Làm mới các ca khúc của thời đã qua
Trong đời sống âm nhạc, dường như một xu hướng đang trở thành phổ biến, cuốn hút nhiều nghệ sĩ, đó là làm mới các ca khúc của thời đã qua. Điều này mang đến cho công chúng không chỉ sự hứng thú mới mẻ mà còn khơi dậy những cảm xúc đặc biệt từ những giai điệu quen thuộc.
Quá trình làm mới các ca khúc truyền thống có thể bao gồm việc biến đổi phong cách, sáng tạo hòa âm hay thậm chí kết hợp với các dòng nhạc khác nhau. Mục đích của việc tái hiện những tác phẩm cũ này có thể là để tôn vinh giá trị nghệ thuật đã được cộng đồng công nhận, để kết nối với thế hệ trẻ, tạo dấu ấn độc đáo cho nghệ sĩ hoặc thách thức bản thân cũng như khán giả.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong việc làm mới vì nó đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về bản chất và ý nghĩa của các tác phẩm. Nghệ sĩ cần phải có khả năng sáng tạo và biểu diễn một cách xuất sắc để không làm mất đi bản chất, cảm xúc hoặc thông điệp của tác phẩm gốc. Trong trường hợp ngược lại, sự thất bại có thể dẫn đến sự phản đối của khán giả, khiến cho việc tái tạo trở nên mất ý nghĩa.
Do đó, làm mới những tác phẩm của thời đã qua là một quá trình nghệ thuật đầy thách thức, đòi hỏi sự tôn trọng và bảo tồn giá trị cốt lõi của những ca khúc ấy, đồng thời phải linh hoạt và phản ánh đúng xu hướng cũng như sở thích của khán giả đương đại.
Trong đời sống âm nhạc hiện nay, một trong những thành tựu đáng chú ý về làm mới ca khúc của thời đã qua, là sự trở lại của Phan Mạnh Quỳnh với ca khúc giao hưởng “Tình nhớ” - một tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sáng tác từ năm 1971. Ca khúc này thể hiện chân thành về mối tình chia ly, đan xen những cảm xúc phức tạp và sâu sắc. “Tình nhớ” đã trở thành bản hit được nhiều nghệ sĩ như Khánh Ly, Thanh Lam, Hồng Nhung, Quang Dũng, Lệ Quyên, và nhiều người khác trình bày.
Phan Mạnh Quỳnh, một tài năng trẻ là ca sĩ và nhạc sĩ, nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Vợ người ta”, “Có chàng trai viết lên cây”, “Hồi ức”, và nhiều tác phẩm khác. Anh là người yêu thích và kính trọng sâu sắc những sáng tác của Trịnh Công Sơn. Anh đã từng thể hiện nhiều bài hát của Trịnh như “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Tình nhớ”, và nhiều tác phẩm khác.
Trong dự án “Em và Trịnh”, Phan Mạnh Quỳnh đã tạo mới và trình bày bản giao hưởng “Tình nhớ” với sự hỗ trợ của dàn nhạc giao hưởng HBSO. Đây là một phiên bản hiện đại của bản gốc, với những thay đổi về phối âm và biểu cảm. Mặc dù không gian âm nhạc được mở rộng thông qua cách phối âm, Mạnh Quỳnh vẫn giữ trọn vẹn ca từ và giai điệu của phiên bản gốc. Anh tận dụng sự sáng tạo ở những điểm chuyển đoạn, cũng như trong phần nhạc nền, sử dụng kỹ thuật phối âm đa dạng và hoành tráng thông qua tiếng đàn piano tinh tế, dàn violin mượt mà và đặc biệt là sự kết hợp của dàn nhạc và âm nhạc điện tử, tạo nên những làn sóng vang dội, làm nổi bật giọng hát của Mạnh Quỳnh. Bản “Tình nhớ” giao hưởng đã mang lại một trải nghiệm mới lạ, độc đáo mà vẫn giữ nguyên tinh thần cũng như thông điệp của phiên bản gốc.
Một trường hợp thành công khác, là nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang với ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, một ca khúc trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Khuê, sáng tác năm 1981. Bài hát là một bản tình ca về mùa xuân quê hương, với những hình ảnh đẹp về làng lúa và làng hoa ven hồ Tây. Bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện, trong đó, thể hiện đầu tiên và cũng thành công vào loại nhất, là Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa.
Nghệ sĩ Ưu tú Hương Giang, Thượng tá quân đội, là một ca sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc dân gian và trữ tình. Chị cũng là giảng viên thanh nhạc tại trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2016 và được Bộ Quốc phòng vinh danh là Phụ nữ tiêu biểu toàn quân năm 2021.
“Mùa xuân làng lúa làng hoa” là một tác phẩm của nhạc sĩ Ngọc Khuê, được Hương Giang làm mới với bản nhạc nền giàu sắc thái. Bằng giọng hát tinh tế và sang trọng, chị đã biến ca khúc thành một bản romance xinh xắn về mùa xuân đẹp như tranh vẽ. Tôn trọng cấu trúc của tác phẩm trong sự sáng tạo cá nhân, Hương Giang hát trọn vẹn tác phẩm và chỉ thêm phần Vocli sau câu cuối của bản gốc, vậy mà đã tạo nên khúc vĩ thanh đầy ấn tượng. Đó là lối kết mở, thể hiện được trình độ thanh nhạc đỉnh cao của một nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tạo nên không gian âm nhạc phóng khoáng, hòa hợp với thông điệp của tác giả về những làng lúa, làng hoa truyền thống của Hà Nội.
Qua “Mùa xuân làng lúa làng hoa” và mấy ca khúc mà Hương Giang làm mới, có thể thấy rằng Hương Giang đã chọn đúng những ca khúc phù hợp với phong cách biểu diễn của mình, đó là dòng nhạc dân gian pha với bán cổ điển. Cô tránh được sai lầm của một ca sĩ, người đã thể hiện thất bại một ca khúc trữ tình tiền chiến vì không phù hợp với giọng hát và sân khấu của cô ấy. Trong quá trình làm mới, Hương Giang chú ý đến việc tạo ra bản nhạc nền thích hợp, sử dụng những âm thanh của nhạc cụ dân tộc như tiếng đàn bầu, đàn nhị để tạo nên không khí âm nhạc ấm áp và gần gũi. Chị đã kết hợp những yếu tố mới vào những nét đặc trưng của tác phẩm, tạo nên một phiên bản mới hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu hiện đại. Cách làm mới ca khúc của Hương Giang không chỉ giữ vững giá trị truyền thống mà còn làm phong phú thêm không gian âm nhạc Việt Nam.
Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, cũng có những trường hợp thất bại. Trong năm 2023, ca sĩ trẻ Han Sara đã gây ra một cuộc tranh luận lớn khi làm mới ca khúc “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao. Đây là một ca khúc hay và ý nghĩa về các cô gái thanh niên xung phong thời chống Mỹ, đã được nhiều thế hệ khán giả, trong đó có nhiều bạn trẻ, yêu mến. Tuy nhiên, Han Sara đã sử dụng bản phối EDM, trang phục váy ngắn bó sát và vũ đạo hiện đại, không phù hợp với tinh thần của ca khúc. Nhiều khán giả và giới chuyên môn đã phản ứng gay gắt, cho rằng Han Sara đã làm mất đi giá trị và cảm xúc của ca khúc. Thảm họa này, do cô đã cả gan chuyển một ca khúc nghiêm túc, trữ tình sang phong cách sexy! Chương trình “The Heroes”, nơi Han Sara trình diễn, đã phải xóa video và xin lỗi khán giả. Han Sara cũng đã thừa nhận sự thiếu sót của mình và hứa sẽ rút kinh nghiệm.
Làm mới (Remix) là một khái niệm trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là trong ngành công nghiệp âm nhạc điện tử và pop. Đây là quá trình tạo ra một phiên bản mới của một bản nhạc đã tồn tại bằng cách thay đổi, điều chỉnh hoặc kết hợp lại các yếu tố âm nhạc của bản gốc. Quá trình này có thể bao gồm việc thay đổi phối âm, tempo (tốc độ), điệu nhảy, và các thành phần âm thanh khác để tạo ra một trải nghiệm nghe nhạc mới và độc đáo.
“Remix” có thể được thực hiện bởi nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hoặc DJ, và thường được sử dụng để làm mới bản nhạc gốc, đồng thời làm tăng sự phổ biến và thu hút đối tượng người nghe khác nhau. Trong nhiều trường hợp, các Remix trở thành một phần quan trọng của văn hóa âm nhạc hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng sự ảnh hưởng của một bản nhạc.
Từ thành công và thất bại của việc làm mới những ca khúc của thời đã qua, có thể thấy rằng đó là xu hướng tất yếu của thời đại, giúp cho ca khúc đã thành công càng thành công, đã trường tồn cùng thời gian càng có sức sống lâu bền hơn. Công chúng cần có cái nhìn khách quan theo hướng phát triển để ủng hộ những nghệ sĩ dám dấn thân vào con đường đầy thử thách này!