Làm mới hình thức hoạt động giờ nghỉ, ngày nghỉ để thu hút chiến sĩ
Năm 2020, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đón nhận hàng nghìn chiến sĩ mới (CSM) ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Định, trong đó CSM người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%. Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 đã quan tâm tổ chức tốt hoạt động giờ nghỉ, ngày nghỉ, giúp CSM có thời gian thoải mái, vui tươi, bổ ích.
"Y Mich Siu ơi! Hát hay lắm. Hát tiếp đi. Hát thêm bài nữa đi!". Đó là tiếng hô của CSM Đại đội 10 (Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66) trong giờ nghỉ giải lao tại bãi tập huấn luyện bắn súng tiểu liên AK bài 1. Sau tiếng hô là bài hát "Giấc mơ Cha Pi" với giọng nam cao đầy nội lực, cùng với tiếng đàn ghi ta thùng tạo thành âm trầm bổng, du dương, quyến rũ ngay trên thao trường đầy nắng và gió Tây Nguyên. Người hát là CSM Y Mich Siu, dân tộc Gia Rai, ở Tiểu đội 3 (Trung đội 4, Đại đội 10) với sự góp sức của "Ban nhạc thao trường". Sau Y Mich Siu, nhiều cánh tay giơ lên đăng ký hát, người dẫn chương trình là chính trị viên đại đội vui vẻ nói: "Những đồng chí đăng ký sẽ hát vào giờ nghỉ giải lao sau". Cả đại đội phấn chấn bước vào giờ huấn luyện tiếp theo, bãi tập chỉ còn tiếng hô khẩu lệnh của cán bộ và tiếng bóp cò súng lách cách của bộ đội. Đại úy Nguyễn Quang Khánh, Đại đội trưởng Đại đội 10, cho biết: "Sở dĩ CSM hào hứng tham gia hát là nhờ có Ban nhạc thao trường. Sự ra đời của "Ban nhạc thao trường" đã đánh trúng sở thích, tâm lý của tuổi trẻ và mang lại một luồng sinh khí mới cho những giờ nghỉ, ngày nghỉ của bộ đội".
Trao đổi với Trung tá Lê Trung Thành, Chính ủy Trung đoàn 66, chúng tôi được biết, "Ban nhạc thao trường" là một trong những mô hình xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu của trung đoàn. Ban nhạc được thành lập ở cấp tiểu đoàn, gồm từ 3 đến 5 đồng chí biết chơi các loại nhạc cụ, như: Trống Cajon, đàn ghi ta, sáo trúc... Hằng ngày vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban nhạc tổ chức luyện tập và đánh nhạc phục vụ các sự kiện: Liên hoan văn nghệ, sinh nhật đồng đội, nghỉ giải lao trên bãi tập...
Khi chúng tôi băn khoăn: "Đơn vị làm sao có nhiều hạt nhân biết chơi nhạc cụ như vậy?", thì đồng chí Chính ủy Trung đoàn 66 dẫn mọi người đến xem một buổi luyện tập của "Ban nhạc thao trường" ở Tiểu đoàn 8. Binh nhất Ykhơkê Nuôi, chiến sĩ Tiểu đội 3 (Trung đội 4, Đại đội 6)-người chơi trống Cajon; Binh nhất Ai Sas Lương, chiến sĩ Tiểu đội Đại liên (Đại đội 5) và Binh nhất Yra Zin Byă, chiến sĩ Tiểu đội 4 (Trung đội 8, Đại đội 7) chơi đàn ghi ta thùng... đều là những người mới học. Binh nhất Ykhơkê Nuôi khoe với chúng tôi: "Tôi được các anh chiến sĩ đi trước dạy cho cách đánh trống Cajon và mới biết đánh gần một năm nay. Bây giờ thì bài hát nào tôi cũng có thể đánh được nhưng cần phải luyện tập thêm để đạt trình độ cao hơn. Tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn những CSM có năng khiếu và đam mê đánh trống Cajon để các em tiếp nối, duy trì ban nhạc khi chúng tôi xuất ngũ".
Nếu như CSM Trung đoàn 66 đang hào hứng với "Ban nhạc thao trường", thì CSM Trung đoàn 28 lại rất thích thú với trò chơi trí tuệ “Hội thao chính trị”. CSM Nguyễn Đức Sơn, Tiểu đội 9 (Trung đội 6, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28) đã có 4 năm học đại học và hơn một năm đi làm, vậy mà vẫn bị cuốn hút bởi sự mới mẻ, hấp dẫn của "Hội thao chính trị" do đại đội tổ chức. Anh xung phong và được trung đội cử làm đội trưởng để tranh tài với các trung đội bạn. Nội dung hội thao gồm 4 phần: Tìm nhân tố, đua tài, tiếp sức và chiến thắng. Đó là hệ thống câu hỏi được kết cấu theo hình thức trắc nghiệm, trả lời trực tiếp, giải ô chữ và các tình huống gần gũi với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật hằng ngày. “Đây là một trò chơi trí tuệ đánh trúng vào tâm lý thích tìm hiểu, khám phá của tuổi trẻ chúng tôi. Mặc dù hình thức, phương pháp tổ chức mô phỏng theo chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" trên VTV3, nhưng có những sáng tạo riêng, đặc sắc, vui nhộn, mang phong cách Bộ đội Cụ Hồ", chiến sĩ Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.
Tìm hiểu thực tế hoạt động giờ nghỉ, ngày nghỉ ở Sư đoàn 10, chúng nhận thấy đơn vị đã thành công trong đa dạng hình thức, phương pháp tổ chức và đánh trúng tâm lý, sở thích của CSM. Với tỷ lệ CSM người DTTS cao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 10 đã yêu cầu các đơn vị tìm hiểu nắm chắc đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc và chiến sĩ mình quản lý; đồng thời chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng những CSM có năng khiếu văn nghệ làm hạt nhân hoạt động phong trào trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Ngoài các hoạt động như: Thi đấu thể thao, thi chiến sĩ khỏe, học các điệu vũ quốc tế, múa tập thể, đánh nhạc cụ, "Tiếng hát binh nhì", "Ban nhạc thao trường", "Sinh nhật đồng đội", “Hội thao chính trị”... các đơn vị Sư đoàn 10 còn lựa chọn những trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa đặc thù của từng dân tộc để tổ chức trong giờ nghỉ, ngày nghỉ.