Làm mẹ đừng lo tụt lại phía sau
Làm mẹ là bước vào một hành trình không bằng cấp, không tăng lương, không khen thưởng nhưng lại đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, thể lực, cảm xúc và cả chính mình.
Khi một người phụ nữ rời khỏi công việc, tạm ngưng những cuộc họp, deadline, những lần "chạy số" để ở nhà cùng con, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy con nói lời đầu tiên thì thế giới ngoài kia không dừng lại. Bạn bè thăng tiến, đồng nghiệp cũ mở công ty riêng, khoe thành tích nọ, thành tích kia lên mạng xã hội. Và giữa những giờ trưa lặng lẽ bên mâm cơm nguội, người mẹ ấy bỗng tự hỏi: "Mình có đang tụt lại phía sau không?"
Cảm giác hụt hẫng khi ở nhà chăm con trong khi bạn bè không ngừng thăng tiến là một nỗi buồn âm thầm, sâu kín nhưng rất thật. Nhiều người mẹ không dám nói ra sợ bị đánh giá là “yếu đuối” hay “than thân trách phận”.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, não bộ người mẹ thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc đời vào thời kỳ mang thai và sau sinh, thậm chí còn sâu sắc hơn cả tuổi dậy thì.

Ảnh minh họa
Chuyên gia Anh Nguyễn, Ủy viên cấp cao của Hiệp hội Dinh dưỡng và Y học lối sống Vương Quốc; nhà nghiên cứu lâm sàng và trưởng dự án nghiên cứu “Chương trình 1000 ngày đầu đời" cho biết, sự thay đổi này diễn ra qua quá trình gọi là synaptic pruning — não bộ "cắt tỉa" những liên kết không còn cần thiết để xây dựng mới các kết nối giúp mẹ thích nghi với vai trò chăm sóc và bảo vệ con. Bộ não bắt đầu bồi đắp những mạng lưới thần kinh mới, mạnh mẽ hơn để mẹ phát triển một dạng trí thông minh đặc biệt: trực giác làm mẹ.
"Nhờ có điều này, người mẹ có thể nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm, trở nên thấu cảm sâu sắc với cảm xúc non nớt của trẻ. Người mẹ trưởng thành hơn, biết tư duy phản biện tốt hơn, hiểu hơn về yêu thương và hy sinh", chuyên gia Anh Nguyễn nói.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, những thay đổi này không chỉ tồn tại trong vài tháng đầu đời của con, mà còn kéo dài nhiều năm sau sinh, giúp người mẹ sau này có thể trở thành những người bà tuyệt vời, tiếp tục bảo vệ và chăm sóc thế hệ kế tiếp.
Thành tựu của người mẹ
Không phải ai cũng đang tiến về phía trước theo cùng một cách. Thành tựu không chỉ đo bằng lương, chức danh, hay danh tiếng, thành tựu của người mẹ là sự hy sinh, nuôi dưỡng và xây dựng một con người khác từ những năm tháng đầu đời.
Làm mẹ là một hành trình nhiều tầng lớp. Đó không chỉ là chăm sóc con, mà còn là học lại cách yêu thương bản thân, phát triển kỹ năng, định hình lại giá trị sống, và đôi khi là tái sinh chính mình.
Có những chiến thắng thầm lặng như giúp con qua cơn sốt đêm khuya, dạy con nói lời tử tế đầu tiên, giữ cho gia đình ổn định mà chỉ người trong cuộc mới hiểu đó là một "chiến công".
Làm mẹ không phải là tụt hậu. Bạn chỉ tạm dừng một cuộc đua để vun đắp một điều sâu sắc hơn. Bạn không mất đi giá trị bản thân, bạn chỉ đang dồn nó vào một vai trò mới thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng. Làm mẹ không lấy đi sự phát triển của bạn, nó chỉ làm bạn phát triển theo một hướng khác bền bỉ hơn, giàu cảm xúc hơn và đôi khi cũng… can đảm hơn.

Ảnh minh họa
Cách để người mẹ vừa chăm con, vừa mở cửa ra thế giới
Làm mẹ không có nghĩa là đóng khung cuộc sống trong bốn bức tường. Ngay cả trong những năm tháng chăm con tưởng chừng đơn điệu nhất, mẹ vẫn có thể mở rộng tâm hồn, làm giàu tri thức, cùng con khám phá thế giới bằng những cách giản dị mà kỳ diệu.
Đọc sách thiếu nhi song ngữ: Khi mẹ cất tiếng đọc cho con nghe những câu chuyện bằng hai thứ tiếng, không chỉ ngôn ngữ của trẻ được nuôi dưỡng, mà chính trí tưởng tượng và khả năng tư duy ngôn ngữ của mẹ cũng được làm mới mỗi ngày.
Cùng con làm "dự án nhỏ" mỗi tháng: Một cây non trồng trong chậu, một món ăn mới thử nghiệm, hay một thí nghiệm khoa học đơn giản… những dự án nhỏ ấy dạy trẻ kỹ năng khám phá, đồng thời cho mẹ cơ hội cùng con nhìn thế giới bằng ánh mắt ngạc nhiên và tươi mới.
Nghe podcast hoặc audiobook khi ru con ngủ: Trong những phút giây yên lặng, mẹ có thể lặng lẽ bồi đắp cho mình những dòng chảy tri thức — từ văn hóa, lịch sử đến kỹ năng mềm — như những hạt mưa âm thầm tưới mát tâm hồn.
Tạo "thế giới quanh nhà" cho mẹ và con cùng khám phá: Đếm những loài chim, phân biệt các kiểu mây, nhận biết cây cỏ nơi công viên… Mẹ và con cùng nhau học cách yêu thế giới qua những chi tiết nhỏ bé nhưng sống động quanh mình.
Viết nhật ký hành trình nuôi con: Chỉ cần vài dòng mỗi ngày, mẹ không chỉ ghi lại những khoảnh khắc quý giá mà còn rèn luyện khả năng quan sát, tự vấn, và kết nối sâu sắc hơn với cảm xúc của chính mình.
Học thêm kiến thức từ online: bạn có thể học 1 số khóa học ngắn về đa dạng chủ đề như làm cha mẹ, dinh dưỡng, AI… có rất nhiều lựa chọn miễn phí để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân.
Khoa học đã chứng minh, khi mẹ học hỏi và sáng tạo, bộ não mẹ không chỉ duy trì sự dẻo dai mà còn hình thành những kết nối thần kinh mới, tăng cường khả năng thích ứng, sáng suốt và đồng cảm.
Không ai có thể làm tất cả mọi thứ cùng lúc nhưng ai cũng xứng đáng được trân trọng vì hành trình mà họ đang lựa chọn.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/lam-me-dung-lo-tut-lai-phia-sau-d205949.html