'Làm một khâu, biết nhiều khâu': Hiệu quả từ sáng kiến phối hợp công tác
Nhận thấy công tác phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ có vai trò, ý nghĩa quan trọng, có thể giúp hỗ trợ, tự đào đào kỹ năng nghiệp vụ thiết thực cho cán bộ, Kiểm sát viên mỗi đơn vị khác nhau, Kiểm sát viên 2 phòng đã phối hợp xây dựng sáng kiến 'Một số giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa đơn vị Thanh tra - Khiếu tố với Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, góp phần hoàn thành tốt vụ nhiệm vụ của VKSND tỉnh Điện Biên'.
Sáng kiến từ yêu cầu thực tiễn
Từ trước năm 2020, Phòng Thanh tra - Khiếu tố và Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2) chỉ cùng tham gia các cuộc kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cấp huyện trong Đoàn kiểm tra toàn diện do VKSND tỉnh Điện Biên tổ chức. Những lần này, đơn vị Thanh tra - Khiếu tố và Phòng 2 được phân công nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt và chỉ tổng hợp kết quả kiểm tra cho thư ký đoàn. Ví dụ như cuộc kiểm tra toàn diện năm 2020, đơn vị Thanh tra - Khiếu tố ngoài việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra đã được lãnh đạo phê duyệt theo quy định, khi tham gia Đoàn kiểm tra toàn diện của VKSND tỉnh được phân công nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ về kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Phòng 2 được phân công nhiệm vụ kiểm tra việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về trật tự xã hội.
Đơn vị Thanh tra - Khiếu tố và Phòng 2 tuy là hai phòng nghiệp vụ khác nhau nhưng có những lĩnh vực công tác có sự liên quan, gắn kết với nhau, chỉ khi thực hiện tốt công tác phối hợp thì nhiệm vụ của mỗi phòng mới được thực hiện trôi chảy, toàn diện, cụ thể là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra và lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những giải pháp phối hợp
Phối hợp trong việc lựa chọn lĩnh vực, phương thức kiểm tra: Qua kết quả theo dõi VKSND cấp huyện, thấy rằng: VKSND huyện Tuần Giáo là một trong những địa bàn có tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng thụ lý kiểm sát nguồn tin về tội phạm tương đối nhiều, nhưng quá trình thực thi nhiệm vụ cả Điều tra viên và Kiểm sát viên đều để xảy ra những sai sót, vi phạm, cần phải chấn chỉnh.
Xét thấy cần phải có 1 cuộc kiểm tra riêng với VKSND huyện Tuần Giáo để tìm ra nguyên nhân sai phạm, chấn chỉnh và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Kiểm sát viên nên hai đơn vị đã đề nghị lãnh đạo cho tiến hành phối hợp kiểm tra và được nhất trí.
Phối hợp khi kiểm tra, kiểm sát trực tiếp: Ngoài các cuộc thanh tra theo chuyên đề, trong các cuộc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm, hai đơn vị đã phân công Kiểm sát viên của hai phòng phối hợp thực hiện cùng một công việc cụ thể, với cách làm như sau:
Trước khi tham gia cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn giao nhiệm vụ cho các đồng chí thành viên, yêu cầu Kiểm sát viên hai đơn vị trao đổi kỹ năng kiểm sát hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để cùng nhau nắm vững lý thuyết, đồng thời cũng đã tổng hợp và đưa ra một số vi phạm điển hình trong từng lĩnh vực làm cẩm nang cho quá trình kiểm tra,
Khi kiểm tra, Trưởng đoàn tiến hành giao công việc đan xen để Kiểm sát viên được tiếp cận hồ sơ của cả hai lĩnh vực, yêu cầu các Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ cả nội dung và quá trình tố tụng. Trong quá trình kiểm tra, các lỗi được phát hiện sẽ công khai ngay cho cả đoàn biết để cùng nghiên cứu trong các hồ sơ được kiểm tra.
Phối hợp khi tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Đối với những thời gian trước khi hai phòng chưa họp bàn kế hoạch phối hợp thì khi đơn vị Thanh tra - Khiếu tố nhận đơn chỉ ban hành công văn yêu cầu Phòng 2 nghiên cứu hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và ban hành văn bản trả lời để Thanh tra- Khiếu tố có căn cứ giải quyết đơn. Nhưng từ khi hai phòng có kế hoạch chủ động phối hợp những vụ việc có liên quan đến việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, đã cùng nhau họp bàn trước, đưa ra các phương án giải quyết, cùng nghiên cứu hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ giải quyết đơn, từ đó xác định được việc giải quyết của các cơ quan liên quan đúng hay sai, yêu cầu của công dân có căn cứ hay không.
Việc Kiểm sát viên hai đơn vị cùng nghiên cứu hồ sơ khi đi kiểm tra hoặc khi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giúp cho Kiểm sát viên Thanh tra - Khiếu tố trực tiếp nắm bắt được nội dung và các thao tác tố tụng đã tiến hành để nhận định có oan, sai hay không, Kiểm sát viên Phòng 2 được học kỹ năng, trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kỹ năng tiếp công dân. Hoạt động này cũng đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho Kiểm sát viên hai đơn vị, thực hiện đúng phương châm “Làm một khâu, biết nhiều khâu”, đáp ứng được yêu cầu tự học tập, tự đào tạo mà VKSND tỉnh Điện Biên đã xác định.
Hiệu quả thiết thực
Trong phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát tố giác tin báo về tội phạm: Hai đơn vị đã chủ động tham mưu và được sự nhất trí của đồng chí Phó Viện trưởng được Viện trưởng phân công phụ trách hai phòng, ngày 15/5/2020 đơn vị Thanh tra - Khiếu tố và Phòng 2 cùng tiến hành cuộc trực tiếp kiểm sát công tác tiếp nhận, thụ lý, giải quyết nguôn tin về tội phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Điện Điên; ngày 7/4/2021 đơn vị Thanh tra - Khiếu tố và Phòng 2 đã phối hợp để tiến hành cuộc thanh tra, kiểm tra trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đối với VKSND huyện Tuần Giáo; ngày 11/10/2021, hai phòng tiếp tục phối hợp kiểm tra việc giải quyết một số nguồn tin về tội phạm của VKSND huyện Điện Biên Đông…
Dựa trên kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo viện đã đánh giá được hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tại hai đơn vị. Trên cơ sở đó đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong các thao tác nghiệp vụ của cả Kiểm sát viên và Điều tra viên, phân tích được nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, yếu kém, đồng thời chỉ ra được cách thức, giải pháp khắc phục và áp dụng trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.
Công tác phối hợp giữa hai phòng đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, các vụ việc đã được giải quyết triệt để, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, công dân được giải đáp thấu đáo và rất tin tưởng đối với ngành Kiểm sát nhân dân.