Cô gái thay đổi thói quen khi ăn cơm gây ra cú sốc đường huyết
TRUNG QUỐC - Cô gái quyết định chuyển từ gạo trắng sang gạo lứt và ăn nhiều hơn, khiến chỉ số đường huyết biến động mạnh.
Để kiểm soát đường huyết (đường trong máu), nhiều người chuyển từ cơm trắng sang cơm gạo lứt, nghĩ rằng ăn nhiều loại gạo này sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Thẩm Uyển Trinh (Trung Quốc) đã chia sẻ một trường hợp cho thấy quan niệm trên là sai lầm.
Dù đang uống thuốc đều đặn, một cô gái mắc bệnh tiểu đường vẫn có chỉ số đường huyết bất ổn. Khi hỏi về thói quen ăn uống, bác sĩ mới hiểu vấn đề nằm ở thói quen ăn uống của cô.
Theo China Times, vì muốn tốt cho sức khỏe, nữ bệnh nhân thay “một bát cơm trắng” bằng “một bát tô cơm gạo lứt”, dẫn đến hấp thụ quá nhiều tinh bột và làm đường huyết tăng cao. Dù gạo lứt có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn nhưng bản chất vẫn là tinh bột, ăn nhiều tức là nạp thêm carbohydrate.
Kiểm soát tổng lượng tinh bột trong bữa ăn mỗi ngày là yếu tố then chốt để đường huyết ổn định. Bất kể là cơm trắng, cơm gạo lứt, khoai lang hay bánh bao - miễn là thực phẩm chứa tinh bột thì bạn đều phải chú ý đến khẩu phần.

Bạn không nên ăn quá nhiều tinh bột dù là gạo trắng hay gạo lứt. Ảnh minh họa: Ban Mai
Chuyên gia Thẩm cho biết trên Facebook cá nhân, trong hành trình kiểm soát đường huyết, lượng ăn vào mới là yếu tố quyết định, chứ không đơn giản là thay cơm trắng bằng gạo lứt. Nhiều bệnh nhân nghĩ gạo lứt tốt nên ăn nhiều hơn một cách vô thức, khiến tổng lượng tinh bột vượt mức cho phép, dẫn đến đường huyết cao.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt giữa gạo lứt và gạo trắng nằm ở lượng chất xơ, chứ không phải là “thần dược miễn nhiễm với tăng đường huyết”.
Nếu ăn cùng một lượng, chọn gạo lứt sẽ tốt hơn cho đường huyết vì là ngũ cốc nguyên cám chưa qua tinh chế. So với tinh bột tinh chế như gạo trắng thì gạo lứt giàu chất xơ, khoáng chất, vitamin và hợp chất thực vật hơn.
Theo Quỹ Dinh dưỡng Anh, bạn có thể áp dụng quy tắc "lòng bàn tay" ước lượng khẩu phần trong một bữa ăn để cân đối các nhóm chất chính như đạm, tinh bột, rau và chất béo mà không cần cân đong phức tạp.
- Đạm (protein): lượng bằng lòng bàn tay, không tính ngón tay (thịt, cá, trứng, đậu phụ…).
- Tinh bột (carb): lượng bằng nắm tay (cơm, khoai, bún, bánh mì...).
- Rau củ (chất xơ): lượng bằng bàn tay xòe ra (rau luộc, salad…).
- Chất béo tốt: lượng bằng ngón cái (dầu ô liu, bơ, các loại hạt…).
- Gia vị, đường: lượng bằng đốt đầu ngón cái.
Tùy vào giới tính, mục đích, lượng thực phẩm được tùy chỉnh. Nam giới có thể ăn gấp đôi lượng trên, người tập thể thao cũng ăn nhiều hơn.