất thành cánh đồng lớn để sản xuất “đồng trà, đồng giống” mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vụ mùa năm 2021 là vụ thứ 8 liên tiếp, anh Dụng sản xuất trên vùng đất tập trung với quy mô hơn 20ha. Anh Dụng cho biết: Trước đây, tôi làm dịch vụ làm đất cho bà con trong xã nên rất hiểu đồng đất quê mình. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do giá vật tư tăng cao, sâu, bệnh hại phức tạp; nhiều bà con chuyển sang làm công nhân cho các doanh nghiệp có thu nhập ổn định hơn hoặc đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố lớn, không còn “mặn mà” với đồng ruộng ở quê. Phần lớn lực lượng lao động nông nghiệp còn lại là người già, trẻ nhỏ nên không gieo trồng, chăm sóc tốt cho cây trồng càng khiến năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí bỏ ruộng hoang. Nhận thấy đồng đất quê mình có thể mang lại giá trị cao hơn nếu được sản xuất theo quy mô, bài bản, khoa học, anh Dụng đã đề xuất nguyện vọng lên UBND xã Xuân Thượng để được thuê gom, tích tụ ruộng sản xuất quy mô lớn. Được các cấp chính quyền ủng hộ, anh Dụng đã chủ động phối hợp với Ban chi ủy Chi bộ xóm 5, Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ các xóm đến từng gia đình vận động bà con cho anh thuê lại diện tích ruộng của gia đình để tập trung thành vùng sản xuất quy mô lớn. Sau một thời gian dài kiên trì thuyết phục, vận động, dồn đổi, hàng trăm hộ gia đình ở các xóm 2, 5 và 6 đã đồng ý chuyển giao ruộng cho anh với quy mô hơn 20ha để chuyên sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm. Anh Dụng tâm sự: Có ruộng của hàng trăm hộ nên nhiều mảnh, cốt đất cao thấp không đều, nhiều bờ quai, bờ thửa phân ô nên phải đầu tư nhiều công sức, thời gian để chỉnh trang, kiến thiết lại đồng ruộng: phá bỏ những bờ thửa không cần thiết, đắp bờ mới, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, xử lý triệt để cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng… nhờ đó có thể đưa máy vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và thu hoạch. Ruộng tập trung lớn, một chủ nên anh Dụng có thể thực hiện chuyên canh lúa “đồng trà, cùng giống” và có rất nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Anh Dụng đầu tư hơn 2 tỷ đồng trang bị 1 máy cấy mạ khay, 2 máy làm đất, 1 máy gặt, xây dựng kho chứa và 1 lò sấy có công suất 12 tấn/mẻ; 1 giàn máy phun thuốc trừ sâu chuyên dụng có thể phun rộng 18m, giúp giảm đáng kể chi phí so với phun thủ công lại bảo đảm hiệu quả phòng trừ. Tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, để tiêu thụ sản phẩm, anh Dụng quy hoạch thành vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết ký với Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Toản Xuân và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Apolo (Hà Nội). Ruộng đất tập trung, có máy móc thiết bị nên anh Dụng chủ động hoàn toàn về cơ cấu mùa vụ. Vụ xuân dành 4ha sản xuất lúa giống Nếp Đài Loan để phục vụ gieo cấy. Vụ mùa, còn lại cấy lúa hàng hóa. Vụ mùa anh dành 14ha sản xuất lúa giống gồm Nếp cao sản và giống lúa thuần Hạt ngọc 9, diện tích còn lại cấy lúa thương phẩm. Nhờ được gieo cấy trong khung thời vụ và chăm sóc tốt, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định; toàn bộ lúa thương phẩm được các Công ty thu mua với giá bán theo hợp đồng thỏa thuận nên anh không phải lo tìm đầu ra mỗi vụ thu hoạch. Vụ mùa năm 2021, năng suất lúa bình quân đạt 180 kg/sào, với giá bán là 82 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã mang lại nguồn lãi hơn 400 nghìn đồng/sào, cao gấp hơn 2 lần so với cấy đại trà… Những mảnh ruộng hoặc bỏ hoang, hoặc trồng cấy cầm chừng trước kia giờ đã mang lại những mùa vàng trĩu bông.
Ngoài việc tập trung, tích tụ ruộng đất, tận dụng máy móc đã trang bị, anh Dụng thuê thêm lao động, đảm nhận dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch cho người dân trong và ngoài xã. Chỉ tính riêng các dịch vụ này, bình quân mỗi vụ anh Dụng có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Nhờ có nhiều ruộng đất, biết đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, gia đình anh Phạm Tiến Dụng đã làm giàu từ trồng lúa, với thu nhập bình quân hàng năm từ 300-350 triệu đồng. Từ thành công này, anh Dụng đang tiếp tục vận động các hộ dân trong xã có ruộng liền kề với vùng cánh đồng lớn của anh để tích tụ thêm nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Dụng còn giúp tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương khi vào vụ gieo cấy hoặc thu hoạch; nhiều hộ nông dân khác trong thôn, xóm cũng có kinh tế ổn định hơn thông qua việc liên kết sản xuất với gia đình anh.
Hiệu quả kinh tế - xã hội mà mô hình tích tụ ruộng đất mang lại đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương nếu biết khai thác tốt tiềm năng đất đai và có phương thức sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, theo anh Dụng, sản xuất nông nghiệp hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết, khí hậu, sâu, dịch hại, vì thế người nông dân mong muốn các cấp chính quyền có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hóa bền vững./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202112/lam-giau-tu-tich-tu-ruong-dat-2548219/