Làm kinh tế từ... rơm rạ
Các mô hình thí điểm của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha) đang có nhiều tín hiệu tích cực. Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chí trong quá trình gieo trồng, thì vấn đề đưa rơm rạ ra khỏi đồng ruộng và phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm rạ đảm bảo phát thải thấp, tăng trưởng xanh đang được ngành nông nghiệp chú trọng.
Những tín hiệu tích cực
Một ngày giữa tháng 6, dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng 50ha đang thực hiện thí điểm trồng lúa theo mô hình của Đề án 1 triệu ha, ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến, ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ vui mừng trước những tín hiệu tít cực thấy rõ trên ruộng lúa: “Sau hơn 70 ngày gieo sạ, hiện lúa trổ rất đẹp, bông to. Năm nay nhiều cánh đồng khác đang bị bệnh vàng lá nhưng khu vực cánh đồng đang thực hiện thí điểm theo Đề án tương đối an toàn. Từ trước khi trổ bông đến sau trổ bông chúng tôi chỉ mới xịt thuốc 2 lần để phòng đạo ôn và lem lép hạt. Ngoài phân được vùi trong đất lúc gieo sạ, hiện, chúng tôi chỉ mới bón phân 2 lần trong khi trước đây phải bón đến 4 lần. Tính ra, mỗi hécta giảm được 80 đến 100kg phân.
“Lúc vận động các hộ dân tham gia vào 50ha của mô hình thí điểm rất khó khăn. Có những hộ đến ngày chốt sổ lại, họ lại xin ra khỏi mô hình thí điểm. Theo đề án, gieo sạ chỉ khoảng 60kg lúa giống/ha, trong khi trước giờ nông dân gieo sạ từ 120kg lúa giống/ha. Giảm lượng giống xuống quá nhiều, nhiều nông dân còn băn khoăn vì sợ giảm năng suất lúa. Nhưng sau 30 ngày gieo sạ, nhiều hộ khác nhìn vào lại muốn đăng ký tham gia. Đến nay, nếu tăng diện tích thí điểm mô hình vào mùa sau lên 100ha, cũng sẽ có hộ dân tham gia” - ông Khải nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho biết, Viện thường xuyên kiểm tra, lấy số liệu về nông học tại mô hình thí điểm: “Khảo sát một số bà con nông dân ở đây, vụ Hè Thu năm trước canh tác theo quy trình của Đề án 1 triệu ha, tăng trưởng cây lúa khá cao và theo đánh giá của các nhà chuyên môn về lấy số liệu nông học cũng rất đạt so với các các vụ trước” - ông Hiếu thông tin.
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, ngoài mô hình thí điểm tại HTX Thuận Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) lựa chọn 4 mô hình thí điểm khác tại Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Đây là những địa phương đại diện cho những vùng phù sa, phèn mặn, nước mặn để làm mô hình điểm bắt đầu ngay từ vụ Hè Thu năm 2024. Sau đó, kết quả của các mô hình thí điểm sẽ là cơ sở nhân rộng cho Đề án.
Tận dụng rơm rạ, vỏ trấu để tăng thu nhập
Theo thống kê, tổng lượng rơm rạ mỗi năm ở ĐBSCL khoảng 24,4 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 7,4 triệu tấn rơm rạ (xấp xỉ 30%) được thu gom, di chuyển khỏi đồng ruộng. Phần lớn nông dân sẽ vùi rơm vào đất hoặc đốt đồng. TS Nguyễn Văn Hùng - Chuyên gia khoa học cao cấp của IRRI, cho rằng đốt rơm rạ gây ra ngộ độc và ô nhiễm. Nông dân trồng lúa có thói quen này bởi nhiều lý do.
“Lý do đầu tiên là thời gian quay vòng giữa hai vụ liên tiếp ngắn. Do thời gian quay vòng giữa hai vụ quá ngắn, nông dân không đủ máy thu hoạch rơm rạ, thu hoạch xong cũng không bán đi đâu được. Thiếu dịch vụ thu gom rơm rạ do máy thu gom ít, không phải chỗ nào cũng có và giá bán rơm quá thấp nên nông dân chọn đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường” - ông Hùng phân tích.
Giám đốc HTX Thuận Tiến Nguyễn Cao Khải chia sẻ thêm, canh tác lúa theo Đề án 1 triệu ha, nông dân phải sản xuất theo một số tiêu chí như: sử dụng giống xác nhận, giảm lượng lúa giống gieo sạ; áp dụng quản lý nước ngập khô xen kẽ, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân... Đặc biệt là phải đưa rơm rạ ra khỏi cánh đồng, không chôn vùi rơm rạ xuống ruộng để giảm phát thải. “Việc thu gom rơm rạ từ đồng ruộng để làm phân hữu cơ không những tăng giá trị rơm rạ, mà còn giảm phát thải khí nhà kính so với cày vùi rơm vào ruộng ngập nước. Tuy nhiên, trước nay, việc ủ phân hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn. Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vừa bàn giao cho HTX máy trộn phân hữu cơ tự hành. Để có thêm thu nhập, sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi sẽ dùng rơm để trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm thì chúng tôi sử dụng số rơm này để làm phân hữu cơ” - ông Khải thông tin.
Còn ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, việc di chuyển rơm đi khỏi đồng ruộng là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng để đáp ứng được việc sản xuất lúa giảm phát thải. Việc di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Đề án 1 triệu ha là giải quyết những vấn đề về phát thải thấp, tăng trưởng xanh. Tại Festival Quốc tế ngành hàng Lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, chúng ta có thể thấy có rất nhiều máy thu gom rơm rạ ở đồng ruộng vào cả mùa mưa. Điều đó cho thấy, tiềm năng, năng lực di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng là hoàn toàn có thể thực hiện được. Đạt được 2 mục tiêu, di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng để giảm phát thảỉ, đồng thời, sử dựng rơm này để tái tạo cho các chương trình tiếp theo trong nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh” - ông Tùng thông tin.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cho rằng từ thực tế mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã triển khai tại TP Cần Thơ, nếu nông dân tận dụng các sản phẩm từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân hữu cơ từ bã nấm rơm, trồng lúa sử dụng phân hữu cơ thì tổng thu nhập lên tới 133,5 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nếu trồng lúa truyền thống không tận dụng rơm, người nông dân có tổng thu nhập 86 triệu đồng/ha/năm.
VƯỢT QUA THÁCH THỨC ĐỂ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG PHÁT TRIỂN
Thông tin tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL ” tổ chức tại Cần Thơ cho biết, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSCL năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Một số dự án đầu tư lớn có thể kể đến: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại Long An, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng An; Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong; Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau…Thời gian tới, Bộ NNPTNT mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mới như: Công nghệ sinh học; chế biến nông lâm thủy sản, dược liệu, tinh chế muối; sản xuất máy, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Theo Bộ NNPTNT, Vùng ĐBSCL đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây. Vùng này đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, vùng kinh tế ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-kinh-te-tu-rom-ra-10283950.html