Làm mẹ của 3 đứa con ở tuổi 21 vì nhiều lần bị xâm hại

Sống sót sau nhiều lần bị xâm hại và ngược đãi, Sisi mất niềm tin vào cuộc sống nhưng buộc phải kiên cường hơn vì các con.

Sisi (tên ẩn danh) không bao giờ mặc lại quần áo phụ nữ. Nó quá nguy hiểm.

Cô gái 21 tuổi gặp phóng viên của Sixth Tone bên ngoài nhà máy nơi mình đang làm việc, ở Đông Quan, Trung Quốc. Sau 5 năm kể từ vụ bị xâm hại, giờ đây, Sisi hoàn toàn khác. Cô nổi bật giữa đám đông công nhân nghỉ ca lúc 20h.

Cô cắt tóc ngắn, che khuyết điểm cơ thể bằng chiếc sơ mi rộng thùng thình và quần jean. Chân cô đi đôi giày lười da nam. Cô nói bộ trang phục này giúp bản thân né tránh sự chú ý không mong muốn từ nam giới.

“Tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều theo cách này”, Sisi tâm sự với Sixth Tone. Lời bộc bạch của cô là sự nhắc nhở cho những tổn thương không thể phai mờ sau ký ức kinh hoàng mà Sisi đã trải qua. Nhiều thứ không thể quay trở lại được nữa.

 Sisi đi dạo với con gái nhỏ tại một công viên ở Bắc Kinh vào ngày 7/6/2016. Ảnh: Han Meng/Sixth Tone.

Sisi đi dạo với con gái nhỏ tại một công viên ở Bắc Kinh vào ngày 7/6/2016. Ảnh: Han Meng/Sixth Tone.

Nỗi đau dài

Sisi là một trong số nhiều nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn ở độ tuổi trẻ vị thành niên tại Trung Quốc. Năm 2012, khi Sisi còn là bé gái 11 tuổi, cô đã mang thai. Đó là kết quả của nhiều lần bị xâm hại. Thủ phạm là gã đàn ông 74 tuổi, sống cùng làng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Tháng 4/2013, một tháng trước khi Sisi sinh đứa con đầu lòng, gã bị kết án 12 năm tù. Vụ án trở thành vấn đề nổi cộm, hàng loạt ý kiến, quan điểm, tranh luận liên quan. Sau vụ án của Sisi, tờ People’s Daily đưa ra ánh sáng thêm 8 trường hợp khác liên quan bị tấn công tình dục khi còn ở độ tuổi vị thành niên.

Làn sóng phẫn nộ dấy lên trong cộng đồng người dân Trung Quốc. Vấn đề trẻ vị thành niên bị xâm hại được quan tâm hơn bao giờ hết. Vài tuần sau, hơn 100 nhà báo nữ đã cùng nhau thành lập Tổ chức Bảo vệ bé gái, lên án và bảo vệ những nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục trẻ em.

 Sisi trong cuộc phỏng vấn với Sixth Tone tại khách sạn ở Đông Quan, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 4/3. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Sisi trong cuộc phỏng vấn với Sixth Tone tại khách sạn ở Đông Quan, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 4/3. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Nhưng khi đó, thử thách của Sisi vẫn chưa kết thúc. Sau khi sinh con, gia đình gửi Sisi đến Thâm Quyến, nhờ người đàn ông họ Xia, quản lý nhiều trường mẫu giáo của thành phố, chăm sóc. Bi kịch lần nữa ập đến. Cô mang thai lần thứ 2.

Sisi tố cáo Xia xâm hại cô. Năm 2015, khi vừa tròn 14 tuổi, cô sinh đứa con thứ hai. Sự việc một lần nữa khiến công chúng và giới báo chí giận dữ. Nhiều nhà báo đến quê hương của Sisi ở Hồ Nam. Điều đáng nói, Xia chưa từng bị xử lý. Cáo buộc của Sisi bị lờ đi.

Lai Weinan, luật sư đại diện cho Sisi trong vụ án, nói: “Chúng tôi báo cáo vụ việc vào năm 2015 và chỉ ra xét nghiệm DNA sẽ dễ dàng chứng minh người đàn ông đó là hung thủ. Nhưng cảnh sát Thâm Quyến chỉ nói họ hiểu tình hình và sẽ theo dõi. Và họ chẳng làm bất kỳ điều gì. Vụ việc cuối cùng bị bác bỏ vì thiếu bằng chứng”.

Phóng viên Sixth Tone liên lạc với văn phòng cảnh sát Thâm Quyến và nhận được câu trả lời vụ án bị đóng lại do thiếu bằng chứng. Đồng thời, người chịu trách nhiệm cuộc điều tra cũng không còn công tác tại đơn vị này.

Sisi có thể yêu cầu cảnh sát mở lại cuộc điều tra. Nhưng cô quyết định không làm vậy. Bởi còn nhiều thứ chờ đợi ở phía trước, Sisi sẽ sống tiếp cuộc đời của mình. Nhưng cách xử lý vụ án khiến cô gặp tổn thương lâu dài.

Theo luật sư Lai, Sisi bị khước từ công lý và không nhận được sự hỗ trợ cần thiết. “Nó có thể thay đổi cuộc đời của một nạn nhân. Với Sisi, cô ấy đã mất niềm tin vào mọi người xung quanh sau vụ việc này”, ông Lai chia sẻ.

 Sisi đang làm việc trong nhà máy với mức lương 4.000 nhân dân tệ một tháng. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Sisi đang làm việc trong nhà máy với mức lương 4.000 nhân dân tệ một tháng. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Quá khứ không muốn nhìn lại

Sự thiếu hiểu biết từ gia đình là nguyên nhân khiến nỗi đau chồng nỗi đau trong suốt 5 năm. Khi còn là bé gái, Sisi phải tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ cô có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và Sisi phải chịu bạo hành từ nhỏ. Sau khi Sisi bị xâm hại, họ nhanh chóng đổ lỗi cho con gái.

Thời điểm Sisi rời Hồ Nam để tới nơi trú ẩn khác tại Bắc Kinh và sinh con thứ 2, người cha đã buông lời cay nghiệt: “Mày chỉ toàn mang tới sự xấu hổ cho gia đình”.

Càng trưởng thành, Sisi càng không muốn dựa dẫm vào người khác. Phóng viên của Sixth Tone gặp cô lần đầu vào năm 2016, khi đó, cô đang sống cùng đứa con thứ 2 - khoảng 10 tháng tuổi - trong ngôi nhà nhỏ của tổ chức từ thiện Children Hope Foundation ở Bắc Kinh. Các nhân viên xã hội sắp xếp lớp đào tạo nghề cho Sisi và hứa sẽ giúp cô tìm việc.

Nhưng cô đã không đi theo con đường đó. Tháng 6/2018, Sisi quyết định rời khỏi nơi trú ẩn vì không muốn phụ thuộc vào các thầy cô dạy nghề. “Đôi khi, tôi hối hận vì còn quá trẻ và bốc đồng. Nhưng quá khứ là quá khứ. Bây giờ, tôi đã trưởng thành, phải có niềm tin vào bản thân. Tôi phải kiếm tiền để nuôi con”, cô gái tâm sự.

Sau khi trở về nhà ở Hồ Nam, mối quan hệ của Sisi với cha mẹ ngày càng xấu đi. Cha cô, Li Chunsheng, vẫn giữ thái độ cay nghiệt. “Tôi làm tài xế giao hàng, ông thậm chí còn hỏi tôi có thực sự giao đồ ăn không hay dịch vụ bẩn thỉu nào khác”, cô nhớ lại.

Cùng lúc, ông Li nung nấu ý định cho con gái kết hôn. Hậu quả để lại sau những lần bị xâm hại khiến cô bị viêm vùng kín nặng. Bởi vậy, cô thường xuyên phải nhập viện. Thời điểm Sisi phải nằm viện một tháng vì sốt dai dẳng, ông Li bí mật “rao bán” con gái cho một số đàn ông trong làng.

“Rất nhiều đàn ông độc thân ở đây đang tìm vợ. Họ đều biết về quá khứ của con gái tôi nhưng người mai mối vẫn tới nhà chào mời. Một gia đình thậm chí còn hứa gửi tiền sính lễ 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD) để Sisi cưới con trai họ”, Li trả lời phỏng vấn của Sixth Tone.

Quá phẫn nộ trước hành động của cha mình, Sisi đã phản đối bằng cách ở với người đàn ông xa lạ ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên mà không về nhà. Đứa con thứ 3 chào đời, là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Sisi và anh ta. Họ chưa kết hôn hợp pháp vì cô chưa đủ tuổi.

“Anh ấy hơn tôi 18 tuổi, nhưng rất tốt với tôi. Bố mẹ anh ấy cũng vậy. Khi nhìn thấy cách cha mẹ chồng chăm sóc con trai tôi, tôi mới cảm nhận được tình yêu”, Sisi nói. Cô hạnh phúc với người bạn đời. Nhưng quá khứ bị xâm hại vẫn là thứ ám ảnh cô. Trong công việc, Sisi thường né tránh đồng nghiệp khác giới và chỉ trò chuyện, tiếp xúc phụ nữ.

 Khung cảnh bên ngoài khách sạn nơi Sisi và Sixth Tone thực hiện cuộc phỏng vấn ngày 4/3. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Khung cảnh bên ngoài khách sạn nơi Sisi và Sixth Tone thực hiện cuộc phỏng vấn ngày 4/3. Ảnh: Jiang Yanmei/Sixth Tone.

Bỏ lại quá khứ

Về phần mình, Sisi không muốn sống lại quá khứ. Mới 21 tuổi, cô đã là mẹ của 3 đứa con và điều duy nhất cô quan tâm đó là các con được lớn lên trong môi trường an toàn, lành mạnh.

“Tôi không muốn con trải qua bất kỳ điều gì mà tôi đã từng chịu đựng”, bà mẹ tâm sự.

Sisi lo lắng cho con gái lớn, Yanyan. Cô con gái sống với ông bà ngoại nhiều năm nhưng giờ đây đang ở trong một trường nội trú. “Yanyan sống rất nội tâm. Mỗi lần nhìn thấy con, tôi như thấy chính mình. Không ai trong chúng tôi nói ra bất kỳ điều gì và giữ lại cho riêng mình. Nhưng đó cũng là thứ khiến tôi lo lắng khi con xa gia đình, vào trường nội trú”, Sisi bộc bạch.

Cha ruột của Sisi khẳng định ngôi trường có đủ điều kiện vật chất và an toàn để bảo vệ Yanyan. Nhưng mức học phí 4.500 nhân dân tệ mỗi kỳ là quá đắt đỏ với gia đình. Li không có công việc toàn thời gian, mỗi tháng, ông chỉ nhận được 500 nhân dân tệ nhờ phúc lợi xã hội. Tiền học của Yanyan chủ yếu phải phụ thuộc vào cha mẹ gửi.

Sisi định kết hôn trong năm nay, sau đó, chuyển các con vào hộ khẩu. Gia đình 5 người sẽ sống cùng nhau. Các con sẽ theo học những trường công lập bình thường và trở về nhà gặp cha mẹ vào mỗi tối.

Bà mẹ 21 tuổi cũng đang nỗ lực để độc lập về tài chính. Từ cuối tháng 2, cô đã sống một mình ở Đông Quan, làm nhân viên kiểm tra chất lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy. Hiện tại, công việc này kéo dài từ 8-20h, 6 ngày một tuần với mức lương 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

“Tôi muốn gắn bó với công việc này để có thu nhập ổn định. Tôi cần tiết kiệm cho bản thân và con cái”, bà mẹ nói. Lướt qua những đoạn video ngắn về các con trên điện thoại, Sisi không giấu nổi nụ cười.

Đôi khi, cô thừa nhận, bản thân không chắc mình đã làm tròn trách nhiệm với các con hay chưa. “Tôi làm mẹ của 3 đứa con ở tuổi 21 vì nhiều lần bị xâm hại. Nhiều lúc, tôi mắng các con khi chúng không trung thực hoặc lấy đồ của người khác mà không được phép. Đó là lúc tôi cảm thấy giống mẹ của chúng nhất. Nhưng hầu hết thời gian, tôi giống chị gái của các con hơn, cùng chúng trưởng thành”, Sisi tâm sự.

Nhiều thay đổi về luật pháp tại Trung Quốc

Kể từ vụ án của Sisi, hệ thống tư pháp Trung Quốc bắt đầu xem xét và trừng phạt trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục nghiêm khắc hơn. Từ năm 2013, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin có 125 trường hợp tương tự. Sau đó, số lượng các vụ xâm hại bé gái tăng lên hơn 300 nạn nhân mỗi năm.

Vào năm 2016, giới chức Trung Quốc ban hành đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương - đặc biệt là những trẻ bị cha mẹ bỏ lại ở nông thôn do phải tới thành phố làm việc. Sau đó 2 năm, biện pháp chống lạm dụng tình dục trong hệ thống giáo dục được thực hiện.

Năm 2020, chính quyền Trung Quốc ban hành cơ chế báo cáo bắt buộc về lạm dụng trẻ em. Chính sách này yêu cầu người tiếp xúc gần trẻ vị thành niên, gồm giáo viên, chuyên gia y tế, nhân viên khách sạn, nhân viên xã hội, phải báo ngay mọi hành vi nghi ngờ lạm dụng; cảnh sát phải mở cuộc điều tra ngay lập tức.

 Một bé gái bị xâm hại tình dục cầm bức họa mà em vẽ. Ảnh chụp tại nhà riêng của em ở Pingdingshan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào ngày 13/5/2014. Ảnh: VCG.

Một bé gái bị xâm hại tình dục cầm bức họa mà em vẽ. Ảnh chụp tại nhà riêng của em ở Pingdingshan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào ngày 13/5/2014. Ảnh: VCG.

Theo Zheng Ziyin, Phó giám đốc Ủy ban Bảo vệ trẻ vị thành niên của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc, các quy định mới đã tạo ra sự khác biệt, nhất là tại trường học. Năm 2020, chính quyền tỉnh Hồ Nam đã đưa cáo buộc hình sự với 2 hiệu trưởng vì không báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy vẫn còn nhiều vụ lạm dụng trẻ em không được báo cáo. Từ năm 2017 đến giữa 2019, tòa án Trung Quốc đã xử lý 8.332 vụ lạm dụng tình dục trẻ em, tăng nhẹ so với 7.610 vụ trong giai đoạn 2013-2015.

Nhưng với Sisi, các điều luật mới chưa đủ để bảo vệ những bé gái, phụ nữ khỏi bị xâm hại. “Bạn có tin tất cả kẻ xấu đã biến mất? Quy định mới sẽ khiến họ sợ hãi? Tôi không nghĩ vậy”, cô gái thẳng thắn.

Sự thật là nhiều định kiến vẫn còn tồn tại với các nạn nhân nữ của những vụ xâm hại tình dục. Các cô gái thường bị đổ lỗi, khiến họ sống với vết sẹo tình cảm, tâm lý sâu sắc. Theo ông Zheng, các nạn nhân đa số ở nông thôn và người thân thường gặp khó khăn khi giành quyền lợi cho con em mình. Điều đó khiến các nạn nhân càng khó chữa lành vết thương.

Bảo Hân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-me-cua-3-dua-con-o-tuoi-21-vi-nhieu-lan-bi-xam-hai-post1203426.html