Làm mới những sản phẩm cũ ở Cồn Sơn

Giới thiệu với chúng tôi về khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Bình Thủy, Cần Thơ) là hướng dẫn viên Trần Thu Cúc. Khi dẫn khách, Thu Cúc giới thiệu cặn kẽ, nhiệt tình và chuyên nghiệp.

Cách làm du lịch ở đây cho thấy sự thay đổi và thích ứng bằng chính việc làm mới những sản phẩm cũ, phát huy tiềm năng sẵn có cộng với liên kết chặt chẽ giữa các địa phương.

Du lịch cộng đồng, điểm mạnh được phát huy

Lâu nay, khi đến Cần Thơ, chúng tôi thường được khuyên tìm hiểu chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, nhà cổ Bình Thủy... Nhưng Cồn Sơn mang lại cảm giác mới mẻ, chân thật về cuộc sống và hơi thở của người dân miền Tây. Cách một đường phà, Cồn Sơn giữ lại cho mình một vùng quê miền Tây với sông nước, miệt vườn nguyên sơ. Khác hẳn với cái nắng nóng bỏng rát, bước chân lên Cồn Sơn là màu xanh bao trùm. Cây cối cùng cốc nước mát đón khách khiến những cơn nắng nóng như được bỏ lại ngoài cồn. Dẫn chúng tôi đi theo những con đường nhỏ nằm giữa hàng cây bên những kênh, rạch, ao, chuôm, Trần Thu Cúc không quên giới thiệu về những bè cá da trơn xuất khẩu. Đời sống bà con Cồn Sơn đã thay đổi rất nhiều so với chục năm trước khi nơi đây được biết đến là cồn “4 không” (không điện, không nước, không trường, không trạm). Vẫn đời sống nông nghiệp, giờ đây, người dân Cồn Sơn đã biết kết hợp với du lịch, dịch vụ để cải thiện đời sống. Ở Cồn Sơn, du lịch cộng đồng được làm theo lối chân chất, mộc mạc đã níu chân du khách, người nọ mách người kia. Vì thế, Cồn Sơn đang trở thành điểm lựa chọn của nhiều du khách.

Cái hay của Cồn Sơn là trong số gần 80 hộ dân, chỉ 7 hộ đón khách trực tiếp, tầm từng đó nữa hộ liên kết du lịch nhưng cả cồn là một tổng thể điểm đến thú vị, giữ nguyên nét nguyên sơ của vùng quê sông nước. Cùng ở trên cồn, cùng có những đặc sản vậy thôi nhưng các hộ làm du lịch của Cồn Sơn lại có những cách làm “không đụng hàng” nhau. Nhà vườn Thành Tâm có “đặc sản” tát mương bắt cá. Ở đây khách được mời thưởng thức nước hoa đậu biếc mát lành, ngồi trên nhà bè ngắm đàn cá quẫy đuôi, tát mương hay xem cảnh cá lóc bay đầy ấn tượng... Ở nhà vườn Song Khánh, du khách lại được hướng dẫn cách “bón cơm” cho cá. Miệng nói tay làm, vừa cho đàn cá tai tượng nuôi hơn 30 năm nay trong nhà ăn, em Nguyễn Minh Chiến, nhân viên nhà vườn, hướng dẫn khách phải gõ gọi cá lên, khéo léo làm sao để khi cá há miệng thì thìa cơm cũng được cho ăn đúng lúc... Sang nhà vườn Công Minh, du khách lại được học cách nổ bỏng, tham quan cách làm mắm và được trực tiếp chủ nhà, bà Phan Kim Ngân (bà Bảy Muôn) hướng dẫn cách làm, cách bày biện đủ thứ bánh ngon lành, như: Bánh bò, bánh kẹp, bánh xèo... Nếu cứ lân la các nhà dọc theo những hàng rào đầy hoa, cheo leo qua cầu khỉ khách lại được học đan rổ, giã gạo, hái trái cây bốn mùa... Đó đều là những trải nghiệm gắn với miệt vườn thanh bình, với cuộc sống nhà nông, với những con người chất phác, phóng khoáng, trọng tình, khoan hòa và nhân ái.

 Hướng dẫn du khách giã gạo làm bánh ở Cồn Sơn.

Hướng dẫn du khách giã gạo làm bánh ở Cồn Sơn.

Một cách làm bền vững

Trần Thu Cúc vốn là sinh viên của Trường Cao đẳng du lịch Cần Thơ. Đi thực tập, Cúc về đây rồi vì mến cái tình, mến cuộc sống đầm ấm của các bà má trên cồn mà ở lại làm hướng dẫn viên, coi Cồn Sơn như chính quê mình. Cúc tâm sự: “Em làm hướng dẫn viên ở đây cũng đã vài năm nhưng không vì tiền mà chính là tình cảm như sống trong một gia đình. Các má ở đây thương tụi em, quan tâm chăm sóc”. Giới thiệu với chúng tôi về “nhà” mình, em cho biết, ở đây gà, cá, ốc, ếch... đều là sản phẩm tự nuôi. “Du khách lên cồn được thưởng thức thực đơn bay đó anh chị”, Cúc giới thiệu. "Thực đơn bay" ở đây là thực đơn mà mỗi nhà trên cồn chuẩn bị một món, khi khách gọi món nào nhà phụ trách món đó sẽ mang đến địa điểm khách chọn. Cách làm của Cồn Sơn là vậy, chung tay, chung tình, chung ý thức vì cộng đồng để du lịch Cồn Sơn luôn phát triển bền vững.

Với những điều được trải nghiệm ở Cồn Sơn, không khó để hiểu tại sao sau vài bước chân đã có tấm biển đề “Chào mừng bạn đến với Cồn Sơn. Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những bức ảnh”. Và người ở Cồn Sơn tận tâm, tận lực với quan điểm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Bà Phan Kim Ngân cho biết: “Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của người dân trên cồn là giữ cảnh quan, xử lý rác thải tại nguồn... Vì thế, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở du khách giữ vệ sinh môi trường, tránh mang chai nhựa, túi ni-lon lên cồn vì ở đây người Cồn Sơn luôn nấu nước đủ cho khách uống”.

Ở Cồn Sơn, chúng tôi gặp bà Dương Thủy (TP Hồ Chí Minh), một người khá am hiểu về Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cồn Sơn nói riêng. Bà kể cho chúng tôi những câu chuyện về cá lóc, về chuyện tình của loài cá thủy chung, khi cá lóc vợ đẻ, cá chồng luôn đi theo bảo vệ; về những ngày đầu làm du lịch gian khó của Cồn Sơn... Điều làm bà Thủy tâm đắc chính là người dân ở đây đã biết làm du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên và cũng biết trả lại, bồi đắp cho thiên nhiên. “Khi người dân Cồn Sơn nuôi cá, họ cho khách xem cá lóc bay xong khi cá trưởng thành họ trả về sông Hậu, trả về với môi trường tự nhiên. Du khách đến Cồn Sơn được cơ hội trải nghiệm thiên nhiên. Họ mới là “đại sứ du lịch” để quảng bá, kể những câu chuyện đẹp về Cồn Sơn”, bà Dương Thủy nói.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/lam-moi-nhung-san-pham-cu-o-con-son-619648