Làm mới để hút khách đến bảo tàng
Để thu hút khách tham quan, các bảo tàng đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục, trải nghiệm.
Điển hình như Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Không chỉ thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại chỗ mà bảo tàng còn phối hợp với gần 30 bảo tàng, di tích trên cả nước để thực hiện các chương trình giáo dục trải nghiệm, lan tỏa mô hình hoạt động mà Bảo tàng đã, đang thực hiện tới các bảo tàng, di tích.
Hay như Bảo tàng Hà Nội luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là cho học sinh, sinh viên khi đến tham quan bảo tàng. Trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm như Rước trăng chơi phố dịp Trung thu; trình diễn các nghề thủ công truyền thống: làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng…
TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, sự phát triển các chương trình giáo dục trong các bảo tàng, di tích phản ánh tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa này với xã hội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Bảo tàng là thiết chế văn hóa giáo dục có đối tượng công chúng rộng rãi. Trong đó thế hệ trẻ vừa là công chúng mục tiêu vừa là công chúng tiềm năng.
Bà Lê Thị Liên, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ, bảo tàng và cộng đồng có mối quan hệ tương hỗ sâu sắc. Bảo tàng ra đời để phục vụ cộng đồng, mang lại cho công chúng những giá trị và trải nghiệm quý giá. Tuy nhiên, giá trị đó không chỉ nằm ở những hiện vật trưng bày trong tủ kính, mà còn thể hiện ở trách nhiệm của những người làm bảo tàng và giáo dục. Đó là làm sao để công chúng có thể cảm nhận, hiểu và lưu giữ ấn tượng tốt về di sản. Để đạt được điều này, cần phải nhìn từ góc độ của công chúng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động giáo dục và trải nghiệm.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) Đường Ngọc Hà, giáo dục di sản ở nhiều bảo tàng, di tích vẫn đang trong tình trạng… mày mò. Nếu Việt Nam rất tích cực trên trường quốc tế trong lĩnh vực ghi danh, quảng bá di sản, cũng như có những chương trình bảo tồn và phát huy di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương thì giáo dục di sản dường như chỉ mới được chú ý đến trong thực hành và nghiên cứu khoảng 10 năm trở lại đây. Di sản cũng mới chỉ được nhìn nhận như tài nguyên du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội chứ chưa được sử dụng một cách hữu hiệu vào công tác giáo dục.
Còn Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) Nguyễn Thị Lệ Quyên chia sẻ, Trung tâm đạt được nhiều thành công khi triển khai sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho đối tượng học sinh và gia đình, khi đưa yếu tố về giáo dục, trải nghiệm vào chương trình. Trung tâm thiết kế chương trình biểu diễn không chỉ là phục vụ mục tiêu biểu diễn, mà còn để truyền tải kiến thức, hiểu biết di sản văn hóa đó đến với công chúng; coi khán giả không chỉ là người nghe thụ động mà là một phần trong sản phẩm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-moi-de-hut-khach-den-bao-tang-10280776.html