'Làm mới' các động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo các động lực mới

Phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đặc biệt, Diễn đàn đã đánh giá toàn diện, khách quan năng lực chống chịu của nền kinh tế, nhận định các nguồn lực nội sinh, ngoại sinh, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ để tháo gỡ điểm nghẽn, tăng cường nội lực, 'làm mới' các động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận, bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

Phát huy tối đa “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Ghi nhận những kết quả của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn năm nay.

Khái quát lại một số nội dung chính được các đại biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến tại Diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh đó, phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu...

Các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí cần phải tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực “nội tại” của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế

Về một số gợi ý, đề xuất chính sách được đưa ra tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra thành công tốt đẹp.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra thành công tốt đẹp.

Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, ghi nhận các ý kiến đề xuất của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức lao động quốc tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về khai thác hiệu quả “ngoại lực”, các ý kiến tại Diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư.

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 05 động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu cho rằng cần tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.

Các diễn giả đã có nhiều phát biểu sâu sắc, đáng chú ý tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn Diễn đàn năm nay.

Các diễn giả đã có nhiều phát biểu sâu sắc, đáng chú ý tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn Diễn đàn năm nay.

Trước đó, cuối phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, các diễn giả tại phiên này đã đưa ra các thông điệp ngắn gọn gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần tiếp cận những cái mới, tạo những động lực mới để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Luôn nỗ lực và cố gắng trong cả lúc khó khăn và thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Cần tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc, khó khăn, tạo cơ hội cho lao động cho tất cả mọi người.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Trước nhiều thách thức, khó khăn, chúng ta cần chấp nhận những rủi ro nhất định để có những bước tiến nhanh trong xu thế công nghệ toàn cầu.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, khoảng cách mục tiêu nhiệm kỳ và mục tiêu chiến lược rất lớn. Để đạt được mục tiêu này cần có giải pháp phi truyền thống, từ nội dung chính sách đến thực thi chính sách.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Thời thế và vị thế của Việt Nam đã thay đổi nên cần có hệ điều hành khác mới có thể thay đổi. Trong đó cần tập đổi mới kinh tế số, chuyển đổi xanh để tạo cơ hội, sức bật mới. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của Việt Nam, để lại cho thế hệ tương lai nền kinh tế bền vững và lành mạnh hơn.

Ông Sebastian Eckardt - Giám đốc khối nghiệp vụ kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư - khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới: Thế giới đang thay đổi mô hình quản trị kinh tế toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng hết các cơ hội, lợi thế đó cần đổi mới mạnh mẽ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút đầu tư, xây dựng giá trị gia tăng, xây dựng nguồn lực chất lượng cao.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dien-dan-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-nam-2023-tro-thanh-trung-tam-thong-tin-da-chieu-va-toan-dien.html