Làm nông nghiệp sạch trong đô thị

Nông nghiệp đô thị ở Việt Nam, nhất là tại TP HCM, rất đa dạng, từ trồng rau, nuôi thủy sản đến xử lý nước thải, chất thải hữu cơ làm phân bón...

Từ hơn 10 năm trước, gia đình chị Lê Thị Kim Gấm - ngụ xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP HCM - bắt đầu nuôi cá Koi. Đến nay, chị đã có gần 20 bể nuôi cá Koi, sản lượng gần 2 tấn/năm. Hiện tại, chị đang thử nghiệm nuôi cá trèn, cá chình cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn.

Những mô hình mới

Ngoài ra, gia đình chị Kim Gấm còn thử nghiệm trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị trên diện tích đất khoảng 500 m2. "Tôi nuôi, trồng theo hướng hữu cơ, mô hình tuần hoàn khép kín, tiết kiệm nước và có lợi thế là canh tác ngay thị trường tiêu thụ nên sản phẩm đến tay khách hàng luôn bảo đảm tươi ngon" - chị Kim Gấm nói.

Tại tỉnh Long An, anh Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học MEGA, Aquaponics ở xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, nổi tiếng với mô hình nuôi mực lá, cá mú đỏ, tôm thẻ, tôm sú… hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thạnh cho biết từ đầu năm 2024, cơ sở tập trung nghiên cứu ươm nuôi mực lá trong hệ thống Aquaponics. Sau khi nuôi thành công mực lá từ 50 g (bắt từ biển) lên 200 g, anh Thạnh đang thử nghiệm ấp trứng mực để nuôi tại TP HCM. "Mực lá đánh bắt ở biển, bán vào các nhà hàng, quán ăn ở TP HCM có giá 400.000 - 500.000 đồng/kg nhưng mực lá tôi nuôi có thể bán được 800.000 đồng/kg vì con mực còn sống, bơi lội tung tăng. Tôi đang hoàn thiện mô hình để có thể nhân rộng việc nuôi hải sản ngay trong đất liền" - anh Thạnh tự tin.

Thu hoạch lúa ST25 hướng hữu cơ vụ đông xuân tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh

Thu hoạch lúa ST25 hướng hữu cơ vụ đông xuân tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh

Trước khi thử nghiệm mô hình Aquaponics nước mặn, từ năm 2016, anh Thạnh đã triển khai thành công mô hình này đối với nhiều loại thủy sản nước ngọt và trồng các loại rau, củ, quả. Theo anh Thạnh, trên nguyên tắc chuyển hóa chất thải từ quá trình nuôi cá, mực thành dinh dưỡng cho cây trồng, mô hình này không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Ưu điểm nổi bật của Aquaponics là khả năng tận dụng không gian nhỏ hẹp, phù hợp với điều kiện đô thị. Trung bình, với diện tích chỉ 5 m2, mô hình có thể đạt năng suất 80 kg cá và 2,5 kg rau mỗi tháng" - anh Thạnh tính toán.

Tiềm năng rất lớn

Thực trạng đất nông nghiệp tại các đô thị giảm mạnh qua từng năm, diện tích đất làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trong khi giá đất liên tục tăng buộc các "nông dân đô thị" phải thay đổi phương thức canh tác để thích nghi với điều kiện hiện có và gia tăng giá trị. Tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP HCM, Tổ nghề nghiệp trồng lúa của gần 10 thành viên đã canh tác thành công 7 ha lúa ST25 theo hướng hữu cơ từ giống lúa thuần chủng của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Ông Nguyễn Văn Hai, tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng lúa xã Hưng Long, cho biết gia đình ông có 1,5 ha trồng lúa ST25 bằng phân bón hữu cơ của một công ty ABZ trên địa bàn huyện. Công ty này cung cấp trọn gói từ hạt giống, phân hữu cơ, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn lúa ST25 trên thị trường 1.000 đồng/kg. "Đợt bão số 3 năm 2024, mưa lớn khiến nhiều ruộng lúa ngã rạp, hư hại nặng nhưng ruộng của tôi và các thành viên trong tổ nghề nghiệp trồng lúa chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Nhờ bón phân hữu cơ và bón vừa đủ nên cây lúa khỏe mạnh, cứng cáp, chống chịu được gió bão. Lúa vụ Đông Xuân trúng mùa, bán được giá, thu nhập được cải thiện và có gạo sạch cho gia đình, người thân lẫn cộng đồng ăn Tết" - ông Hai bày tỏ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, huyện Bình Chánh đang nhân rộng mô hình trồng lúa hướng hữu cơ để tăng hiệu quả sản xuất lúa, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Nhìn vào hiệu suất thu hoạch qua 2 mùa của Tổ nghề nghiệp trồng lúa xã Hưng Long, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đăng ký tham gia làm lúa sạch.

Nói về mô hình nuôi cá kết hợp trồng rau, chị Kim Gấm khẳng định đây là một hướng đi đầy tiềm năng cho nông nghiệp đô thị. Với chuyên môn và kinh nghiệm sẵn có, vợ chồng chị chỉ cần dành khoảng 1-2 giờ mỗi ngày để chăm sóc khu vườn - nơi đang trồng tía tô để làm trà - cùng hệ thống bể cá nhưng vẫn bảo đảm sản lượng ổn định và đầu ra vững chắc. "Nếu thực sự nghiêm túc đầu tư, nguồn thu từ mô hình này có thể rất tốt" - chị cho biết.

Không chỉ dừng lại ở quy mô hiện tại, chị và chồng còn ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển kênh phân phối. Một số nhà đầu tư đã ngỏ ý hợp tác, tuy nhiên, theo chị, thời điểm hiện tại chưa thực sự phù hợp. Thực tế, chi phí đất đai tại TP HCM quá cao, khiến việc đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn trong đô thị trở thành một thách thức lớn. Dù thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đáng tiếc, những chính sách này vẫn còn vướng mắc, chưa thể triển khai hiệu quả.

Tại một hội thảo về nông nghiệp đô thị mới đây, TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, phân tích thực phẩm được thu hoạch và phục vụ ngay cho người tiêu dùng sẽ tươi, sạch, giá trị dinh dưỡng cao hơn. Chuỗi cung ứng ngắn từ nông nghiệp đô thị giúp giảm chi phí, lãng phí và ô nhiễm từ bao bì, đóng gói và phù hợp với nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng của người dân.

Tập trung phát triển 6 sản phẩm chủ lực

Tại TP HCM, UBND thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào cuối năm 2023. Thế nhưng, đến nay chương trình vẫn chưa được triển khai hiệu quả để hiện thực hóa tiềm năng to lớn này. Năm 2025, TP HCM đặt mục tiêu tập trung chuyển đổi số phát triển nông nghiệp sạch, tiếp tục nâng cao tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất. Thành phố cũng sẽ thực hiện mạnh mẽ việc cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị và tập trung phát triển 6 sản phẩm chủ lực.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-nong-nghiep-sach-trong-do-thi-196250221204221387.htm