Lam Kinh, một ngày nắng
Bình minh lên, chúng tôi tạm xa những ồn ã, bộn bề lo toan, để hành trình đến với xứ Thanh. Một ngày nắng đằm thắm, dịu dàng, nơi mùa xuân còn ấm áp dưới vòm cây xanh mướt, mang trong mình những hồi ức lịch sử cha ông.
Theo dòng sông Chu, theo con đường lịch sử, chúng tôi đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh - một biểu tượng của sự kiên cường của người nước Nam chống lại sự thống trị ngoại bang phương Bắc ở thế kỷ XV.
Mỗi ngày bắt đầu bằng những tiếng ve kêu râm ran bên những cánh rừng già, những đám cỏ lau rung rinh dưới làn gió nhẹ. Lam Kinh, cội nguồn của lòng yêu nước và tinh thần độc lập. Tháng tư về như thêm sáng lên các công trình kiến trúc độc đáo, tinh xảo, dáng dấp của một thời vàng son, vẫn tỏa sáng như một viên ngọc quý giữa lòng đất Việt.
Trở về với nguồn cội, về với những câu chuyện đan xen, quấn quyện, kết nối không gian, dắt nối thời gian, đến cả bây giờ và mai sau, để góp phần làm nên cái đẹp và thêm sáng tạo...
“Núi Lam Sơn dấy nghĩa/ Chốn hoang dã nương mình” trong "Bình Ngô đại cáo" một thủa vẫn sừng sững nơi đây khẳng định chứng nhân của cuộc kháng chiến gian khó nhưng hào hùng suốt 10 năm ông cha ta giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, trái tim cả dân tộc hòa mình đồng điệu, quyết giành độc lập, tự do. Trải qua bao gian khó, những người con bất khuất đã nối gót cha ông gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định lòng yêu nước và trí tuệ Việt Nam.
Về đi em, để khắc ghi, tưởng nhớ, tôn vinh nguồn cội, triệu tấm lòng hướng về núi chúa, Hội thề Lũng Nhai vọng lời mười tám vị anh hùng quanh thanh gươm thần quyết đòi lại giang sơn.
Về đi em, về với nơi đây để thêm cảm kích cảnh khoác chiến bào lên vai Lê Lai quên mình cứu chúa, để từ đó thành bất tử, hóa thân vào sử xanh cho hậu thế muôn đời soi sửa.
Lịch sử là chiếc gương soi cho hậu thế thêm tỏ tường về tinh thân nhân nghĩa. Ấy là khi quân Minh bị vây hãm trong thành Đông Quan, Lê Lợi và Nguyễn Trãi vẫn trung thành với đường lối nhân nghĩa, không hiếu sát mà hiếu sinh.
Bia Vĩnh Lăng, khe Ngọc, cầu Bạch, hồ Tây, núi Dầu, rừng Phú Lâm và cây đa thị hàng trăm năm tuổi vẫn sừng sững soi bóng xuống sông Chu - dòng sông thi ca và lịch sử, để rồi cùng hòa nhịp vào tích trò Xuân Phả, tổ khúc múa đèn Đông Anh làm giầu thêm văn hóa Việt, tô đẹp mảnh đất xứ Thanh.
Dòng máu Lạc Hồng vĩnh hằng với không gian, thời gian huyền thoại để dệt nên sự kỳ vĩ về dòng giống, về huyền tích sinh sôi lớp lớp người mở mang cõi bờ, khai khẩn, trồng cấy, giữ đất, hướng biển, hướng thiên....
Ngày nay, những người con của vùng đất Lam Kinh vẫn giữ phong tục, nếp sống truyền thống của dân tộc. Họ sống giản đơn, chân thành và luôn biết quý trọng những gì mình có.
Cuộc sống trên đất Lam Kinh dường như chậm lại, con người tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, cảm nhận và thụ hưởng những giá trị văn hóa sâu sắc của địa phương. Ta không chỉ học hỏi được sự kiên nhẫn, sự chăm chỉ, mà còn được truyền đạt những giá trị tinh thần cao quý từ chính nơi này.
Về với cội nguồn lịch sử, để tâm hồn an nhiên, bình dị.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/lam-kinh-mot-ngay-nang/30741.htm